Alibaba rót 400 triệu USD cho tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, “kịch tính” cuộc chơi bán lẻ tiêu dùng?
“Gã khổng lồ” Alibaba gắn với tên tuổi tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cùng Baring Private Equity Asia vừa đầu tư 400 triệu USD vào “chiếc vương miện” tỷ đô The CrownX thuộc Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Liên thủ này sẽ khiến cuộc chơi bán lẻ tiêu dùng online lẫn offline tại Việt Nam vốn đã không dễ dàng nay thêm phần khốc liệt.
Không còn là đồn đoán, thông tin "Gã khổng lồ" Alibaba đổ 400 triệu USD vào Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã chính thức được công bố.
Alibaba "rót" 400 triệu USD vào Masan, MSN thăng hoa
Cụ thể, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với giá trị 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.
Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng).
Đây là nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Tập đoàn Masan, được thành lập dựa trên việc sáp nhất Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM, đơn vị sở hữu chuỗi Vinmart, Vinmart+ của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng).
Trên thực tế, tin đồn về việc SK và Tập đoàn Alibaba sẽ tham gia đầu tư vào Masan (hoặc các thành viên của tập đoàn này) đã được thị trường đồn đoán từ quý IV/2020.
Trước khi có tuyên bố chính thức vào ngày hôm qua (18/5), thị trường râm ran thông tin việc Tập đoàn Alibaba sẽ mua cổ phần của The CrownX đã giúp cổ phiếu MSN tăng mạnh trong hơn 1 tuần qua.
Cụ thể, cổ phiếu MSN tăng trần chính thức vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/5. Tính đến ngày 18/5, thị giá cổ phiếu MSN đã tăng 10,5% trong khoảng 1 tuần gần nhất - mức sinh lợi khá tốt cho các khoản đầu cơ theo các thông tin đồn đoán.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, cổ phiếu MSN tiếp tục cộng thêm 2,28% giá trị trong phiên sáng, lên giao dịch quanh mức 107.500 đồng/cp. Vốn hóa của Masan cũng vượt mốc 126 nghìn tỷ đồng.
Toan tính của các tỷ phú
Đó là những tác động nhãn tiền đối với "người trong cuộc" là Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Nhìn rộng hơn, trong khuôn khổ hợp tác, The CrownX sẽ cùng với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ truyền thống (offline) đến trực tuyến (online) - O2O tại Việt Nam.
Đáng chú ý, hai bên cũng sẽ phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của VCM, đồng thời, phát huy sức mạnh hiệp lực từ nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Như vậy, việc The CrownX bắt tay hợp tác với Alibaba thông qua Lazada sẽ giúp Masan Group tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng nền tảng điện tử của riêng mình.
Doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có thể tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng có sẵn trên Lazada để đẩy mạnh bán lẻ online, từ đó phát huy thế mạnh của mô hình tích hợp xu hướng Online-Offline (O2O) tại Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình kinh doanh cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Điều này hoàn toàn "khớp" với chiến lược của Masan được tiết lộ trước đó. Tại Đại hội đồng cổ đông của Masan Group diễn ra mới đây, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX chia sẻ: "Mười năm trước, chúng tôi không biết bán hàng online là gì, nhưng đến bây giờ, chúng tôi đã phác họa được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam phải như thế nào".
Dựa trên "phác họa" đó, The CrownX kỳ vọng rất lớn vào kênh online và trong giai đoạn 2021-2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% vào tổng doanh thu.
Nêu quan điểm về thương vụ này, TS. Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu kế toán Úc nhìn nhận, câu chuyện đầu tư của Alibaba cũng sẽ giống như ở nước bản xứ của họ, bán lẻ trực tuyến cộng sản phẩm tài chính tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn trên thị trường.
Cụ thể với thương vụ hợp tác này, hệ thống cửa hàng vật lý kết hợp VinID, sản phẩm tài chính kèm theo, bán lẻ trực tuyến Lazada, hàng tiêu dùng của Masan sẽ chiếm lĩnh thị phần, kết hợp công nghệ, am hiểu dữ liệu người dùng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho "người trong cuộc" Masan và Alibaba.
"Bán lẻ trực tuyến, kết hợp cho vay tiêu dùng, thanh toán qua app, khách hàng sẽ được hưởng chiết khấu lớn. Đó là mô hình Alibaba chuẩn bị cho thị trường Việt trong tương lai rất gần. Nó sẽ tác động lớn trực tiếp vào các hãng bán lẻ truyền thống, đặc biệt đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn cao như đồ điện tử, điện thoại" ông Long bổ sung thêm.
Thực tế trên thế giới, mô hình bán lẻ tích hợp online và offline không còn quá mới mẻ và được đẩy mạnh trong những năm gần đây bởi những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới hiện nay như Walmart, Amazon (Mỹ) hay Alibaba (Trung Quốc).
Riêng ở thị trường Việt Nam, hiện tại, nhu yếu phẩm chiếm 50% quy mô thị trường bán lẻ, 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt và là mặt hàng mà người dân có nhu cầu sử dụng hàng ngày. Vì vậy, có thể nói, dư địa phát triển của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm online là rất lớn.
Cũng theo ông Long, với số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, "chiếc vương miện" tỷ đô The CrownX thuộc Masan Group không chỉ là chương đầu tiên trong hành trình thành hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ lớn nhất Việt Nam, đây còn là khởi đầu cuộc chơi đầy tham vọng của Alibaba tại quốc gia Đông Nam Á này.
Alibaba sẽ "đốt nóng" cuộc chiến trên thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng Việt Nam?
Câu hỏi đặt ra, liệu thị trường hàng tiêu dùng bán lẻ Việt Nam có "dậy sóng" sau khi Alibaba nhập cuộc?
Không chỉ Masan, hiện tại nhiều chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước đều có bóng dáng nguồn vốn ngoại hoặc thuộc sở hữu của nước ngoài, như Aeon Mall (Nhật Bản), BigC (Thái Lan, đổi thành Tops Market và GO!), Lotte Mart,...
Được biết, các doanh nghiệp ngoại đều lên kế hoạch rõ ràng cho việc phát triển tại Việt Nam. Đơn cử như trong vòng 5 năm tới, tập đoàn Thái dự định đầu tư 1,1 tỷ USD để mở rộng thị trường trên toàn quốc. Phía Aeon Mall dự kiến mở khoảng 20 trung tâm thương mại từ nay tới năm 2025.
Trong nước, các doanh nghiệp nội hiện có Bách hóa Xanh, Co.op Mart (gồm Co.op Food), Satrafoods,...
Thế nhưng trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam liên tiếp chứng kiến sự ra đi của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Âu dù đây được đánh giá là thị trường đầy hấp dẫn với sức mua ngày càng tăng cao như Auchan, Parkson hay Metro. Một số nền tảng thương mại điện tử lớn như Zalora, Lotte.vn,... cũng rời khỏi thị trường.
Hiện tại, chuỗi VinMart phải đối đầu với Co.op Mart và BigC (cũ), VinMart+ phải đối đầu với Bách hóa Xanh, Co.op Food và Satrafoods. Còn Lazada đã bị Shopee vượt mặt trên khu vực Đông Nam Á và đang gặp cạnh tranh quyết liệt tại Việt Nam bởi Shopee, Tiki, Sendo.
Các đối thủ "đáng gờm" của Lazada ở mảng thương mại điện tử cũng có những lợi thế mạnh. Như Shopee đang cho đặt hàng qua ứng dụng Now - nền tảng giao đồ ăn lâu đời tại Việt Nam, thuộc cùng công ty mẹ với Shopee. Hay Tiki đẩy mạnh ngành hàng tiêu dùng, trong đó có mảng thực phẩm tươi sống TikiNgon.
Trước áp lực cạnh tranh khốc liệt, theo các chuyên gia "liên thủ" Masan và Alibaba sẽ khiến cuộc chơi bán lẻ tiêu dùng online lẫn offline tại Việt Nam vốn đã không dễ dàng nay thêm phần khốc liệt. Song giới chuyên gia cho rằng, thị trường Việt Nam bắt đầu phát triển về chất, sau Alibaba, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự gia nhập của Amazon, khi đó "miếng bánh" bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ "khó nhằn" hơn bao giờ hết và người hưởng lợi cuối cùng khi đó là người tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận