24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ADB: Chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã "gồng" lên rất nhiều

Hệ thống ngân hàng đã làm gần như hết sức mình

Việt Nam đang "dựa" quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, kể cả trước, trong và thậm chí cả sau COVID-19 với 60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng.

Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán liên quan đến nhận định tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ nhưng huy động có dấu hiệu chững lại liệu có gây khó khăn cho thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng:

“Khi nền kinh tế chậm lại, chúng ta cần thêm nguồn vốn và cụ thể là tín dụng nhưng cần có sự cân bằng giữa việc hạn chế tăng trưởng tín dụng để đảm bảo các chính sách thận trọng và cần phải tăng trưởng tín dụng để thực hiện các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định: “Thanh khoản hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ không gặp nhiều vấn đề. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân có chững lại nhưng lãi suất điều hành NHNN vẫn đang duy trì ở mức thấp và NHNN lúc nào cũng sẵn sàng để can thiệp tăng thanh khoản cho hệ thống nếu cần”.

Trong diễn biến có liên quan, ông Andrew Jeffries cho biết, NHNN đã thực hiện những giải pháp để hỗ trợ việc duy trì nguồn tín dụng và cũng đã đưa ra những chương trình, giãn hoãn nợ, cho phép các ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay thêm… Nhưng, rõ ràng, các ngân hàng cũng sẽ thận trọng khi cho vay bởi khi cho vay, doanh nghiệp phải đảm bảo được khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 cho nên, ngân hàng sẽ khó khăn hơn khi ra quyết định cho vay.

“Cơ hội đảm bảo khả năng trả nợ của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn", ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Cường nêu quan điểm: "Chúng ta có thể thấy hệ thống ngân hàng đã làm gần như hết sức mình. NHNN đã hạ lãi suất điều hành, giá vốn đã giảm, các ngân hàng hạ lãi suất cho vay… và dự kiến lợi nhuận các ngân hàng sẽ giảm 1 tỷ USD trong năm 2021. Nhìn chung, chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã "gồng" lên rất nhiều, dù bên cạnh đó vẫn còn chính sách tài khoá".

“Dường như chúng ta đang dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, kể cả trước, trong và thậm chí cả sau COVID-19 với 60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là ngoài ngân hàng còn có nguồn vốn nào khác? Và đã được huy động hết chưa? Câu hỏi quan trọng cần có lời giải đáp để giải toả sức ép cho hệ thống ngân hàng”, ông Cường nói.

Ông Cường đặt vấn đề: “Doanh nghiệp có khả năng sản xuất nhưng không có khả năng để đi vay, vậy, cơ chế nào để cho vay? Không thể ép các ngân hàng phải cho vay, các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng để cho vay bởi bản thân họ cũng là doanh nghiệp. Một điều rất quan trọng, trong bối cảnh chưa có tiền lệ, các giải pháp chưa thấy thực sự hỗ trợ doanh nghiệp”.

ADB: Chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã "gồng" lên rất nhiều
60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng

Ông Andrew Jeffries gợi ý, muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho doanh nghiệp vay nhưng khó cho vay trong bối cảnh hiện nay, một chương trình có thể áp dụng ở đây là bảo lãnh tín dụng. Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng nào đó để cho phép ngân hàng cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu vay, hay hiểu một cách khác, Chính phủ có thể thực hiện đảm bảo rủi ro cho những đối tượng này.

Điều này hơi khó thực hiện, tuy nhiên, ông Andrew Jeffries cho rằng: “Có thể cho phép chúng ta tăng luồng tín dụng tới những doanh nghiệp đang cần bởi nếu không khó thực hiện hoạt động cho vay đối với những doanh nghiệp có rủi ro trong ngắn hạn”.

Ông Cường thông tin thêm, cơ chế bảo lãnh tín dụng đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được bởi cơ chế của ngân hàng. Cần phát huy hiệu quả cơ chế bảo lãnh tín dụng hơn đặc biệt điều này rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.

“Có nhiều nguồn vốn bên ngoài sẵn sàng vào Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng xanh nhưng cơ chế của Việt Nam hiện giờ lại đóng. Đây là một điều rất đáng tiếc. Vấn đề đặt ra, nếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, đến một thời điểm nào đó hệ thống này sẽ bị quá tải. Vậy, tại sao những cơ chế mới lại không có, cần làm gì để có những cơ chế mới trong bối cảnh đặc thù hiện nay”, ông Cường trăn trở.

Theo ADB, nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Báo cáo ADO dự báo, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10 - 11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12%.

Vào tháng 9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng thông qua tái cơ cấu nợ và duy trì phân loại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có, và cho vay ưu đãi đến ngày 30/6/2022. Cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.

Ông Andrew Jeffries chia sẻ thêm: “Điều quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng mà tôi quan ngại không phải trong ngắn hạn mà là dài hạn. Đó là năm sau và những năm sau nữa với câu chuyện nợ xấu”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả