4 kiểu giọng điệu người EQ thấp thích dùng khi nói chuyện
Giao tiếp thiện ý là cây cầu kết nối người với người nhưng đôi khi giọng điệu vô tình lại tiết lộ chỉ số EQ của bạn.
Những người có EQ cao luôn biết cách truyền đạt thiện ý thông qua giọng điệu, trong khi những người EQ thấp lại vô thức dùng giọng nói khiến người khác khó chịu. Hãy cùng điểm qua 4 kiểu giọng điệu thường gặp ở người EQ thấp nhé!
1. Giọng điệu ra lệnh, bề trên
Từ khóa: Tôi nói là phải nghe/ Làm nhanh lên/ Nhất định phải như thế này...
Kiểu giọng điệu này thể hiện sự kiểm soát và có phần coi nhẹ đối phương, khiến người nghe cảm thấy bị xúc phạm hoặc không được tôn trọng. Ví dụ: "Sao cậu không nộp bài sớm hơn?"/ "Cậu nhất định phải nghe tôi, không thì sẽ hỏng việc"...
Để tránh làm cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt, hãy chuyển sang giọng điệu thương lượng hoặc khích lệ, như "Chúng ta thảo luận thêm về cách làm này nhé?"...
2. Giọng điệu mỉa mai, châm chọc
Từ khóa: Giỏi quá nhỉ/ Đúng là tài ghê/ Tùy cậu thôi
Giọng điệu mỉa mai là biểu hiện điển hình của người EQ thấp, ẩn chứa cảm xúc tiêu cực và khiến người nghe khó phản bác. Ví dụ: Khi thấy ai đó mắc lỗi, họ nói: "Ôi giời, cậu giỏi thật đấy, việc đơn giản vậy mà cũng làm hỏng"...
Thay vì châm chọc như vậy, lời khuyên cho bạn là hãy dùng lời nói chân thành và khích lệ, như "Không sao đâu, vấn đề này tôi cũng từng gặp phải, cùng nhau tìm cách giải quyết nhé", như vậy không chỉ giúp giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng mà còn giúp bạn thoát khỏi mác EQ thấp.
3. Giọng điệu phủ định, dập tắt ý kiến
Từ khóa: Không được/ Không thể
Dù người khác nói gì, người EQ thấp luôn phủ định ngay lập tức: "Ý tưởng của cậu tệ thật đấy", "Cái này không khả thi chút nào"... Giọng điệu này không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng mà còn khiến đối phương mất hứng giao tiếp.
Nếu không muốn bị coi là người EQ thấp, bạn có thể thử chuyển sang cách phản hồi mang tính xây dựng, như "Ý tưởng này thú vị đấy, mình có thể cải thiện thêm một chút không?" hay "Tôi thấy ý tưởng của cậu rất hay, tôi có thêm một vài góp ý thế này"...
4. Giọng điệu than phiền, tiêu cực
Từ khóa: Tất cả là lỗi của cậu/ Tôi mệt quá rồi/ Lúc nào cậu cũng vậy
Mang cảm xúc tiêu cực vào giao tiếp và dùng giọng điệu than phiền là biểu hiện của người EQ thấp. Ví dụ: "Sao cậu lại làm bừa nhà cửa như thế này? Mệt thật đấy!". Kiểu nói này không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm căng thẳng thêm mâu thuẫn.
Trong trường hợp tương tự, bạn nên dùng thực tế khách quan và bày tỏ cảm xúc của bản thân, tránh đổ lỗi cho người khác. Ví dụ: "Tôi thấy nhà hơi bừa bộn, chúng ta cùng dọn lại nhé?".
Kết
Giao tiếp là một nghệ thuật, người có EQ cao luôn biết điều chỉnh giọng điệu để đối phương cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu. Trong khi đó, người EQ thấp lại dễ khiến cuộc trò chuyện vốn dĩ đơn giản trở nên căng thẳng. Khi giao tiếp, hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, sử dụng giọng điệu ôn hòa và tôn trọng, bạn sẽ thấy mối quan hệ trở nên hòa hợp hơn, và con đường cuộc sống cũng suôn sẻ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường