33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện "bắt buộc sáp nhập" đến 2025
Theo báo cáo của 63 địa phương, giai đoạn 2023-2025 sẽ sáp nhập 33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện "bắt buộc sắp xếp", chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Đề xuất này được Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Dự thảo vừa được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ ký, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáp nhập huyện, xã bằng ngân sách địa phương, Trung ương chỉ hỗ trợ một lần
Một số quy định cụ thể đã được Chính phủ điều chỉnh liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách với người dôi dư sau sáp nhập.
Theo đó, dự thảo nghị quyết lần này quy định thời điểm tạm dừng bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, tổ chức nơi sắp xếp kể từ ngày UBND cấp tỉnh trình Chính phủ Đề án sáp nhập huyện, xã của địa phương, nhằm bảo đảm địa phương có thời gian rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hồng Phong). |
Dự thảo Nghị quyết quy định chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.
Về áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với huyện, xã sau sáp nhập, dự thảo nghị quyết quy định người dân tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách như trước thời điểm sắp xếp.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được áp dụng chế độ, chính sách với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp.
Đề cập đến kinh phí thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới, dự thảo nghị quyết quy định kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm.
Đồng thời, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ một lần cho các địa phương với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi huyện được giảm và 500 triệu đồng cho mỗi xã, khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030.
Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/ xã, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần khoảng hơn 1.300 tỷ đồng.
Tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ sáp nhập huyện, xã
Dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 lần này nhấn mạnh định hướng sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Một góc thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng). |
Mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025 sẽ hoàn thành sáp nhập huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030, Chính phủ phấn đấu hoàn thành sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc soạn thảo, trình dự thảo nghị quyết này theo thủ tục rút gọn đồng thời với quá trình xem xét, thông qua dự thảo, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Theo thống kê, giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành. Qua đó cả nước đã giảm 8 huyện và 561 xã.
"Bức tranh" sáp nhập huyện, xã trên cả nước (Đồ họa: Thế Kha - Tuấn Huy). |
Việc sáp nhập đã góp phần giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Số lượng biên chế cũng được giảm sau chủ trương này. Tính đến hết năm 2022 đã giảm 648/706 (91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện; 7.741/9.705 (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã. Ngân sách Nhà nước giảm chi hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ thừa nhận một số khó khăn, vướng mắc khi sáp nhập huyện, xã. Điển hình là việc số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định còn nhiều; một số đơn vị hành chính đô thị được mở rộng về quy mô nhưng chưa bảo đảm chất lượng.
Việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư cũng chưa kịp thời. Tính đến hết năm 2022 còn phải tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với 58 cán bộ, công chức cấp huyện và gần 2.000 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận