3 nguyên tắc đầu tư từ người phụ nữ giàu nhất lịch sử phố Wall Hetty Green
Nhắc tới Hetty Green, người ta nhớ ngay tới doanh nhân kiêm nhà đầu tư được mệnh danh là người phụ nữ giàu nhất lịch sử phố Wall ở Mỹ. Sự nghiệp lẫy lừng của bà đã để lại nhiều bài học làm giàu và nguyên tắc đầu tư quý giá.
Hetty Green có tên khai sinh là Henrietta Howland Robinson, sinh năm 1834 tại bang Massachusetts trong một gia đình thương nhân giàu có. Ông nội của Hetty có một đội tàu săn cá cá voi khổng lồ cũng như có thương mại với những người Trung Quốc. Chính bởi vậy gia đình của Hetty kiếm được cả triệu USD.
Hetty Green là một nữ doanh nhân người Mỹ nổi tiếng, hay còn được biết đến là "Phù thủy Phố Wall". Bà sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu có, thừa kế doanh nghiệp đánh bắt cá voi của cha. Khi bà qua đời vào năm 1916, tài sản bà sở hữu lên tới 100 triệu USD - tương đương 1/500 GNP (Tổng sản lượng quốc gia). Bà đứng thứ 36 trong danh sách 100 người Mỹ giàu nhất, được giới tài chính gọi là "người phụ nữ giàu nhất lịch sử phố Wall".
Tuy một phần tài sản Hetty đến từ doanh nghiệp của cha, nhưng lý do khiến bà trở nên thực sự giàu có là nhờ đầu tư. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã tìm hiểu về kinh doanh và đầu tư nhờ thường xuyên phải đọc báo cáo tài chính và giao dịch chứng khoán cho ông bà nội. Năm lên 10 tuổi, kihoong chỉ chăm chỉ học tập, bà còn phụ việc cho cha ở văn phòng thường xuyên tích lũy kinh nghiệm.
Sau khi bố mẹ Hetty Green qua đời, bà sở hữu khối tài sản kếch xù và đó cũng chính là nguồn vốn để bà đầu tư. Bà đổ tiền vào chứng khoán, trái phiếu chính phủ, vàng hay bất cứ thứ gì mà Hetty cho rằng có thể sinh lời. Thậm chí, sau này có thể cho ngân hàng vay tiền, hai lần bảo lãnh cho New York vào năm 1989 và năm 1901 với các khoản vay hơn 1 triệu USD.
Với kinh nghiệm đầu tư xuất sắc, bà thường được các nhà đầu tư tìm đến hỏi ý kiến. Dưới đây là 3 nguyên tắc làm giàu đúc kết từ sự nghiệp đầu tư lừng lẫy của 'Phù thuỷ Phố Wall'.
1. Sống tiết kiệm và không cần phô trương
Theo Hetty Green, lối sống tiết kiệm của bà được định hình từ chính sự giáo dục của gia đình. "Những năm tháng đầu đời được uốn nắn đã giúp tôi tránh xa lối sống xa hoa và phô trương. Gia đình tôi đã giàu có đến 5 đời. Chúng tôi không cần phải khoe khoang để đảm bảo vị trí của mình được người khác công nhận", bà nói.
Và, lối sống tiết kiệm này cũng được thể hiện rất rõ trong quan điểm lẫn các quyết định đầu tư của 'Phù thuỷ Phố Wall'. Theo Investopedia, năm Hetty Green 20 tuổi, cha bà đã mua tặng con gái một tủ đầy váy đẹp và đắt tiền, trị giá tới 1.200 USD vì mong con gái có thể lọt vào mắt của những người đàn ông giàu có. Nhưng, phản ứng của bà đối với món quà thật bất ngờ: Hetty bán toàn bộ số quần áo đó và dùng hết tiền để mua trái phiếu chính phủ.
'Phù thuỷ Phố Wall' từng nói: "Tôi tự đi mua sắm vì sẽ tiết kiệm được 100 xu cho mỗi 1 USD. Nếu nhiều người cũng chịu làm như vậy, thì hẳn những lời kêu than về giai đoạn khó khăn và chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã ít đi".
Có thể nói, lối sống tiết kiệm và không cần phô trương, được định hình cũng như rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, là một loại "may mắn" tài chính đối với Hetty Green. Bởi vì, nó không chỉ giúp bà nhận thức được giá trị của đồng tiền mà còn khiến 'Phù thuỷ Phố Wall' rất quý trọng những gì mình kiếm được. Đây cũng chính là bài học quan trọng dành cho người đầu tư: Trước khi biết cách đầu tư, phải học cách tiết kiệm.
"Không ai có thể đầu tư trừ phi bản thân có đủ tiền. Hầu hết những khối tài sản kếch xù đều được xây nên bởi người biết tiết kiệm và dành dụm - yếu tố giúp họ tích luỹ được từ vài trăm đến vài nghìn USD để có thể đầu tư bất cứ khi nào cơ hội đến", Hetty Green nói.
2. Biết nhìn xa và luôn nghiên cứu kỹ lưỡng
"Rốt lại, tất cả những gì có thể nói về các khoản đầu tư của tôi là chúng đã được lựa chọn cẩn thận và thường xuyên sinh lời tốt. Một khối tài sản lớn không bao giờ có thể được xây dựng xung quanh bất kỳ một ý tưởng cố định nào; nói cách khác, tài sản không bao giờ có thể lớn lên nếu không có kiến thức căn bản".
"Tôi tin vào việc sử dụng các kiến thức căn bản trong kinh doanh. Do đó, trước khi quyết định đầu tư, tôi tìm hiểu mọi thông tin về có thể. Không có bí mật lớn nào đằng sau việc tạo ra tài sản cả. Tất cả những gì bạn phải làm là mua rẻ và bán đắt, sống tiết kiệm, phán đoán tốt và kiên trì", Hetty Green nói.
Một trong những thương vụ đầu tư thành công nhất nhờ vào tầm nhìn xa của 'Phù thuỷ Phố Wall' là việc mua vào đồng bạc xanh giai đoạn 1865 - 1867. Ngay sau khi Tổng thống Aaham Lincoln nhậm chức vào năm 1861, Trận chiến Đồn Sumter nổ ra, mở đầu cho Nội chiến Hoa Kỳ. Cuộc chiến kéo dài, với thương vong và chi phí nhiều hơn dự kiến, buộc chính phủ phải tìm cách tài trợ cho chiến tranh mà không phải vay nợ với lãi suất mức "cắt cổ".
Năm 1862, Lincoln và Quốc hội đã thông qua Đạo luật Tiền Pháp định đầu tiên, khai sinh ra đồng bạc xanh, cho phép phát hành 150 triệu USD tiền giấy mà không cần bảo đảm bằng một lượng vàng và bạc tương tự. Sau đó, hai đạo luật khác cũng được thông qua, giúp bơm 450 tỷ USD vào nền kinh tế.
Trên thực tế, nhiều chủ ngân hàng và chuyên gia tài chính đã tiên đoán sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ, bởi họ tin rằng sẽ không có nhiều người tin vào kế hoạch của quốc hội. Triển vọng kinh tế của đất nước đặc biệt ảm đạm tại miền Nam, với thiệt hại và nợ nần chồng chất sau khi Nội chiến kết thúc vào năm 1865. Tin rằng nền kinh tế khó có thể phục hồi và lo lắng về sự ổn định của chính phủ, nhiều người từ chối trả mệnh giá cho 'đồng bạc xanh' mà thay vào đó đổ xô tìm vàng.
Có lúc, giá trị của đồng bạc xanh trong giao dịch giảm xuống tới mức chỉ còn một nửa so với mệnh giá. Trái với nhiều người, Hetty Green đã tận dụng cơ hội, trong khi tin chắc rằng đồng bạc xanh sẽ phục hồi giá trị trong thời gian nhất định. Rốt cục, 'Phù thuỷ Phố Wall' đã đúng! Đạo luật Tái sản xuất năm 1875 đã đặt đồng bạc xanh ở vị thế ngang với vàng khi cho phép nó được giao dịch theo mệnh giá, mang về lợi nhuận khổng lồ cho Hetty Green.
Một trong những thương vụ đầu tư thành công nhất nhờ vào tầm nhìn xa của 'Phù thuỷ Phố Wall' là việc mua vào đồng bạc xanh giai đoạn Nội chiến Mỹ.
Bên cạnh đó, vì tin rằng nhu cầu tái thiết cơ sở hạ tầng sau chiến tranh là rất lớn và cấp thiết nên xe lửa sẽ được ưu tiên, Hetty Green đã tập trung mua cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp vào tất cả hãng xe lửa ở Mỹ. Kết quả, chỉ trong vòng vài năm, giá trị của khoản đầu tư này đã tăng gấp 4 lần.
"Chỉ một nhóm nhỏ nhà đầu tư mới có thể thu thập được một lượng lớn thông tin về đường sắt như Hetty. Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sự nghiên cứu xuyên suốt, cách đặt câu hỏi rất sâu và việc liên tục đọc tài liệu đã giúp bà tìm ra lối đi giữa một mê cung tuyến đường và quyết định nên đầu tư hay nên tránh tuyến đường sắt nào", Janet Wallach - người viết tiểu sử về Hetty Green nhận xét.
3. Mua rẻ bán đắt và không đầu cơ
Nghiên cứu cuộc đời của Hetty Green, có thể thấy khối tài sản khổng lồ của bà được tích luỹ dựa trên hoạt động đầu tư có nguyên tắc một cách kiên định.
Trả lời tờ New York Times vào năm 1905, bà nói: "Tôi mua vào khi mọi thứ đang ở mức giá thấp và không ai muốn mua chúng. Tôi giữ chúng cho đến khi chúng tăng giá và mọi người đều nóng lòng mua".
"Đó là bí quyết chung để thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, một trong những điều người ta thường hiểu lầm và gán cho tôi là đầu cơ. Tôi không bao giờ đầu cơ. Các cổ phiếu thuộc về tôi nhưng bị người khác xem là đầu cơ được tôi đơn giản mua như một khoản đầu tư, chứ không tôi không bao giờ sử dụng đòn bẩy".
Do đó, 'Phù thuỷ Phố Wall' từ chối giao dịch chứng khoán ký quỹ và thường thích đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, cần biết rằng, triết lý đầu tư của Hetty Green không phải là chỉ mua và giữ: "Tôi không bao giờ mua bất cứ thứ gì chỉ để giữ nó. Mọi thứ tôi có đều có giá. Khi nào mức giá đó được đưa ra thì tôi bán", bà nói.
Con trai Hetty Green giải thích triết lý đầu tư của mẹ mình như sau: "Mẹ tôi không bao giờ kiếm được bất cứ khoản tiền nào từ việc đầu cơ. Gia đình Greens không đầu cơ. Mẹ tôi không khác gì một ngân hàng một người. Khi tiền mặt khan hiếm ở New York, bà ấy luôn có rất nhiều tiền để cho vay với tài sản thế chấp tốt".
Trên thực tế, Hetty Green là một trong số những nhà đầu tư mua vào và cho vay lớn trong kỳ khủng hoảng tài chính 1907, còn gọi là Hoảng loạn 1907. Lý do bà có lượng tiền mặt lớn để cho vay khi đó là vì đã bán các tài sản mà bà tin rằng được định giá quá cao từ trước. Theo 'Phù thuỷ Phố Wall', bà "nhìn thấy trước mọi chuyện rõ như ban ngày và đã chọn thanh toán mọi giao dịch bất động sản có thể bán được thành tiền mặt", qua đó giúp bà có tiền mặt sẵn sàng đủ để mua một lượng lớn tài sản ở mức giá thấp trong thời điểm bán tháo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường