Apax Holdings của Shark Thủy cho cá nhân vay trăm tỷ lấy lãi, nợ lương tháng 13 của toàn bộ nhân viên
Trong khi Apax Holdings của Shark Thủy phải vay lại toàn bộ lương tháng 13/2020 của tất cả trung tâm bộ phận của Anh ngữ Apax, thì công ty này lại có gần trăm tỷ để cho các cá nhân vay với lãi suất 12%/năm.
Mới đây, CTCP đầu tư Apax Holdings (MCK: IBC) đã công bố báo cáo hợp nhất quý II/2021.
Theo báo cáo này, Apax Holdings của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi Shark Thủy) đạt doanh thu thuần khoảng 522 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, Apax Holdings ghi nhận 989 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 21 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 167 tỷ đồng.
Với kết quả này, Apax Holdings đã thực hiện được 34% kế hoạch doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi trước thuế năm sau 6 tháng.
Báo cáo của Apax Holdings khoản lợi nhuận gộp 125 tỷ đồng trong quý II/2021 không thể bù đắp chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng chi phí tài chính. Tuy nhiên, nhờ có khoản thu hơn 85,5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính giúp doanh nghiệp của Shark Thủy lãi sau thuế 3,6 tỷ đồng.
Trong phần phải thu về cho vay ngắn hạn của Apax Holdings thể hiện, có 5 cá nhân vay 117 tỷ đồng. Cụ thể, 2 cá nhân Hoàng Hồng Trung và Trương Thị Kim Oanh lần lượt vay 25 và 12 tỷ đồng với lãi suất tính bằng với lãi suất của ngân hàng BIDV, hai khoản vay này không có tài sản đảm bảo.
3 cá nhân gồm Mạc Xuân Chiến, Lưu Quang Thịnh và Nguyễn Thị Đoàn vay lần lượt 30, 20 và 30 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm.
Trong khi có cả trăm tỷ đồng cho các cá nhân vay lấy lãi, thì Apax Holdings lại đang nợ lương tháng thứ 13/2020 của tất cả trung tâm bộ phận của Anh ngữ Apax với tổng trị giá 9,2 tỷ đồng. Khoản nợ lương này được Apax Holdings hợp thức thành khoản vay theo Biên bản Đại hội Công đoàn số 2003 và Biên bản họp công ty số 2503.
Apax Holdings tiền thân là CTCP Đầu tư VN Benchmark (IBCI), một công ty đầu tư tài chính thành lập vào tháng 3/2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng và liên tục được bơm thêm tiền bởi các cá nhân trong những năm tiếp theo.
Doanh nghiệp này lên sàn UpCOM từ tháng 5/2016 và tăng vốn từ 63 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng sau đó đổi tên hành Apax Holdings khi Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ mua hơn 30% cổ phần.
Trong “hệ sinh thái” của Egroup, Apax Holdings đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các công ty thành viên. Năm 2018, doanh nghiệp này tiếp tục phát hành thành công 207 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhóm quỹ đầu tư Valuesystem đến từ Hàn Quốc. Số tiền thu về chủ yếu được dùng để mua cổ phần tại Anh ngữ Apax (Apax English).
Đến tháng 10/2019, nhóm quỹ Valuesystem chấp nhận mất dòng thu nhập lãi suất khi chuyển đổi 103 tỷ đồng trái phiếu thành 5,1 triệu cổ phiếu (với bên nhận ủy thác thực hiện là Shinhan Bank). Tuy nhiên sau đó chưa đầy 1 năm, nhóm quỹ Hàn Quốc đã thoái hết vốn cho Shark Thủy vào tháng 5/2020.
Năm 2020 vừa qua, Apax Holding cũng thất bại trong việc huy động vốn từ phương án chào bán riêng lẻ Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup - công ty mẹ đang sở hữu 66,66%. Bên cạnh đó, việc phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng khó thực hiện thành công bởi các kế hoạch sử dụng vốn của công ty chưa đủ thuyết phục.
Thay vào đó, Apax English, thành viên của Apax Holdings, đã phát hành 2 triệu trái phiếu có tài sản đảm bảo (tương đương 200 tỷ đồng) theo hình thức riêng lẻ. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu và được đảm bảo bằng tài sản. Kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định 12%/năm với kỳ tính lãi là 03 tháng/lần.
Apax English cho biết, việc phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn nằm trong chiến lược kinh doanh của năm 2021 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, Apax English cũng ưu tiên sử dụng một phần không nhỏ ngân sách để đảm bảo khả năng duy trì chi trả đẩy đủ lương, thưởng cho đội ngũ giáo viên nước ngoài và cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận