Ai nên quyết giá xăng?
Mỗi lần giá xăng điều chỉnh tăng, người bán hàng ở chợ hay chủ các quán xá sẽ đồng ca “xăng tăng rồi”, để thanh minh về việc một mặt bằng giá mới đã lại được thiết lập. Người tiêu dùng cảm nhận rõ nhất điều đó và phải gánh chịu hết. - VnExpress
Xăng, dầu là mặt hàng quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến mặt bằng giá cả, đến nền kinh tế vĩ mô. Vì thế mà các chính phủ trên thế giới đều có chính sách điều hành giá mặt hàng này, để đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên: người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính. Trong khi, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính nói sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức...
Dường như, hai Bộ đang "chuyền nhau trái banh" điều hành giá xăng dầu với những luận điểm riêng. Nhưng điều này là không quan trọng bằng cơ chế xác định giá cuối cùng đến với người tiêu dùng.
Điểm nhấn trong dự thảo trên là sửa đổi công thức cố định để tính giá cơ sở. Có hai phương án được Bộ Công thương đưa ra: phương án thứ nhất là vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh; phương án thứ hai là nhà nước chỉ quản lý các yếu tố cấu thành giá và các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ.
Nếu phải chọn một trong hai, tôi thiên về phương án thứ hai hơn, vì xu hướng quản lý giám sát tiến bộ là dựa trên nguyên tắc (principles) thay cho các quy định cứng nhắc (rules). Vì thực tế muôn hình vạn trạng, các quy định cụ thể không thể nào bao quát hết. Còn nếu đó là những nguyên tắc đảm bảo tổng lợi ích của xã hội được gia tăng, không xâm phạm những quyền cơ bản của người dân, thì việc thực hiện sẽ dễ trở nên minh bạch.
Khi điều hành giá xăng dầu để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là dân sinh, chúng ta thấy thị trường bán lẻ xăng dầu của Việt Nam có phần thiên vị cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hơn là người dân và nhà nước.
Xăng dầu cũng như một số ngành khác, là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên chủ cây xăng phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định, không phải cứ đủ vốn là làm được.
Lợi nhuận của kinh doanh xăng dầu là rất hấp dẫn, nếu thị trường quốc tế không có nhiều biến động lớn, nhờ lợi nhuận định mức hay rộng hơn là premium, chưa kể đến các "thủ thuật" khác như đã được phanh phui gần đây, từ cung cấp hàng kém chất lượng đến đo đếm không đủ số lượng.
Kinh doanh luôn ẩn chứa rủi ro nhưng kinh doanh mà lợi nhuận được đảm bảo từ trước thì đã có thể coi đây là một đặc quyền đặc lợi.
Vấn đề mấu chốt ở đây là giá xăng dầu ở Việt Nam đang phải gánh thêm nhiều chi phí vì hệ thống phân phối nhiều tầng nấc. Để đến người tiêu dùng cuối cùng, xăng dầu phải đi qua thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ, hay thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Nếu so với nhiều nước thì Việt Nam phải có thêm 2-3 nấc trung gian. Lấy ví dụ ở Pháp, hãng khai thác dầu TotalEnergies hay BP cũng bán lẻ trực tiếp hay các chuỗi đại siêu thị như Carrefour, Auchan, E.Leclerc là doanh nghiệp đầu mối nhưng cũng là nhà bán lẻ.
Giảm bớt trung gian là giảm đáng kể giá bán cuối cùng đến với người tiêu dùng. Nhưng giá bán còn có thể tốt hơn nếu có một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo đó những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và quản trị rủi ro tốt qua các công cụ phái sinh sẽ có mức giá bán lẻ bám sát với giá thị trường quốc tế hoặc thậm chí tốt hơn: khi giá giảm sẽ giảm theo và khi giá tăng sẽ không có tình trạng khan hiếm do găm giữ hàng vì có thể đã mua được những hợp đồng giá rẻ trước đó.
Theo hướng cạnh tranh tự do và lành mạnh thì doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ của mình, và Nhà nước đảm bảo mức giá trần mà người dân phải chi trả. Quay lại ví dụ ở Pháp, người dân có thể vào một trang web của Chính phủ để biết được giá của từng loại xăng dầu ở khu vực mình sinh sống. Cùng một nhà cung cấp nhưng giá bán sẽ khác nhau tùy vào vị trí của cửa hàng. Chịu khó một chút, người dân có thể tiết kiệm được một khoản.
Ở giai đoạn giá xăng dầu tăng đột biến, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo chi phí duy trì hoạt động, Chính phủ có thể can thiệp với các công cụ trợ giá, qua thuế xăng dầu hay hỗ trợ thu nhập. Nguyên tắc điều hành của nhà nước vẫn là đảm bảo mặt bằng giá được ổn định và doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn.
Đề xuất của Bộ Công thương lúc này là rất đúng đắn và cần thiết cho việc điều hành giá xăng dầu, để đảm bảo mục tiêu lớn là ổn định vĩ mô, bảo vệ sức mua của người dân. Nhưng cách tiếp cận cần được mở rộng và cân nhắc thêm.
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc phát triển thị trường cạnh tranh như viễn thông, dịch vụ Internet, thì thị trường xăng dầu cũng có thể làm được như vậy, theo cách thận trọng, từng bước. Chỉ cần giảm bớt trung gian và để thị trường tự sàng lọc, giá xăng sẽ trở về giá trị thực, hài hoà lợi ích của ba bên. Còn nếu không, lợi ích vẫn sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có được đặc quyền như từ trước đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận