24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

30% công nhân thường xuyên túng thiếu

Khảo sát của công đoàn trong nhiều năm cho kết quả khoảng 1/3 công nhân túng thiếu, phải vay mượn, thậm chí cắm sổ BHXH, chứng minh thư để có tiền trang trải.

Tại hội thảo về tiền lương tối thiểu do báo Kinh tế đô thị tổ chức ngày 16/6, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết khảo sát trực tiếp hơn 2.000 công nhân hồi tháng 3 cho kết quả 12% lao động thường xuyên vay tiền chi tiêu; 35,5% vay tiền 3-4 lần mỗi tháng.

Trước mỗi kỳ họp điều chỉnh lương tối thiểu, công đoàn thường khảo sát đời sống lao động và khoảng 5 năm qua luôn cho tỷ lệ trên 30% bị túng thiếu, không có tích lũy, thường xuyên vay mượn nếu đến kỳ đóng học cho con hoặc người nhà đi viện. Nhiều người thậm chí cắm sổ BHXH hoặc chứng minh thư, vay mượn 0,5-1 triệu đồng để mua gạo, trả tiền thuê nhà.

"Tôi chưa gặp công nhân nào vay tiền đầu tư bất động sản. Họ vay chỉ để giải quyết nhu cầu sinh hoạt trước mắt", ông Tiến nói, khẳng định thêm công nhân tháng nào không tăng ca mà con ốm, bố mẹ đi viện thì chắc chắn tháng sau sẽ nợ tiền thuê nhà, phải đi vay, không có tiền chi trả sinh hoạt cơ bản.

Ông Tiến phân tích, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh thêm 6% từ ngày 1/7, song giá xăng dầu tăng liên tục khiến giá cả leo thang, cuộc sống người lao động càng thêm chật vật. Mức lương bình quân 5-7 triệu đồng của công nhân trong doanh nghiệp đã gộp cả thu nhập của nhóm quản đốc, quản lý, còn thực tế thu nhập chưa tính tăng ca của lao động trẻ mới đi làm có thể thấp hơn nhiều.

Người lao động hiện chỉ biết phần thu nhập thực lĩnh sau khi đã trừ các khoản đóng BHXH, BHYT... mà không biết doanh nghiệp đang trả lương bao nhiêu. Lương tối thiểu theo quy định chỉ là mức thấp nhất, làm căn cứ để hai bên tự thỏa thuận với nhau, song hiện nhiều nơi chỉ trả bằng hoặc nhỉnh hơn mức này một ít, thậm chí dùng chính lương tối thiểu để đóng BHXH. Còn lương của quản lý, nhân sự cấp cao lại được trả ở mức hoàn toàn khác biệt.

30% công nhân thường xuyên túng thiếu

TS Vũ Minh Tiến, Viện Công nhân Công đoàn tại hội thảo liên quan tiền lương tối thiểu, ngày 16/6. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Tiến, trong các cuộc thương lượng tập thể, công đoàn cơ sở cần đàm phán để nâng mặt bằng tiền lương cơ bản cho người lao động. Khi giá cả tăng, doanh nghiệp cũng nên tính toán điều chỉnh các khoản phúc lợi như hỗ trợ xăng xe, trợ cấp ăn ca vì tiền tăng ca 13.000-15.000 đồng hiện không đủ kcal cho lao động trực tiếp đứng máy; hỗ trợ tiền nhà, nuôi con nhỏ cho công nhân.

Chuyên gia cảnh báo có tình trạng một số doanh nghiệp chọn phương án tiêu cực là điều chỉnh tăng lương nhưng lại cắt tiền phụ cấp. Cách làm này trước mắt không giữ chân được lao động, lâu dài tổn hại lên sản xuất. Công đoàn cơ sở cần chú ý vấn đề này và giải quyết trong đối thoại.

Bà Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy, cho biết doanh nghiệp có hơn 700 lao động với tỷ lệ nữ 93%. Công ty đóng ở Quốc Oai, theo quy định thuộc vùng I - nơi hưởng lương tối thiểu cao nhất 4,68 triệu đồng. Hiện lương bình quân của lao động công ty khoảng 5,68 triệu đồng, chưa tính các khoản phụ cấp, tăng ca.

Bà phân tích mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng áp dụng vào thời điểm hai năm trước thì có thể "tạm ổn" nếu người lao động tiết kiệm, hàng tháng có khoản dự phòng. Đặt trong bối cảnh hiện tại khi giá xăng tăng chóng mặt khiến mọi thứ tăng theo, chưa tính con cái ốm đau, ma chay, cưới hỏi thì công nhân phải "chắt bóp tằn tiện mới đủ sống".

"50% công nhân đến cuối tháng chắc chắn phải vay tiền nếu như trong tháng đó con cái ốm đau, đi viện", bà Phương Anh khẳng định.

30% công nhân thường xuyên túng thiếu

Cơm chiều của một cặp công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) được nấu ngay trong phòng trọ, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Với khu vực ngoại thành, công nhân khó gửi con ở trường công lập khi các cháu tan học lúc 17h mà bố mẹ tăng ca tới 18h30. Nhiều lao động thuê trọ, không có ông bà đỡ đần bắt buộc phải gửi trường tư, chi phí thấp nhất cũng 1,5 triệu đồng mỗi cháu.

Bà Phương Anh lấy ví dụ một gia đình vợ chồng ở nông thôn thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng, nuôi hai con nhỏ tiểu học và mẫu giáo, tằn tiện hết mức cũng phải chi khoảng 6-7 triệu mỗi tháng, chưa tính tiền thuê nhà, ăn uống. Xăng tăng, bão giá khiến khoản lương tăng thêm của người lao động tiếp tục hao hụt.

Để trang trải, công nhân trong nhà máy hầu hết chọn cách tăng ca và thu nhập sau làm thêm khoảng 7,5 triệu đồng, tùy bộ phận có người được trên 10 triệu. Phần lớn người lao động ở địa bàn Quốc Oai nên đỡ được khoản thuê nhà, song vẫn có khoảng 6% công nhân phải thuê trọ. Công ty đã lập danh sách cho lao động nhận tiền hỗ trợ thuê trọ và mong sớm được xét duyệt.

"Vừa là cán bộ công đoàn, vừa là người lao động, chúng tôi mong mỏi các cấp ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người lao động, ngoài tăng lương tối thiểu", bà nói.

Bà mong muốn sau cuộc đối thoại với Thủ tướng hôm 12/6, kiến nghị của công nhân cả nước về hỗ trợ nhà ở, tín dụng... sẽ được các cấp ngành giải quyết; đặc biệt là chính sách tín dụng để công nhân tạm thời vượt qua lúc khó khăn, không phải gán sổ BHXH hoặc vay tín dụng đen với lãi suất hàng nghìn %.

30% công nhân thường xuyên túng thiếu
Cuộc sống tằn tiện của gia đình công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) vào năm 2015 - thời điểm công đoàn khảo sát cho kết quả "33% công nhân sống kham khổ". Video: Mai Anh

Cuộc sống tằn tiện của công nhân khu công nghiệp

Bàn về giải pháp dài hơi, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội, cho rằng cách tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam chủ yếu dựa trên hợp đồng lao động. Song điều này chưa phù hợp vì tỷ lệ lao động có hợp đồng rất thấp, khoảng 60%. Quy định lao động có hợp đồng một tháng trở lên mới đóng BHXH vô tình đã để "lọt" khá nhiều người khỏi lưới an sinh.

Những tranh luận, đàm phán tăng lương hàng năm mới dừng lại mức tăng % mà điều thực sự phải tính toán là độ bao phủ của lương tối thiểu và cách chi trả cho các nhóm ra sao. Cần thêm những khảo sát, điều tra xã hội trên quy mô lớn về thực hiện lương tối thiểu với từng nhóm ngành nghề, lao động ra sao; nhất là người làm nghề giản đơn, hưởng lương theo giờ... Theo bà, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm mới phần nào bù đắp được trượt giá, thực sự chưa thể là tấm lưới bảo vệ người lao động.

Điều chỉnh lương tối thiểu cộng các khoản đội lên do tăng giá xăng dầu sẽ "ngốn" phần chi phí lớn của doanh nghiệp. Chính phủ cần tung thêm các biện pháp hỗ trợ người sử dụng lao động để ổn định sản xuất, tạo việc làm bền vững, đồng thời kìm chế lạm phát, ổn định giá cả cho người lao động yên tâm sản xuất.

Việc lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu giờ từ 1/7, dao động từ 15.600 đồng đến 22.500 đồng, theo bà Hương là quá thấp, có thể dẫn tới một số tác động nằm ngoài dự kiến, như khiến chủ sử dụng lao động "dịch chuyển" từ trả lương tháng sang giờ để đỡ chi phí trả các khoản làm thêm giờ, đóng bảo hiểm, gây thiệt thòi cho lao động. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần thêm những quy định cụ thể về từng nhóm nghề, lao động áp dụng cụ thể lương tối thiểu giờ ra sao.

Từ ngày 1/7, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Trên cơ sở này, lương tối thiểu giờ tương ứng áp dụng lần lượt vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Trước đó, tiền lương tối thiểu giữ nguyên từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Thống kê ngày 15/1/2020, giá xăng E5 RON 92 bán ra 19.845 đồng một lít, xăng RON 95 là 20.913 đồng. Dầu hỏa tối đa 15.535 đồng một lít, dầu diesel 16.548 đồng và dầu mazut 12.709 đồng một kg.

Hôm 13/6, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới. Xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III (chiếm 70% lượng tiêu thụ trên thị trường) lên mức 32.370 đồng một lít. Các mặt hàng dầu hỏa lên 27.830 đồng một lít; dầu diesel lên 2.630 đồng, lên 29.020 đồng một lít.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả