AAT đặt kế hoạch lãi kỷ lục trong năm 2022
Năm 2022, CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa (HOSE: AAT) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi thành công ty đại chúng.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của AAT tổ chức vào ngày 29/04/2022 vừa qua đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần là 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và gấp 4.5 lần thực hiện năm 2021.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ đông AAT đã thống nhất thông qua việc thay đổi tên Công ty (từ CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa thành CTCP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa) và chuyển đổi mô hình hoạt động của công ty sang mô hình Tập đoàn để phát huy hết sức mạnh của công ty với các ngành nghề mũi nhọn: Sản xuất (may công nghiệp xuất khẩu, sản xuất giày da xuất khẩu,..), thương mại (nông sản, xăng dầu, nhà hàng,..), Bất động sản, bao gồm: Bất động sản Công nghiệp (đầu tư các nhà máy, cụm công nghiệp, …), Bất động sản nghỉ dưỡng, toà nhà văn phòng cho thuê, khu du lịch, khách sạn, bệnh viện, phòng khám, hệ thống cây xăng, kho xăng/dầu,…
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT AAT cho biết, với nền tảng vững chắc trong 2 mảng kinh doanh chính là kinh doanh nông sản (đóng góp 48.5% doanh thu) và sản xuất gia công (đóng góp 15.5% doanh thu), cộng thêm doanh thu ổn định từ cho thuê các nhà máy đã được ký hợp đồng dài hạn và doanh thu từ bán nhà máy Nga Sơn (đóng góp 30.9% doanh thu, tương đương 299 tỷ đồng) đã hoàn thành vào tháng 4/2022, AAT hoàn toàn tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
AAT hiện đang cho thuê 2 nhà máy may xuất khẩu Triệu Sơn và Quý Lộc. Còn nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà và Kim Tân phục vụ hoạt động sản xuất của Công ty. Riêng nhà máy may xuất khẩu Yên Định vừa sản xuất vừa cho thuê. Hiện tại, giá trị giao dịch trung bình của các nhà máy này trên thị trường đang là 300 tỷ đồng/1 nhà máy.
Trong năm 2021, AAT đã tăng vốn lên 250 tỷ thông qua phương án phát hành riêng lẻ để trả nợ Ngân hàng, trả nợ nhà cung cấp và đầu tư thêm 2 nhà máy là Nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc và giai đoạn 2 nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà. Hiện nay, cả hai nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc và Sơn Hà đều đã thực hiện đầu tư được 90%. Sau khi hoàn thành, doanh thu cho thuê hàng năm của nhà máy Quý Lộc đạt 19 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2 nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, dự kiến doanh thu là 50 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 là 15 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.5 tỷ đồng)
Theo AAT, việc chuyển nhượng nhà máy Nga Sơn, Công ty dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu 299 tỷ đồng và dự kiến đem về 70-100 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 2/2022.
Cũng trong năm 2022, AAT sẽ thực hiện việc đầu tư góp vốn mua cổ phần (M&A), nắm quyền kiểm soát của của 3 công ty con là Công ty TNHH đầu tư P.A.S, Công ty CP Hoàng Hải – TS và Công ty TNHH Victory Việt Nam để tiếp nhận thêm mảng kinh doanh xăng dầu và 2 dự án: Toà nhà văn phòng Thanh Hoá và Nhà máy may XK Thọ Xuân (tổng quy mô 2 dự án khoảng 685 tỷ đồng).
Nắm bắt cơ hội, tăng trưởng bứt phá
Ngoài nguồn thu ổn định từ hoạt động kinh doanh, năm nay AAT còn tích cực chủ động đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực để đa dạng nguồn thu như: Bất động sản, bất động sản công nghiệp, đầu tư xây dựng các nhà máy, cụm công nghiệp, toà nhà văn phòng cho thuê, khu du lịch, khách sạn, bệnh viện, phòng khám, hệ thống cây xăng, kho xăng/dầu,…
Địa bàn hoạt động, SXKD và đầu tư của AAT hiện nay đang tập trung chủ yếu tại Tỉnh Thanh Hoá. Việc mở rộng đầu tư của AAT được đánh giá cao vì đã biết nắm bắt cơ hội tăng trưởng lớn khi Thanh Hoá hiện được ví như “ Chốn đậu mới của đại bàng FDI” với quỹ đất lớn, giá cho thuê đất rẻ, nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng giao thông tốt, cảng biển, hàng loạt tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển đang được đầu tư xây dựng sẽ là mối liên kết với các tỉnh thuộc vùng kinh tế của cả nước.
Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Thanh Hóa đã và đang thu hút nhiều Tập đoàn kinh tế lớn đầu tư đăng ký có thời điểm đạt trên 170,000 tỷ đồng (tương đương 7.4 tỷ USD), và hình thành các khu kinh tế ven biển (khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106,000ha) và 08 khu công nghiệp (với tổng diện tích 2,035ha) bao gồm: KCN Lễ Môn (87ha); KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (180ha); KCN Bỉm Sơn (566ha); KCN Hoàng (286ha); KCN Lam Sơn - Sao Vàng (550ha); KCN Thạch Quảng (100ha); KCN Ngọc Lặc (150h) và KCN Bãi Trành (116ha).
Không những thế, quy hoạch Thanh Hoá giai đoạn từ năm 2021-2025 sẽ bổ sung vào quy hoạch 01 khu kinh tế cửa khẩu (Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo) và 11 khu công nghiệp (KCN phía Tây TP. Thanh Hóa; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa; KCN Hà Long và KCN Hà Lĩnh, huyện Hà Trung; KCN Quảng Xương, huyện Quảng Xương; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Phong Ninh, huyện Yên Định; KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn; KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc; KCN và đô thị Hoàng Long) và loại bỏ Khu công nghiệp Hoàng Long để dành quỹ đất cho phát triển đô thị. Tổng số khu kinh tế trên địa bàn tỉnh là 02 khu (gồm 01 khu kinh tế ven biển; 01 khu kinh tế cửa khẩu) và 20 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao với tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 162,578 ha, tăng 54,543 ha.
Trong năm 2022 AAT cũng dự kiến góp vốn, mua cổ phần để nắm quyền kiểm soát 3 công ty con, tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực: May công nghiệp xuất khẩu, sản xuất dày gia túi xách, kinh doanh nông sản và mở rộng thêm một số ngành kinh doanh thương mại khác như xăng dầu, y tế,… Đẩy mạnh việc triển khai hợp tác đầu tư, M&A các dự án, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hoạt động của Công ty; khai thác, sử dụng và cho thuê các Bất động sản đã đầu tư…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận