menu
-8% có cắt hay không?
Nguyễn Văn Tùng Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

-8% có cắt hay không?

Có người nói phải cắt để quản trị rủi ro, bảo toàn vốn, có người nói cắt thì ngay đáy, cắt nhiều lần như thế thì cũng sạch vốn, thế thì như nào mới là đúng?

Trong nhiều năm quan sát và đi tìm phương pháp đầu tư đúng đắn, tôi tạm chia ra làm 2 phe, đầu tiên, tôi thấy cái tư duy -8% này đa phần bắt nguồn từ một số sách của các vị đầu tư nước ngoài như W.Oneil, rồi Mark Minervini dựa vào đấy để viết lại, và các nhà đầu tư Việt đọc được, truyền tai nhau và áp dụng vào thị trường Việt Nam, và văn vẻ khuyên nhau rằng bạn nên làm như thế này, bạn nên làm thế kia, phải bảo vệ tiền này tiền nọ, viết còn hay hơn cả sách!

Đơn giản vì họ đọc được như thế, thế nhưng cái vấn đề cốt lõi của việc làm này là thị trường T+3, mua sai là không có cái lý thuyết âm đúng 8% đâu, hàng về đôi khi âm 15% - 20% là bình thường, như thế thì có cắt được không? Thứ hai, lấy giả thiết 1 lần cắt 8%, sau đó mua mã thứ 2 cũng cắt 8%, rồi mã thứ 3, thứ 4 cũng thế, thì có ai đề cập chưa nhỉ? Kiểu như chúng ta cắt, thì điều gì đảm bảo mình vào mã tiếp theo sẽ lời lại ngay? Tôi dám chắc 1 bộ phận lớn cắt xong nhát tay không vào ngay, và rồi ngồi đó chần chứ, thấy tăng đua lệnh, rồi vào thì lại lõm = cắt tiếp, và cái vòng luẩn quẩn đấy cứ thế lặp lại. Chưa kể, ở thị trường VN cuối 2021 đầu 2022 tới nay, ông nào cứ -8% hay là âm tí là quản trị rủi ro này nọ, nghe đầu này đầu kia cắt đi cắt lại thì chỉ có cắt ngay bẹn, và đảm bảo nó tăng lại thì vừa tiếc vừa thì rén rồi, không dám xúc đâu. Cái vụ -8% này, kết luận chỉ đúng khi thị trường/cổ cánh có sự thay đổi lớn về cơ bản làm gãy xu hướng, hoặc các tin tức, sự kiện có tác động sâu rộng, gây tâm lý tiêu cực lớn đến lòng tin của NĐT. Hoặc TH tk rơi vào trạng thái căng margin, cần đảm bảo để đưa về tỷ lệ an toàn hơn mới cầm cự và sống sót được giai đoạn khó khăn.

Thế thì không cắt có đúng không? Đúng có, và không đúng cũng có. Cái chính ở đây, là 10 ông hô cắt, 8 ông coi chart, được 2 ông hiểu doanh nghiệp, hiểu vĩ mô. Đây tôi không nói tất cả, tôi nói 1 phần nào đó, mấy ông bà chỉ nhìn chart xong vào nhóm nghe náo loạn lên rồi không giữ được bình tĩnh mà giữ, cắt lia cắt lịa chả cần biết DN đó thế nào, thế thì thua. Còn đầu ngược lại, có mấy ông lì không bán, nhưng lại lì đúng cái DN rác, thì thôi, tương nó cũng không nát bằng cái tài khoản của các bạn.

Cái quan trọng ở đây là lúc cắt hay không cũng không hiểu DN mình đang đầu tư nó như thế nào, cốt lõi là vậy, nên mới hay có trường hợp cắt ngay đáy và trường hợp không cắt thì nó lỗ nặng, thử ngẫm xem bản thân mình khi chọn quản trị rủi ro -8%, mình hiểu rất ít về DN, và không tự tin vào quyết định của mình đúng không? Đó là hệ quả của việc học chart mà bỏ qua DN, bởi thế ở VN, mới có 3 loại nhà đầu tư (theo quan sát của tôi):

• Dạng 1: Phân tích cơ bản = Đọc BCTC, Vĩ mô, định giá,... nhưng cái dở của dạng này là không coi trọng PTKT và quá nhìn vào định giá nên thành ra nhiều khi trên chart không rẻ nữa mà mình tự thấy rẻ mình xúc MP trên bảng điện, không cần quan tâm chart, thì khả năng đu đỉnh cũng cao và ngược lại, chart đẹp nhưng định giá đắt thì cũng tự mình bỏ qua cơ hội, điểm yếu của dạng này nằm ở điểm mua.

• Dạng 2: Phân tích kĩ thuật = Dạng này còn chí mạng hơn, vẽ chart kẽ mây các kiểu, sóng xiếc đủ đường nhưng chỉ tới đó là hết, không hiểu nhiều và cũng không tin vào BCTC, vì họ cho rằng tất cả mọi thứ cần thiết đều đã ở trên chart giá. Nhưng khổ nỗi thằng rác hay thằng ngon nó đều có chart, và chẳng may múc nhầm thằng rác vì chart nó "ngon" thì ối dồi ôi, xin vĩnh biệt cụ. Ngược lại, "quản trị rủi ro" kiểu -8% ở cổ phiếu ngon thì lại quản trị ngay bẹn, nói chung là nhược điểm ác hơn dạng trên, nhưng bù lại gặp trúng con đầu cơ giá lên thì x2 x3 là bình thường, chia 2 chia 3 cũng bình thường nốt, cuộc đợi của dạng này rất là mơ mộng, mua vào và hi vọng là chính nên hay phải canh bảng canh chart, không thoải mái được, dạng này thì nhiều lắm, vì học ptkt thì dễ hơn mà. Chưa kể các Mms giờ khôn lắm, họ có lợi thế thông tin, dữ liệu, soi được tk của NĐT nhất là ở mấy cái thị trường phái sinh, forex, coin củng,...thì những ngưỡng Stoploss mà người chơi đặt ra nó bem cho bằng sạch rồi lại kéo, lại xả.

• Dạng 3: Kết hợp dùng cả 2, chart đẹp thì đẹp, nội tại rác là vứt hoặc chơi cafe thôi, tôi không đưa tiền cho thằng lưu manh nào cả. Ngược lại, cổ nội tại ngon đến mấy, mà quá điểm mua trên chart thì nhét thêm tiền tôi cũng không mua, đơn giản là cổ phiếu nó vẫn ở đấy, mình đã biết về điểm mua theo kĩ thuật thì phải đợi nó về vùng ngon thì xúc, vì đã có nền tảng DN tốt thì cần gì phải sợ, đầu tư dạng này là an toàn nhất, MUA CP TỐT ĐÚNG ĐIỂM GIÁ TỐT, không đua lệnh như dạng 1, cũng không thấp thỏm lo âu như dạng 2. Cảm giác ngắm được con mồi ngon và đưa nòng ngắm lên đợi đúng thời điểm bóp cò, ung dung tự tại, và kể cả có lỗ, thì chắc chắn vị thế sẽ tốt hơn mấy ông đua giá, làm phép so sánh thì cả 2 cùng lỗ nhưng tôi mua được giá tốt hơn ông, và tôi dám giữ trong khi chưa chắc ông dám vì thứ nhất ông không hiểu mấy về DN, thứ 2 là ông đua thì ông cao giá hơn thì lõm sâu hơn, tâm lý hoảng hơn là đúng.

= TÓM LẠI, QUAN TRỌNG LÀ Ở HIỂU BIẾT VỀ DOANH NGHIỆP, VÀ CẢ VỊ THẾ KHI GIA NHẬP CỔ PHIẾU NỮA, 2 CÁI ĐẤY QUYẾT ĐỊNH CẢM XÚC, VÀ CẢM XÚC SẼ QUYẾT ĐỊNH CÓ CẮT LỖ HAY KHÔNG. CỔ TỐT CHƯA ĐỦ, VỊ THẾ TỐT NỮA MỚI NGỒI MÀ RUNG ĐÙI ĐƯỢC, CHỨ ĐUA RỒI NÓ LÕM RỒI CẮT, CẮT XONG NÓ CHẠY LẠI CAY, MÀ NHIỀU KHI KHÔNG BIẾT NỘI TẠI CŨNG CHẢ BIẾT CẮT HAY KHÔNG, DỞ KHÓC DỞ CƯỜI NHƯ THẾ MỚI HÀI.

= Thế nên, -8% là quy tắc vừa đúng vừa sai, vị thế và DN bạn chọn, nó sẽ giúp bạn biết bạn nên làm gì với cái quy tắc này, còn không thì cứ mãi luẩn quẩn trong vòng tròn quản trị rủi ro mờ mịt mà thôi.

Vậy để tránh rơi vào hoàn cảnh phải lựa chọn có cắt hay không thì chúng ta nên làm gì? Thực tế thì chẳng có cách nào giúp chúng ta loại bỏ hết tất cả các rủi ro trong quá trình đầu tư, nhưng sẽ có cách để hạn chế các rủi ro đó, và tìm thấy sự chiến thắng nếu chúng ta tuân thủ những nguyên tắc mà mình đặt ra.

Ngoài việc chọn điểm mua/bán theo cả cơ bản và kỹ thuật, còn một việc làm nữa mà dân đánh chứng cần biết đó là phân bổ vốn đầu tư, hay gọi cách khác là phân bổ tỷ trọng để quản trị rủi ro. Tôi còn nhớ, những KH kiếm được nhiều tiền nhất sau Covid không phải là những người mua đúng đáy, mà là những người biết phân bổ danh mục hợp lý. Họ mặc định, đáy chỉ có khi đã qua, và cũng chẳng có ai mua đủ lượng hàng cần thiết cho một size tiền lớn khi ở giá đáy cả. Họ phải mua trung bình vốn bằng rất nhiều lần, rất nhiều ngày chờ đợi. Và sau đó, kiên nhẫn chờ đợi bằng một tâm lý rất kiên định. Để có được sự kiên định đó, các thông tin vĩ mô, DN cần phải được phân tích đánh giá kỹ lưỡng tạo ra niềm tin mãnh liệt nhưng đủ sự khách quan, không phải là cảm tính. Và khi bán ra cũng vậy, không cần thiết và cũng không có khả năng ra hàng hết sạch ở giá đỉnh, sự thành công của họ đến từ việc chốt được lời ở vùng giá kỳ vọng hoặc chí ít là khi các phân tích, đánh giá không còn lạc quan nữa, như vậy là đã kiếm được số lời lớn rồi.

Tôi rất thích một câu nói của Ngài George Soros: Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai. Câu này quả thật chí lý, lấy thành quả là thước đó cho cả một quá trình. Nhiều khi thua đúng còn hơn thắng nhầm, biết sai và khắc phục sớm sẽ giữ được tiền cho các trận chiến về sau.

Thực tế, với TTCK Việt Nam số đông là NĐT cá nhân thì việc hiểu DN, vĩ mô, hay PTKT chỉ chiếm số ít, đa số là đầu tư theo đám đông, theo phong trào nên để có kinh nghiệm thì chắc hẳn người tham gia phải trả một học phí rất cao và tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, cảm xúc cảm tính của mỗi người khác nhau, nên cho dù có rơi vào trường hợp giống nhau, cách nghĩ, phân tích giống nhau nhưng hành động lại khác nhau, dẫn đến những kết quả khác nhau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Nguyễn Văn Tùng Pro

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả