4 chính sách của ông Trump có thể tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế
Thế giới đang dõi theo danh sách các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump và những lời hứa tranh cử sẽ được ông Trump hiện thực hóa ra sao.
Ông Donald Trump tại buổi vận động tranh cử ở thành phố Raleigh, bang North Carolina, Mỹ vào ngày 4/11/2024. Ảnh: AFP
Theo bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu trưởng và ông Andy Blocker, trưởng bộ phận đối tác chiến lược và chính sách công tại công ty quản lý đầu tư toàn cầu Invesco (Mỹ), sẽ rất hữu ích khi nhìn nhận vấn đề trên theo góc nhìn của một sổ cái: Một cột cho các chính sách có khả năng có tác động tích cực và một cột cho các chính sách có khả năng có tác động tiêu cực. Điều quan trọng cần lưu ý là tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào cả thời điểm và phạm vi của chính sách.
Bãi bỏ quy định cản trở doanh nghiệp
Hai nhà phân tích của Invesco cho rằng các doanh nghiệp có nhiều cơ hội đầu tư hơn khi môi trường chính trị dưới thời ông Trump ủng hộ bãi bỏ quy định. Mục tiêu của chính quyền Trump mới là xóa bỏ 10 quy định pháp lý để mỗi quy định mới có khả kiến tạo một môi trường nới lỏng quy định. Điều này có khả năng tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Ví dụ, một nghiên cứu về quy định và đầu tư đã phát hiện ra rằng việc áp dụng quy định thị trường ở châu Âu chặt chẽ hơn so với thị trường Mỹ trong những năm 1990 - giai đoạn đổi mới công nghệ nhanh chóng, đã khiến tăng trưởng ở Mỹ nhanh hơn châu Âu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cải cách quy định - đặc biệt là những cải cách tự do hóa việc gia nhập thị trường - có khả năng thúc đẩy đầu tư trong khi quy định chặt chẽ hơn đối với các ngành/lĩnh vực lại ngăn cản đầu tư.
Ngoài ra, việc bãi bỏ các quy định phức tạp có thể có tác động về mặt tâm lý, giải phóng “tâm lý đám đông” không chỉ trong nền kinh tế mà còn trong thị trường.
Về thời điểm, chính quyền Trump có thể bãi bỏ các quy định truyền thống, chẳng hạn như việc cắt giảm các chính sách quản lý, đặc biệt là việc xóa bỏ hướng dẫn "ngoài quy định" có thể được thực hiện nhanh chóng vì không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Nhưng việc đảo ngược các quy định chính và xóa bỏ toàn bộ các cơ quan chính phủ sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mới thành lập dự kiến sẽ không đưa ra các đề xuất cho đến giữa năm 2026; chưa kể các đề xuất sau đó có thể cần được sự chấp thuận của Quốc hội để triển khai thực hiện. Mặt khác, việc loại bỏ các cơ quan chính phủ không phải là điều cần thiết để tạo dựng môi trường nới lỏng quy định đáng kể, có vẻ như nó hướng nhiều hơn đến việc cắt giảm chi phí và giảm quy mô chính phủ một cách hợp lý.
Việc bãi bỏ các quy định sẽ kích thích môi trường "rủi ro" để các hoạt động đầu tư nói chung; đặc biệt, cổ phiếu tài chính và tiền ảo có thể được hưởng lợi từ chính sách này.
Cắt giảm thuế
Chính quyền Trump mới có thể sẽ tập trung vào việc gia hạn và mở rộng Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm (TJCA) từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Điều này có thể sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ, ngăn chặn lực cản tài chính tiềm ẩn đối với tăng trưởng nếu TCJA được cho hết hiệu lực.
Điều quan trọng cần lưu ý là một số đợt cắt giảm thuế có khả năng có tác động tích cực hơn những đợt khác do sự khác biệt trong "hệ số nhân tài chính" của chúng. Hệ số nhân tài chính đo lường tác động của việc tăng chi tiêu tài chính đối với sản lượng kinh tế của một quốc gia. Đơn cử, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính hiệu ứng nhân lên đối với việc cắt giảm thuế trong 2 năm đối với những người có thu nhập thấp và trung bình dao động từ 0,3 đến 1,5, cao hơn đáng kể so với hiệu ứng nhân lên ước tính của việc cắt giảm thuế trong 1 năm đối với những người có thu nhập cao hơn, ước tính là từ 0,1 đến 0,6.
Các hành động của ông Trump cũng bao gồm các kế hoạch cắt giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất từ 21% xuống 15% đối với các nhà sản xuất trong nước, điều này sẽ khiến Mỹ trở thành một trong những khu vực pháp lý có thuế doanh nghiệp thấp nhất trong số các quốc gia giàu.
Tuy nhiên, hai nhà phân tích của Invesco cho rằng đề xuất trên sẽ khó đạt được hơn việc gia hạn TCJA nếu xét đến tác động trực tiếp của TCJA đối với ngân sách của các hộ gia đình, thâm hụt liên bang vốn đã lớn và áp lực tăng chi tiêu cho quốc phòng. Hơn nữa, việc gia hạn áp dụng TJCA cũng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh mà trong đó mức thuế được cắt giảm và điều đó, giống như việc bãi bỏ quy định, cũng có thể giải phóng "tâm lý đám đông" cho nền kinh tế và thị trường.
Mặt khác, chúng ta cũng phải tính đến tác động của việc cắt giảm thuế đối với thâm hụt ngân sách Mỹ. TCJA ban đầu không được tính toán đầy đủ, tức là các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã không hoàn toàn bù đắp được khoản thất thu thuế do cắt giảm chi tiêu hoặc các khoản thuế khác. Do đó, nó làm tăng thâm hụt ngân sách và tăng thêm vào tổng nợ của chính phủ Mỹ.
Theo lý giải của Viện Brookings, việc cắt giảm thuế có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng dài hạn. Để thực hiện, có thể cắt giảm ngay lập tức các khoản chi tiêu không hiệu quả của chính phủ. Tuy nhiên, nếu không thực hiện bằng việc cắt giảm chi tiêu, việc cắt giảm thuế sẽ dẫn đến tăng vay nợ của liên bang, sau đó kéo giảm tăng trưởng trong dài hạn.
Thế nhưng, các cố vấn kinh tế của ông Trump đã lập luận rằng việc giảm thuế và bãi bỏ quy định sẽ thúc đẩy đầu tư, năng suất và tăng trưởng kinh tế, cuối cùng sẽ bù đắp gián tiếp cho việc cắt giảm thuế.
Theo hai chuyên gia kinh tế của Invesco, thời gian sẽ chứng minh quan điểm nào đúng hơn, còn hiện nay sự phấn khích liên quan đến việc cắt giảm thuế có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.
Cần lưu ý rằng việc gia hạn áp dụng và mở rộng TCJA sẽ mất nhiều thời gian hơn để triển khai bởi cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ và thường có thời hạn chót là ngày 31/12/2025. Do đó, "chúng tôi dự đoán rằng thời hạn sớm nhất có hiệu lực là ngày 1/1/2026", hai chuyên gia của Invesco cho biết.
Điều này có thể giải phóng "tâm lý đám đông", khuyến khích môi trường "rủi ro" để đầu tư. Các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) có thể là bên hưởng lợi tiềm năng. Nếu mức khấu trừ thuế chuyển nhượng đặc biệt 20% từ TCJA được gia hạn áp dụng, các cổ đông REIT có thể khấu trừ 20% thu nhập cổ tức REIT chịu thuế mà họ nhận được, không bao gồm cổ tức đủ điều kiện hưởng thuế thu nhập từ vốn.
Thuế quan và những thách thức tiềm ẩn đối với tăng trưởng
Ông Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60% trở lên và áp dụng mức thuế cơ sở chung là 10% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác.
Scott Bessent, người được Trump lựa chọn để lãnh đạo Bộ Tài chính, đã khẳng định rằng thuế quan không chỉ là công cụ để tăng doanh thu và bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng về mặt chiến lược của Mỹ mà ông còn gọi chúng là công cụ đàm phán để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông Trump.
Hiện chưa rõ thuế quan chỉ là mối đe dọa hay sẽ thực sự được áp dụng và áp dụng trong bao lâu.
Thông thường, các biện pháp bảo hộ khiến tăng trưởng kinh tế kém tối ưu hơn nhưng không nhất thiết đóng vai trò là rào cản dài hạn đối với thị trường chứng khoán.
"Chúng tôi dự đoán rằng các mức thuế quan này sẽ gây lạm phát trong ngắn hạn và nếu được duy trì trong dài hạn, có khả năng sẽ làm giảm tổng cầu. Vào tháng 12/2018, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, báo cáo Beige Book của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã lưu ý rằng 'các báo cáo về chi phí tăng do thuế quan đã lan rộng hơn từ các nhà sản xuất và nhà thầu đến các nhà bán lẻ và nhà hàng'", hai nhà phân tích của Invesco cho biết.
Cuộc chiến thuế quan hoặc thậm chí chỉ là các mối đe dọa thuế quan có thể gây ra bất ổn chính sách, cản trở đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn, sự bất ổn do cuộc chiến thương mại năm 2018 đã làm đình trệ hoạt động đầu tư kinh doanh của Mỹ.
Theo các nhà phân tích của Invesco, có vẻ như các đề xuất thuế quan của chính quyền Trump mới có thể áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong thời gian tương đối ngắn (khoảng 3 tháng) khi áp dụng Mục 301 của Đạo luật thương mại năm 1974 và/hoặc Mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 liên quan đến tác động của các ngành nhập khẩu cụ thể đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Mức thuế quan chung đối với các mặt hàng nhập khẩu khác cũng có thể được áp dụng theo Mục 301, mặc dù một số chuyên gia tin rằng mức thuế quan chung 10% sẽ cần dựa vào Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế năm 1977 để được thực hiện nhanh chóng; nếu không, chính quyền Trump sẽ cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội, điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn để đi đến kết quả.
Thuế quan áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã khiến thị trường chứng khoán rung lắc mạnh và tác động tiêu cực đến chỉ số S&P 500 trong năm 2018, mặc dù nó không có tác động đáng kể trong dài hạn. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực hơn với mức lỗ 2 con số vào năm 2018, nhưng không bị ảnh hưởng trong dài hạn.
Hạn chế nhập cư
Chính sách nhập cư rõ ràng của chính quyền Trump sắp tới có 2 cấu phần chính: bảo đảm và về cơ bản là đóng cửa biên giới phía Nam của Mỹ và trục xuất những người không có giấy tờ đang sống tại nước này.
Mối đe dọa đóng cửa biên giới nhằm thúc đẩy Mexico hành động để giúp chấm dứt các đoàn di cư và ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép vào Mỹ.
Ông Trump đã tuyên bố chính quyền của ông sẽ hành động để trục xuất 15-20 triệu người không có giấy tờ ở Mỹ và các hành động trong tương lai gần có thể tập trung vào khoảng 1,4 triệu người đã bị tòa án ra lệnh rời khỏi nước Mỹ, cũng như giải quyết tồn đọng 3,7 triệu trường hợp nhập cư.
Việc trục xuất hàng loạt có thể tác động rất tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và chúng cũng có thể gây ra lạm phát, vì thị trường lao động Mỹ vốn đã rất eo hẹp, với tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 4,2%.
Một số ngành công nghiệp nhất định, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, đã phải trải qua tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng hơn. Và nếu người lao động nhập cư trái phép bị trục xuất hàng loạt, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành nghề. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và đẩy lạm phát lên cao, có thể khiến Fed tạm dừng hoặc thậm chí đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ.
Kịch bản tệ nhất sẽ là trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép dẫn đến tình trạng "đình lạm" (trong kinh tế học, thuật ngữ này chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao). Ở kịch bản này, lực lượng lao động giảm sút hoặc tăng trưởng lực lượng lao động chậm hơn có thể làm giảm hoạt động kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Mỹ, hậu quả có thể là tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái, đồng thời đẩy lạm phát lên cao do các công ty phải chi trả mức tiền lương cao hơn.
Do đó, tác động của chính sách hạn chế nhập cư có thể nghiêm trọng nếu chính quyền Trump mới áp dụng các biện pháp trục xuất ít quyết liệt hơn và/hoặc chuyển sang các quy định nhập cư mới cho phép lao động tạm thời hợp pháp khi biên giới được coi là an toàn.
Về thời gian thực hiện, hai nhà phân tích của Invesco nhận định việc đóng cửa biên giới có thể được thực hiện nhanh chóng và Quốc hội Mỹ có thể cung cấp thêm nguồn lực để hỗ trợ nỗ lực đó. Các nước láng giềng có thể sẽ hợp tác với nỗ lực này bởi các mối đe dọa thuế quan từ Mỹ.
Trên thực tế, việc trục xuất hàng loạt có thể mất nhiều thời gian hơn và sẽ cực kỳ tốn kém. Sẽ có những khó khăn nếu không muốn nói là không thể tập hợp và trục xuất hàng triệu người trong vòng 4 năm ông Trump nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai. Có lẽ sẽ cần phải triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội trên đất Mỹ với quy mô lớn, kéo dài và tốn kém, điều này có thể đòi hỏi sự chấp thuận của nhiều thống đốc bang cũng như sự cho phép về tài chính của Quốc hội và đối mặt nhiều thách thức của tòa án. Điều này có thể không thành hiện thực, ít nhất là không đạt quy mô như chính quyền Trump mới hứa hẹn.
Về tác động đến thị trường, đóng cửa biên giới có thể có tác động rất khiêm tốn đến thị trường tài chính Mỹ với khả năng khiến lợi suất trái phiếu thấp hơn và biên lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ giảm phần nào.
Nếu việc trục xuất làm tăng lạm phát và ngược lại, làm đình trệ (hoặc tệ hơn là đảo ngược) nỗ lực nới lỏng tiền tệ của Fed, nó có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của thị trường chứng khoán Mỹ. Nếu việc trục xuất tác động tiêu cực đến tăng trưởng và gây ra tình trạng đình lạm, có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể của thị trường chứng khoán.
Tóm lại, chúng ta phải thừa nhận rằng một số chính sách của chính quyền Trump mới có thể sẽ đóng vai trò là lực lượng đối trọng với các chính sách khác. Thật vậy, bốn chính sách trên có thể được xem xét một cách riêng lẻ, nhưng thực tế là chúng đều có thể xảy ra đồng thời, dẫn đến những tác động khác nhau đến nền kinh tế Mỹ.
Các nhà phân tích lạc quan cho rằng một số chính sách then chốt của chính quyền Trump mới có thể tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và thị trường Mỹ, nhưng họ vẫn cảnh giác với tác động tiêu cực từ các chính sách đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường