4 tư duy tiêu tiền biết sớm để không hối hận
Hiện tại tiền không còn là mối bận tâm quá lớn với mình nữa. Để được vậy, mình không chỉ nỗ lực tạo giá trị cho xã hội để tăng thu nhập. Mà còn nhờ thay đổi tư duy trong chi tiêu để giữ tiền.
4 Tư duy tiêu tiền biết sớm để không hối hận
An toàn tài chính có 2 trụ cột:
– Khả năng tạo ra giá trị để gia tăng thu nhập
– Khả năng giữ được tiền khi nó ở trong túi
Đa phần ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống, dù kiếm ít hay nhiều thì mối quan hệ của mình với tiền khá suôn sẻ. Tuy không được dạy quản lý tài chính từ nhỏ, may mắn là mình luôn có cách để cân đối giữa thu nhập và chi tiêu.
Nhưng không có nghĩa là mình chưa từng có những giai đoạn thu không đủ chi. Có nhiều lối suy nghĩ tưởng là bình thường, hoá ra lại âm thầm làm lung lay cột trụ thứ 2 của mình.
Sau một thời gian phản tư lại tình huống và kết quả, mình đã hình thành được 4 tư duy chi tiêu giúp củng cố lại khả năng giữ tiền. Bạn đọc và để lại bình luận suy nghĩ nhé.
1. Học cách tính giá trị 1 giờ để đưa quyết định tốt hơn
Bạn có từng bao giờ rơi vào các tình huống như thế này:
– Hôm nay bạn có hẹn ở một chỗ khá xa mà bạn chưa tới đó lần nào, bạn phân vân không biết nên tự đi xe hay bắt Grab. Tự đi thì chủ động nhưng có thể mất thời gian dò đường, mà còn nắng nôi khói bụi. Bắt Grab thì chỉ cần lên xe là xong, nhưng tất nhiên chi phí mắc vì quãng đường khá xa.
– Cuối tuần bạn còn nhiều việc cần làm, và cũng muốn tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi trước khi sang tuần mới. Thế nhưng cái nhà đã cả tuần rồi chưa dọn, bạn không biết nên sắp xếp thời gian như thế nào để tốt nhất trong tình huống này.
Trước đây, mình cũng từng nhiều lần ở trong những tình huống tương tự như vậy, và rồi mình đã tìm ra giải pháp. Đó là chỉ cần tính được giá trị 1 giờ của mình ra thành tiền, thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Giả dụ trong 1 giờ, bạn có thể làm ra 60k. Nếu phải mất 2 giờ để chờ mua được một thứ giảm giá 100k, thì đây là một lựa chọn lỗ bởi vì 2 giờ của bạn có giá trị là 120k.
Hoặc bạn có thể trả 200k cho cô giúp việc dọn nhà, để bạn có 4 tiếng nghỉ ngơi, hay học hành. Đây sẽ là một khoảng đầu tư có lời.
Nếu muốn biết cách tính giá trị 1 giờ làm việc bạn có thể nghe lại tập podcast số 23 của mình: Một giờ của bạn đáng giá bao nhiêu?
Lưu ý là quy thời gian theo giá trị tiền bạc chỉ phù hợp hơn ở giai đoạn bạn chưa có sự an toàn về kinh tế. Vì nó giúp bạn dễ đưa ra các quyết định hơn, từ đó có thời gian tập trung cho các mục tiêu quan trọng hơn.
Nhưng mọi thứ sẽ khác khi bạn đã có được mức lương đủ tốt, thu nhập ổn định đáp ứng được những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Lúc này bạn có thể tính thêm các giá trị khác như cảm xúc, sự ý nghĩa, sự ưu tiên,… vào giá trị thời gian.
Vào dịp sinh nhật năm 30 tuổi, mình đã tự tặng cho bản thân một chiếc moto. Đây là khoảng chi tiêu đánh dấu sự tự tin về tài chính của mình, khi có thể dành nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm và giá trị tinh thần sau một quãng thời gian tuổi trẻ tập trung hoàn toàn cho công việc. Mặc dù rất ít khi lấy ra đi, nhưng nó lại có giá trị tinh thần rất lớn đối với mình.
Tuy nhiên, gần đây mình đã bán nó đi.
Chắc tới đây bạn sẽ thắc mắc: “Ủa, ông nói giá trị tinh thần lớn, vậy rồi sao cuối cùng vẫn bán nó đi?”
Thực lòng thì lúc ký giấy giao xe mình cũng cảm giác như đang bán đi một phần tuổi trẻ. Nhưng có 2 lý do đã dẫn mình tới quyết định này.
Một là mình cảm thấy tội cho chiếc xe khi bị cất dưới hầm, không được sử dụng hết nhiệm vụ mà nó được tạo ra để thực hiện.
Lý do còn lại là do mình đã có thêm một tư duy tiêu tiền mới như sẽ nói ở ý tiếp theo.
2. Nhìn chi phí của món đồ không chỉ ở giá mua
… mà còn số tiền sẽ trả sau khi sở hữu nó.
Khi nói về chi phí để sở hữu của một món đồ, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến thường là con số ghi trên tag giá. Nhưng đó chỉ là bề nổi.
Chẳng hạn khi mình mua chiếc moto 500 triệu. Tưởng trả xong một cục tiền là xong, nhưng không. Các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hiểm cũng không nhỏ. Thậm chí ngay cả khi ít đi, để xe quá lâu cũng sẽ làm xe dễ xuống cấp, hư bình điện, phát sinh thêm rất nhiều chi phí để sửa chữa.
Chắc bạn cũng chẳng lạ gì trường hợp mua một món đồ vài trăm, nhưng chi phí sửa chữa cộng dồn có khi cả triệu. Điều này cũng đúng với các tài sản khác như nhà cửa, thiết bị điện tử hay quần áo,…Mua là một chuyện, nhưng duy trì và sử dụng chúng là chuyện khác cũng quan trọng không kém.
Ngoài ra, còn một hiệu ứng tâm lý nữa mà bạn cũng nên biết, đó là hiệu ứng Diderot. Nó xuất phát từ câu chuyện của nhà triết học Denis Diderot. Sau khi nhận chiếc áo choàng mới, ông cảm thấy các món đồ trong nhà không còn phù hợp và bắt đầu mua sắm thêm để đồng bộ.
Hiệu ứng này phản ánh xu hướng của con người khi sở hữu một món đồ mới, thường cảm thấy cần mua thêm những món liên quan, dẫn đến chuỗi mua sắm liên tiếp. Ví dụ, sau khi mua xe, mình cũng đã chi tiêu cho áo khoác, giày da, ba lô và nón bảo hiểm để phù hợp với xe. Những khoản này nếu không có xe mình đã không cần tiêu.
Cũng vì hiệu ứng Diderot đó, mà mình hình thành thêm tư duy thứ 3.
3. Chờ ít nhất 1 tuần khi muốn mua món đồ trên 10 triệu
Bất cứ khi nào mình định chi hơn 10 triệu đồng cho thứ gì đó, mình luôn đợi ít nhất một tuần trước khi ra quyết định. Điều này giúp mình để cơn hứng thú ban đầu lắng xuống, rồi quay lại xem liệu mình còn thực sự cần món đồ đó, hay chỉ đơn thuần là muốn nó. Thói quen này giúp mình loại bỏ những lần mua sắm bốc đồng và tập trung vào những thứ thật sự cần thiết.
Đương nhiên sẽ có những trường hợp bất khả khăng bạn cần phải mua ngay, như là chẳng may điện thoại bị hư phải mua lại để kịp hoàn thành công việc quan trọng. Thế nên tư duy này mình muốn nói đến những trường hợp mà chúng ta có thể đợi được.
Con số 10 triệu mình chỉ lấy làm tròn. Vì mình ít mua sắm, thường chỉ có 2 dạng là những món lẻ tẻ vài trăm ngàn, hoặc là đồ điện tử 10 mấy 20 triệu trở lên. Thế nên mình tạm lấy con số 10 triệu này. Còn nếu bạn muốn xác định thì hãy so sánh với thu nhập hàng tháng của bạn nhé.
Vậy cần và muốn khác nhau thế nào?
Những thứ chúng ta cần là những thứ giúp duy trì cuộc sống cơ bản; hoặc là thứ mà thiếu nó thì ngay lúc này sẽ cản trở việc thực hiện mục tiêu của bạn.
Những thứ chúng ta muốn thường là để thoả mãn sở thích hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống; hoặc là thứ có thể phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu của bạn nhưng bây giờ chưa có cũng chưa sao.
Ví dụ:
– Khát nước → Cần uống nước lọc/ Muốn uống coca, bia
– Đi du lịch tới xứ lạnh → Cần áo giữ ấm/ Muốn áo lạnh thời trang ngầu như fashionista
Quay lại thì tại sao lại phải chờ 1 tuần?
Tương tự với 10 triệu, thì 1 tuần là con số mình tự đặt cho bản thân.
Còn con số phổ biến mà các lời khuyên tài chính cá nhân trên mạng bạn thường tìm thấy sẽ là 72 giờ, tức là 3 ngày.
Theo nhà thần kinh học Viktor Frank, có một khoảng trống tinh thần giữa việc bị kích thích mua sắm (như khi nhìn thấy sản phẩm hoặc quảng cáo) và phản ứng của chúng ta. Ông cho rằng, dành ra 72 giờ – tức 3 ngày – là khoảng thời gian hợp lý để suy nghĩ kỹ càng, tìm hiểu sản phẩm và quyết định có nên mua hay không.
Bạn có thể thử quy tắc 72 giờ này mỗi khi cảm thấy muốn mua đồ trong lúc tâm trạng không ổn, hoặc trong những đợt sale giảm giá sâu dễ khiến bạn móc hầu bao mà không suy nghĩ.
4. Tìm ra bài học, để xem tiền là học phí mỗi khi phạm sai lầm liên quan đến tài chính
Sự thật là dù tính toán thế nào thì cũng sẽ có những tình huống chúng ta “tiêu ngu”. Khi đó thì mình thường nhìn chúng như “học phí” để giúp dễ dàng chấp nhận những mất mát hơn.
Chẳng hạn như trong một chuyến đi du lịch gần đây, mình và các bạn đi chung có thuê một chiếc 4 chỗ để chủ động di chuyển. Đi chơi 4 ngày khá vui vẻ, nhưng tới lúc trả xe thì không biết nên buồn hay nên khóc.
Chú chủ xe kiểm tra tới kiểm tra lui xe, gặng hỏi tụi mình có đi qua đoạn đường dốc đá nào không mà xe bị trầy xước rất nhiều ở gầm. Lúc này tụi mình mới tá hoả nhận ra là cũng k kiểm tra kỹ gầm xe lúc nhận xe.
Cuối cùng chú chủ xe tính phí sửa xe gần ngang ngửa cả tiền tụi mình thuê xe. Chú tính cả phí “bù cho những ngày xe đi sửa, ko cho khách khác thuê được”.
Tụi mình biết khoản phí bù này là không hợp lý vì ở đây khách du lịch không nhiều đến vậy, và chú cũng không có bằng chứng có khách trong ngày kế tiếp. Nhưng thấy cứ tiếp tục tranh luận với chú chủ xe thì sẽ không có hồi kết, tụi mình chấp nhận trả đúng số tiền chú muốn, coi như trả tiền để học một bài học nhớ đời.
Suy nghĩ cuối
Mình muốn nhấn mạnh mình không phải là chuyên gia tài chính cá nhân. Ở giai đoạn này, tiền không phải là một mối bận tâm quá lớn với mình nữa. Mình cảm thấy cuộc sống đủ đầy, làm được việc mình thích, mua những thứ mình cần. Cho phép mình đi những chuyến đi xa xôi, tốn kém không chỉ về tiền bạc mà còn cả thời gian.
Cuộc sống hàng ngày cũng không cần phải tằn tiện chi tiêu. Để đạt được như vậy, mình không chỉ nỗ lực không ngừng học tập và tạo ra giá trị cho xã hội để tăng thu nhập. Mà vì còn nhờ những thay đổi trong tư duy chi tiêu đã chia sẻ trong bài viết này, để có thể giữ lại được những đồng tiền do mình tự làm ra.
Hy vọng những chia sẻ về 4 tư duy tiêu tiền trong bài viết này có thể giúp ích được phần nào cho các thói quen tài chính của bạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận