3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nếu như tình hình hiện nay vẫn không có tín hiệu khởi sắc, thì tăng trưởng sẽ tiếp tục xấu đi trong các quý còn lại và đây sẽ là một năm khó khăn nữa cho nền kinh tế.
Khi một đoàn tàu đang chạy nhanh với gia tốc và quán tính lớn nhưng đột ngột phanh gấp, thì để có thể quay trở lại đạt mức vận tốc như ban đầu thì sẽ cần rất nhiều thời gian. Lịch sử đã chứng minh điều đó khi trước năm 2008, tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn đạt trên 8%, nhưng khi khủng hoảng nổ ra, tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng và chỉ đạt mức quanh 5% trong một thời gian dài hơn 5 năm sau đó.
Tình hình cũng tương tự đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, khi mà tốc độ tăng trưởng chỉ 3.3% trong quý 1 và lạm phát trong năm nay cũng sẽ khá căng thẳng khi dự kiến tăng giá điện cũng như tăng lương trong thời gian tới, đe dọa các mục tiêu vĩ mô đề ra ở đầu năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng trưởng sụt giảm mạnh là do chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2022 trước các cú “shock” vĩ mô toàn cầu và việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đột ngột, kèm với đó là sự khủng hoảng và đóng băng ở thị trường bất động sản, dẫn đến tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước. Lãi suất trong nước tăng cao đã gây ra khó khăn trong thanh khoản của toàn nền kinh tế, và làm cho dòng vốn bị đứt đoạn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kiệt quệ tài chính và hệ quả là tăng trưởng kinh tế rơi vào mức thấp nhất trong lịch sử 20 năm trở lại đây nếu không tính trong giai đoạn COVID-19.
Nếu như tình hình hiện nay vẫn không có tín hiệu khởi sắc thì tăng trưởng sẽ tiếp tục xấu đi trong các quý còn lại và đây sẽ là một năm khó khăn nữa cho nền kinh tế. Dựa trên các yếu tố về lãi suất, tăng trưởng, lạm phát, khi tiến hành chạy mô phỏng nền kinh tế dựa trên mô hình AI và các mô hình định lượng (trên giả định phục hồi kinh tế nhờ vào việc giảm lãi suất trong quý 1 và đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu), kịch bản với diễn biến về việc tiếp tục giảm lãi suất từ giờ đến cuối năm từ 1 đến 2%, cũng như việc đẩy mạnh đầu tư công thì tăng trưởng quý 2 có thể đạt 5.2- 5.5% và quý 3 có thể đạt từ 5.7 đến 5.8%, trong khi đó quý 4 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất ở mức 6-6.2%, ở kịch bản này thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Trong khi kịch bản xấu hơn, khi tỷ giá đảo chiều tăng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm lãi suất, sức cầu trong nước tiếp tục yếu đi và nền kinh tế toàn cầu diễn biến xấu hơn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể nằm ở mức thấp kỷ lục là 4 đến 4.5%.
Còn kịch bản khả quan nhất mà kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra thì các yếu tố cả trong và ngoài nước phải thật sự rất tích cực. Chẳng hạn như Fed sẽ giảm lãi suất, kèm theo đó là các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô thế giới về sự phục hồi toàn cầu. Tình hình trong nước cũng ghi nhận việc phục hồi nhanh theo hình chữ V khi các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trở lại, thị trường bất động sản được khơi thông nguồn vốn, thì kinh tế vào cuối năm nay có thể đạt ở mức từ 6.3 đến 6.6%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận