5 yếu tố tác động với thị trường chứng khoán
Nếu như trong tháng 9, thị trường chứng khoán chỉ có 3 yếu tố rủi ro, thì tháng 10 đã tăng thành 5 yếu tố rủi ro. Tuy nhiên xác suất tác động của các yếu tố rủi ro này với thị trường đang thấp dần.
Các rủi ro lớn có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xác suất thấp đi ở thời điểm hiện tại, riêng rủi ro về tỷ giá vẫn cần quan sát thêm
Tỷ giá VND/USD
Chênh lệch chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ, các ngân hàng trong nước dư thừa thanh khoản. Việc biên độ dao động của tỷ giá ngoài ngưỡng kiểm soát có thể khiến NHNN có thể dùng các biện pháp đặc biệt để can thiệp, trong đó lo ngại lớn nhất của chúng tôi đến từ việc chính sách tiền tệ có thể mạnh tay hơn để giảm bớt căng thẳng.
Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi đánh giá đây là rủi ro hệ thống, các tác động tới TTCK và trạng thái rủi ro cao.
Suy thoái kinh tế thế giới
Lãi suất cao tại các quốc gia phát triển bắt đầu thẩm thấu vào thị trường tác động tương đối xấu nền kinh tế toàn cầu. Các rủi ro nhỏ hơn đối với kinh tế thế giới gồm: (1) nợ xấu, (2) tài chính bị thắt chặt dẫn đến (3) mất động lực tăng trưởng.
Đây cũng là rủi ro hệ thống, ở hiện tại xác suất rủi ro thấp, mức độ tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) tuy vậy cao và trạng thái rủi ro cao.
Trung Quốc phục hồi chậm
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần thời gian hấp thụ các chính sách kích cầu, vì vậy số liệu kinh tế vẫn còn nhiều u ám. Bên cạnh đó, lo ngại lớn nhất đến từ việc nền kinh tế thứ hai thế giới có thể đối diện với giảm phát, một phần là hệ quả của các vấn đề bất động sản chưa được giải quyết, gây ra những rủi ro đáng lo ngại cho phần còn lại của thế giới.
Ảnh hưởng bởi Trung Quốc có thể khiến dòng tiền ngoại hối rời khỏi Việt Nam rất mạnh ở cả vốn từ các quỹ đầu tư trên TTCK lẫn các dòng tiền khác.
Với yếu tố này, là rủi ro hệ thống và tác động đến TTCK mức độ trung bình, xác suất rủi ro hiện tại rất thấp.
Lạm phát tại Mỹ
Việc CPI tăng trở lại trong tháng 9 do biến động giá năng lượng vốn đã được dự đoán từ trước nên không gây bất ngờ quá lớn cho thị trường. Nhìn chung, lạm phát vẫn còn dai dẳng và khá xa so với mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi thêm trước những diễn biến vĩ mô phức tạp.
Rủi ro theo phân loại hệ thống nhưng ở mức trung bình. Dù vậy, cần lưu ý một số dữ liệu vĩ mô như tỷ lệ thất nghiệp/ việc làm của kinh tế Mỹ, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, số cơ hội việc làm đã bất ngờ tăng trở lại trong tháng 8/2023. Báo cáo này trái ngược với dự báo chung rằng thị trường việc làm đã hạ nhiệt và áp lực tiền lương sẽ không còn lớn như trước. Sau dữ liệu này, các nhà đầu tư trở nên lo ngại rằng Fed sẽ buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang nhanh chóng tiến gần mốc 5%, chi phí vốn dự báo tiếp tục tăng... Do đó, nhiều yếu tố vẫn sẽ chi phối yếu tố này và biến động về xác suất rủi ro có thể xảy ra.
Khối ngoại bán ròng
Bị tác động bởi nhiều nguyên nhân bên ngoài, xu hướng bán ròng đã gia tăng đáng kể trong tháng 9. Hầu hết các nước trong khu vực đều bị rút ròng bởi khối ngoại và dịch chuyển sang thị trường Trung Quốc, FIDT cho rằng thị trường có thể vẫn còn đối mặt với lực bán từ nước ngoài trong tháng 10, tuy nhiên áp lực có thể giảm bớt.
Về tổng thể, các rủi ro lớn có tác động đáng kể lên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xác suất thấp đi ở thời điểm hiện tại, riêng rủi ro về tỷ giá vẫn cần quan sát thêm.
Đối với yếu tố này, như chúng tôi đánh giá, khi nhà đầu tư cá nhân trở nên có vai trò rất quan trọng trong TTCK Việt Nam, thì tác động của khối ngoại với TTCK có phần lu mờ. Xác suất rủi ro này hiện tại là thấp và trạng thái rủi ro ở mức trung bình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận