menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Huy

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc lạm dụng rượu bia cũng cần được đẩy mạnh hơn, quan trọng là thay đổi nhận thức và ý thức của người tiêu dùng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt điều chỉnh với ngành bia rượu dự kiến tăng đến 80% vào năm 2026 và tăng lên 100% vào năm 2030, công cụ này liệu có thật sự đạt hiệu quả về điều tiết việc sản xuất, tiêu dùng?

Để rõ hơn những vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Thưa Luật sư, việc Bộ Tài chính trình đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn lên 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030, sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp sản xuất trong ngành bia rượu?

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và áp thuế cao hơn đối với các đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu có nồng độ từ 20 độ trở lên, sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất trong ngành này. Việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí sản xuất và chi phí này sẽ được chuyển sang giá thành sản phẩm. Điều này có thể khiến giá các sản phẩm đồ uống có cồn tăng lên, làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào phân khúc thị trường mà doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp sản xuất rượu cao cấp, sang trọng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh nghiệp sản xuất rượu bình dân.

Do đó để điều chỉnh, doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả hoạt động để tối ưu hóa chi phí sản xuất, ví dụ như áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu hao hụt,... Giá bán sản phẩm chắc chắn sẽ phải tăng để bù đắp cho chi phí thuế và sản xuất tăng cao, điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước so với các loại đồ uống khác không chịu mức thuế tương tự. Như vậy doanh nghiệp cần có chiến lược giá cả hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp cho rằng đánh thuế TTĐB với đồ uống có cồn cao chưa hẳn là phương án tốt điều chỉnh sức tiêu thụ của người tiêu dùng. Thực hiện công cụ tăng thuế chỉ kéo giảm doanh thu, cũng như tỷ lệ nộp ngân sách Nhà nước của ngành bia rượu. Luật sư đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Có thể thấy, mục đích của các cơ quan chức năng là nhằm nâng cao nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia của người dân. Việc tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồ uống có cồn có tính chất gây nghiện, dễ dẫn đến lạm dụng.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

Nếu chỉ đánh thuế cao hơn cũng chưa thực sự giải quyết triệt để vấn đề, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn nhỏ lẻ có thể trốn thuế, không kê khai thuế đầy đủ, việc buôn lậu, bán hàng giả hàng nhái bia, rượu có thể xảy ra nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để có thể đạt được mục tiêu này, nếu chỉ đánh thuế cao hơn cũng chưa thực sự giải quyết triệt để vấn đề. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn nhỏ lẻ có thể trốn thuế, không kê khai thuế đầy đủ, việc buôn lậu, bán hàng giả hàng nhái bia, rượu có thể xảy ra nghiêm trọng hơn khi mức thuế bị áp dụng quá cao, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn giữ nguyên hoặc có thể tăng.

Hoạt động tăng thuế TTĐB đối với các mặt hàng này chỉ có thể là biện pháp tạm thời, Nhà nước cần có những biện pháp mạnh tay hơn để thay đổi nhận thức cũng như thói quen tiêu dùng bia rượu của người dân.

Đồng thời, cũng cần cân bằng giữa lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn nói riêng cũng như các nguồn thu của Ngân sách Nhà nước khi tiến hành các chính sách thuế đối với loại sản phẩm này.

Ngoài các chính sách thuế đối với đồ uống có cồn, theo Luật sư chúng ta có thể áp dụng những công cụ nào khác để tăng cường quản lý mặt hàng này?

Theo quan điểm của tôi, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học vào việc tạo ra các sản phẩm phù hợp hơn, vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời hạn chế các tác hại tới sức khỏe, cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng và của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ngoài các chính sách thuế liên quan tới mặt hàng này, Nhà nước cần tăng cường hoạt động kiểm tra đối với thị trường, với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia rượu. Cần có một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn cũng như các chế tài xử phạt mạnh tay hơn đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm để hạn chế tối đa các sản phẩm không đạt chất lượng tràn ngập trên thị trường.

Hơn thế nữa, các điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn cũng cần thiết kế nghiêm ngặt hơn, để đảm bảo các cơ quan chức năng có thể kiểm soát ngay từ đầu hoạt động của các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo việc giám sát và quản lý các sản phẩm này được đồng bộ và hiệu quả.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc lạm dụng rượu bia cũng cần được đẩy mạnh hơn, quan trọng là thay đổi nhận thức và ý thức của người tiêu dùng.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả