ACV có đáp ứng đủ vốn xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành?
Theo quy định tại Nghị quyết 94, Quốc hội khóa XIII và Luật Đấu thầu, Dự án phải thực hiện theo phương thức đấu thầu nên Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương về hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu.
Thông tin đáng chú ý trong phiên họp toàn thể thứ 18 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra hôm qua (14/10) là việc các đại biểu cho ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Dự án được xếp vào Dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, các hạng mục công trình tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 4 hạng mục và công trình phụ trợ; đề xuất giao Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục này.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết 94/2015 Quốc hội khóa XIII và quy định của Luật Đấu thầu, Dự án này phải thực hiện theo phương thức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương về hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Bộ trưởng Thể, đây là dự án rất cấp thiết, bởi Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giảm tải đáng kể cho Sân bay Tân Sơn Nhất và các sân bay lân cận.
Về nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không ACV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã báo cáo Chính phủ, theo đó, tài chính của ACV tương đối tốt. Hiện các kế hoạch mà ACV trình Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước xem xét giám sát chặt chẽ về khả năng đáp ứng vốn.
Về hình thức đầu tư, hiện nay ACV là đơn vị với gần 100% vốn nhà nước, được giao đầu tư 21 sân bay, thực tế chỉ có 8 sân bay mà ACV có nguồn thu, còn các sân bay còn lại làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong 8 sân bay quốc tế có lãi phải bù cho các sân bay thực hiện nhiệm vụ an ninh, chính trị. Vì vậy, nếu được giao ACV sẽ điều hành dự án này và nguồn thu từ dự án này sẽ hỗ trợ ACV điều hành các sân bay khác tốt hơn.
Dự án cũng được điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng điều này cũng dấy lên lo ngại việc có làm tăng nguồn vốn đầu tư và có ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.
ACV cũng là doanh nghiệp có nợ vay tài chính ở mức cao cùng với Vingroup, Petrolimex, Vietnam Airlines và FPT là những doanh nghiệp có nợ vay tài chính chiếm hơn 1/4 tổng tài sản trở lên.
Tính chung 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận 8.909 tỷ đồng doanh thu và 4.563 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 12% và 20% so với nửa đầu năm 2018.
Lãi ròng sau thuế thu về 3.703 tỷ đồng trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 3.697 tỷ đồng tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 6 tháng đạt 1.569 đồng.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải từng đưa ra phương án Nhà nước bỏ tiền ra mua lại số cổ phần ACV không thuộc sở hữu Nhà nước, hiện chiếm 4,6%. Với thị giá hiện tại của ACV, cao hơn gấp 5 lần thị giá IPO bình quân, khả năng cao, kiến nghị vừa nêu khó thực hiện được, bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế rõ ràng cho việc này. Trước đó, giới đầu tư kỳ vọng lộ trình thoái vốn của Nhà nước tại ACV cũng như ý chí thực hiện kế hoạch lên sàn HOSE của ACV, vốn là các chất xúc tác chính cho giá cổ phiếu trong hơn một năm qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận