80% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19
Theo kết quả khảo sát do VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cuối năm 2020, có hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 và hơn 72% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu.
Nhìn nhận lại những khó khăn, thách thức trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đó là quãng thời gian kinh hoàng và là cú sốc bất lợi nhất trong hơn một thế kỷ đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Xét một cách toàn diện, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Theo kết quả khảo sát do VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cuối năm 2020, có hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 và hơn 72% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu...
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ ấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ khả năng thích ứng, sức chống chịu phi thường trước những cú sốc, khủng hoảng bất định của thị trường.
Theo ông Lộc, thực tiễn cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đều cố gắng tìm cách để tồn tại, giữ công ăn, việc làm cho người lao động, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn trụ vững khá tốt và tìm được nhiều cơ hội kinh doanh mới…
Nhờ khả năng thích ứng nhanh nhạy và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giúp nền kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020.
Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới và đưa Việt Nam trở thành một trong những “điểm sáng” trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu.
Đánh giá về triển vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong năm 2021, ông Lộc cho hay, nếu không có sức chống chịu tốt, khả năng linh hoạt ứng phó của các doanh nghiệp Việt thì nền kinh tế đã không có được thành quả đáng tự hào như năm qua.
Bây giờ sự hấp dẫn của Việt Nam không chỉ là vị trí địa chính trị, dân số vàng, thị trường nội địa rộng lớn… mà còn là sức chống chịu, khả năng thích ứng của doanh nghiệp cùng toàn nền kinh tế.
Đặc biệt, sự quan tâm và những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, dù rằng doanh nghiệp Việt vẫn còn đó những khó khăn...
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh.
Định hướng chính sách không phải là tăng số lượng mà nâng cấp chất lượng, quy mô, hỗ trợ doanh nghiệp lớn.
Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Điều quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi; trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu.
Cùng với đó, Việt Nam cũng vừa tham gia RCEP - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực nên khi hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam với thuế suất bằng 0 thì hầu hết các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức lớn. Do vậy, khả năng thích ứng cũng chính là việc phải chuẩn bị với những kế hoạch, phương án.
Theo đó, cần nhanh chóng số hóa, cải cách thể chế để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển; đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và đất đai để đẩy nhanh và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác cùng phát triển, ông Doanh cho biết thêm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận