6 yếu tố xem xét khi soi tài sản có "ảo" không trên BCTC?
Báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, luồng tiền kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là các báo cáo định kỳ mà các doanh nghiệp niêm yết bắt buộc phải công bố hàng quý, hàng năm, được kiểm toán từ 1-2 lần (theo năm và bán niên). Như thế nó có thể chế biến số liệu không? Dựa trên nguyên tắc nào để phát hiện?
Thực tế, hoạt động kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng liên quan đến những thông tin tài chính được kiểm tra (cung cấp bởi kế toán) nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập. Vậy ta cần để ý những điều gì để phát hiện các bất thường về tài sản trong BCTC? Qua kinh nghiệm, hãy cùng chúng tôi điểm qua một số yếu tố cần xem xét như sau:
1. Tiền trong "Tài sản ngắn hạn" (TSNH)
Tiền mặt trong TSNH là yếu tố để xem xét sự chủ động của doanh nghiệp để xử lý các tính huống ngắn hạn trong kinh doanh như nhập hàng hóa, trả nhà cung cấp, trả các khoản nợ... hoặc gửi tiết kiệm ngắn hạn vừa có thể xử lý kinh doanh, vừa có thể tận dụng hưởng lãi suất khi chưa dùng đến.
Nếu tiền mặt ít hoặc không có, thì khả năng xử lý ngắn hạn bị hạn chế. Nếu có dự án nhưng không vay thêm được ngân hàng, thì khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải huy động thêm vốn của cổ đông để triển khai. Trường hợp phải thanh toán các khoản nợ ngắn hạn thì sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của công ty.
Nếu tiền mặt nhiều và gửi tiết kiệm, lật sang báo cáo kết quả kinh doanh xem liệu doanh thu hoạt động tài chính, có phần lãi từ tiền tiết kiệm có tương ứng với số tiền gửi theo lãi suất hiện hành hay không.
2. Các khoản "Phải thu"
Đây thường là phải thu khách hàng (đã bán hàng nhưng chưa thu tiền), hoặc các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn khác. Gần như đây là khoản thường có của doanh nghiệp, tuy nhiên cần xem phải thu khách hàng có tăng quá mức qua 1-2 kỳ BCTC hay không? Có tăng vượt quá tốc độ bán hàng không?
Nếu tăng đột biến, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Nó dự kiến chỉ trong ngắn hạn hay duy trì và tiếp tục tăng lên? Xem khoản phải thu các bên liên quan thế nào? Có bán hàng cho bên liên quan không? Một số công ty có thể bán hàng cho bên liên quan, sau đó chuyển đổi phải thu ngược lại trở thành sở hữu một tài sản nào đó để "hô biến"...
3. "Hàng tồn kho"
Đây là khoản hàng hóa hoặc nguyên vật liệu, thành phẩm... của doanh nghiệp. Cần xem xét hàng tồn kho này có quá cao để bán trong một chu kỳ không? Liệu nó được tạo ra có để bán ngay hay có khách hàng đặt mua trước hay không? Nếu không, hàng tồn kho có tính chu kỳ cao không? Nếu có, nó dễ đến từ quyết định "đầu cơ tồn kho" của lãnh đạo doanh nghiệp. Nó sẽ tiêu tốn một khoản tiền hoặc vay nợ rất lớn.
Một số doanh nghiệp vay nợ để đầu cơ hàng tồn kho, khi bước vào chu kỳ tồn kho giảm giá hoặc lãi suất cho vay tăng cao rất dễ rủi ro làm doanh nghiệp điêu đứng, lỗ nặng hoặc phá sản. Thậm chí có doanh nghiệp còn gian lận, khiến tồn kho này bốc hơi.
4. Khấu hao "Tài sản cố định"
Tài sản cố định thường được hạch toán khấu hao hàng năm. Tuy nhiên cần xem xét có những giai đoạn nào đó doanh nghiệp tăng hoặc giảm khoản này bất thường không (để nhằm giảm hoặc tăng lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh).
5. "Đầu tư tài chính dài hạn"
Đây là khoản rất dễ làm "bốc hơi" tiền mặt của doanh nghiệp nếu lãnh đạo đầu tư vào các công ty khác, công ty liên doanh liên kết thiếu minh bạch hoặc không hiệu quả. Nếu doanh nghiệp có khoản này khá lớn so với tài sản hoặc vốn điều lệ, cần xem xét trong bảng lãi lỗ trong công ty liên doanh, liên kết trên bảng Kết quả kinh doanh, để xem nó có tương xứng với số tiền bỏ ra đầu tư này không? Tuy nhiên cũng cần tìm hiểu xem, khoản đầu tư này vào đâu, đã đến lúc dự án hoạt động và hưởng thành quả chưa, hay còn đang xây dựng, hay là thậm chí dự án không còn hoạt động gì...
6. Tăng vốn doanh nghiệp góp bằng tài sản
Khi doanh nghiệp phát hành thêm cho cổ đông riêng lẻ hoặc cổ đông hiện hữu, đương nhiên doanh nghiệp sẽ nhận về số tiền tương ứng. Hãy xem trong kỳ sau tăng vốn, lượng tiền mặt có tăng lên tương ứng (hoặc gần tương ứng) không hay chảy vào một số tài sản đặc biệt khác. Trường hợp vốn tăng lên chảy rất nhanh đột biến vào "Hàng tồn kho" hay "Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết", "Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" là dòng chảy rất nhạy cảm, cần xem xét kỹ.
Những chia sẻ trên đây dựa trên quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của người viết, chỉ mang tính tham khảo. Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm cá nhân với các quyết định của mình. Ý kiến góp ý với người viết xin được gửi về email: dautu2020@outlook.com
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường