Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Từ chỗ có 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, đến nay chỉ có 3 dự án đầu tư theo hình thức này, còn lại phải sử dụng vốn ngân sách.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc triển khai thực hiện chuyển đổi phương thức đầu tư hai dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với nội dung chủ yếu: giai đoạn 2017-2020 đầu tư 654 km đường bộ cao tốc, phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sau khi chuyển nhiều dự án từ hình thức PPP sang đầu tư bằng vốn ngân sách, tháng 12/2020 Chính phủ tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư đối với hai dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 đồng ý với đề xuất này.
Như vậy, đến nay, trong tổng số 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, có 8 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP.
Tổng mức đầu tư 11 dự án thành phần sau khi điều chỉnh là 99.175 tỷ đồng.
Đối với 3 dự án theo hình thức PPP, báo cáo cho biết: Đến tháng 1/2021, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Trên cơ sở kết quả trúng thầu, các nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án và đang làm việc với các ngân hàng về phương án huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai thực hiện.
Các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải đang đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để hoàn chỉnh hợp đồng theo đúng quy định pháp luật, dự kiến hợp đồng ký kết trong tháng 3/2021.
Theo quy định của Hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng, nhà đầu tư có thời hạn tối đa 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng để triển khai thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường