4 chỉ báo thông dụng trong phương pháp phân tích kỹ thuật nhà đầu tư nên biết
Trong phương pháp phân tích kỹ thuật, các chỉ báo được tính toán để giải thích mối quan hệ cung - cầu và tác động của cung cầu tới giá cổ phiếu. Có rất nhiều hệ thống chỉ báo được sử dụng, trong đó phổ biến là: SMA, MACD, Moving Average Convergence Divergence, Bollinger Bands và RSI.
1. SMA - Simple Moving Average
Trung bình động (MA) là một đường biểu thị giá trị trung bình cộng của dữ liệu trước đó trong khoảng thời gian cụ thể. Nó bao gồm trung bình động đơn giản (SMA) và trung bình động hàm mũ (EMA). Khác biệt của 2 đường này ở chỗ SMA cân nhắc tất cả các đầu vào dữ liệu như nhau còn EMA coi trọng các giá trị dữ liệu gần nhất (điểm mức giá mới hơn) hơn.
Chỉ số đứng đầu SMA là chu kỳ giá đóng cửa mà đường trung bình động biểu thị. Ví dụ SMA 10 là đường trung bình động tính theo giá đóng cửa của 10 ngày trước đó. Dựa vào thời gian, có thể phân loại các đường SMA thành:
Các đường trung bình động phân tích biến động ngắn hạn: SMA 10, SMA 14, SMA20.
Đường trung bình động phân tích biến động trung hạn: SMA 50.
Các đường trung bình động phân tích biến động dài hạn: SMA 100, SMA 200
SMA được tính như sau: SMA = (G1 + G2+…+Gn)/n
Trong đó:
G1-Gn: là mức giá đóng cửa trong 1 chu kỳ cần xác định biến động
n: số ngày theo chu kỳ biến động
2. MACD - Moving Average Convergence Divergence
MACD là đường Phân kỳ Hội tụ trung bình động, được phát triển bởi Gerald Appel vào cuối những năm 1970. Chỉ báo này dùng để xác định đà của một cổ phiếu (hoặc một tài sản có thể giao dịch) và các xu hướng giá có thể xảy ra, được xếp vào nhóm các chỉ báo muộn (đưa ra các tín hiệu dựa trên hành động định giá hoặc dữ liệu giá đã xảy ra trong quá khứ). MACD giúp các nhà giao dịch phát hiện các điểm vào và điểm ra khỏi thị trường tiềm năng.
Chỉ báo MACD bao gồm ba yếu tố di chuyển xung quanh đường trung tâm - đường bằng 0:
Đường MACD xác định xu hướng thị trường (tăng hoặc giảm), có giá trị bằng hiệu của hai đường trung bình động hàm mũ (EMA).
Đường tín hiệu là một EMA của đường MACD (thường là EMA của 9 giai đoạn). Phân tích kết hợp EMA với đường MACD có thể phát hiện các điểm đảo ngược tiềm năng hoặc các điểm vào/ ra thị trường.
Biểu đồ được tính dựa trên sự chênh lệch giữa hai đường MACD và đường tín hiệu.
2. Bollinger bands
Bollinger bands hay dải Bollinger cũng là một chỉ báo được sử dụng nhiều trong phương pháp phân tích kỹ thuật. Nó được phát minh vào đầu năm 1980 bởi John Bollinger – nhà giao dịch kỹ thuật tài ba trên thế giới. Chỉ báo được cấu tạo từ đường trung bình động MA và độ lệch chuẩn giá. Dải Bollinger gồm 3 phần chính: đường trung bình động ở giữa và 2 dải di động nằm ở phía trên - phía dưới. Tùy theo tình biến động mạnh/ nhẹ của thị trường mà 2 dải trên dưới sẽ mở rộng hoặc thu hẹp.
Trong dải Bollinger, siết chặt là 1 khái niệm quan trọng chỉ trạng thái các dải đến gần nhau. Các nhà giao dịch cho rằng siết chặt biểu thị thời kì biến động thấp và coi đó là một dấu hiệu tiềm năng của sự biến động gia tăng trong tương lai. Ngược lại, khoảng cách các dải càng rộng thì khả năng giảm độ biến động và khả năng rời khỏi thị trường càng cao.
Thông thường sẽ có khoảng 90% hoạt động giá xảy ra giữa hai dải. Bất kỳ điểm đột phá trên hay dưới các dải đều là một sự kiện lớn. Tuy nhiên, cả siết chặt và điểm đột phá đều không phải là một tín hiệu giao dịch.
4. RSI
Ra đời vào cuối những năm 1970, chỉ số Sức mạnh Tương đối RSI được sử dụng để kiểm tra diễn biến hoạt động của một cổ phiếu trong một khoảng thời gian. Hiểu một cách đơn giản, nó là một bộ dao động động lượng đo độ lớn của biến động giá.
RSI được xác định bằng cách chia trung bình giá tăng cho trung bình giá giảm trong khoảng thời gian cụ thể. Kết quả này sau đó biểu diễn trên thang điểm được đặt từ 0 - 100. RSI > 70 được coi là nằm trong vùng quá mua, RSI < 30 thì nằm trong vùng quá bán. Nếu RSI ở giữa khoảng 30 - 70 thì nằm trong vùng trung tính.
Ngoài vùng quá mua, vùng quá bán, phân kỳ dương và âm cũng của RSI được các nhà đầu tư theo phương pháp phân tích kỹ thuật tận dụng để dự đoán xu hướng đảo chiều hoặc xác định các mức hỗ trợ và kháng cự.
Phân kỳ dương xảy ra khi biến động giá và RSI đi theo hai chiều ngược nhau. RSI tăng tạo đáy cao, giá giảm tạo đáy thấp. Ngược lại, phân kỳ âm có thể chỉ báo rằng mặc dù giá tăng nhưng thị trường đang mất đà. RSI giảm và tạo đỉnh thấp nhưng giá tài sản tăng và tạo đỉnh cao.
Tuy nhiên lưu ý rằng các phân kỳ RSI sẽ phù hợp hơn với các thị trường ít biến động.
Trên đây là 4 chỉ báo thông dụng mà bất kỳ nhà giao dịch theo phương pháp kỹ thuật nào cũng ít nhiều nghe tới và sử dụng. Thực tế, sẽ không có một chỉ báo nào có thể đưa ra tín hiệu giao dịch đúng 100%. Do đó, nhà đầu tư nên kết hợp sử dụng các loại chỉ báo, đồng thời áp dụng các phương pháp phân tích khác để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận