Theo The Guardian, các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này được xác nhận vào tháng 12/2020 bởi các nhà khoa học Anh và Nigeria.
Biến thể mới được đặt tên là B1525. Các chuyên gia từ Đại học Edinburgh (Anh) đã phát hiện ra kháng thể này sau khi giải trình tự các mẫu thu được từ Đan Mạch (35 trường hợp), Anh (32), Nigeria (12), Mỹ (7), Pháp (5), Ghana (4), Canada (2), Úc (2) , Jordan (2) và Tây Ban Nha (1).
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh (Anh), biến thể mới được xem là khá nguy hiểm vì nó có điểm tương đồng với biến chủng B117, hay biến chủng Kent, do đó chúng có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn các chủng ban đầu.
Tuy nhiên, nó khác với chủng Kent bởi đột biến E484K ở protein gai. Đột biến E484K xuất hiện trên các biến thể phát hiện ở Nam Phi và Brazil, được cho có thể giúp virus SARS-CoV-2 tránh các kháng thể vô hiệu hóa do cơ thể sản xuất.
Trong báo cáo công bố ngày 15/2, các chuyên gia từ Nhóm cố vấn về virus đường hô hấp mới và mới nổi (NERVTAG) kết luận rằng biến chủng SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh vào tháng 12 nguy hiểm hơn dạng ban đầu của SARS-CoV-2.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng mới này đã xuất hiện tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ở động thái liên quan mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 đã chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca, qua đó cho phép khởi động việc phân phối vaccine này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
2 loại vaccine được phê duyệt này hiện đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và tại Hàn Quốc. Ngoài 2 phiên bản vaccine nói trên, đến nay mới chỉ có vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.
Tính tới sáng nay (16/2 theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng gần 110 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 2,4 triệu ca tử vong và hơn 84 triệu người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.