menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Thảo

3 cạm bẫy chết tiền khi mua cổ phiếu và 5 bài học đắt giá cho F0

Chứng khoán không phải cuộc chơi “dễ ăn” dành cho người thiếu kiến thức.

F0 tập tành chơi chứng khoán, đa số bắt đầu là tay mơ nên việc bị “dập” bởi thị trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là sau những lần bị sóng nhấn chìm, họ đã vượt qua và thu về những bài học đầu tư nào.

Hãy cùng gặp Phương Mai (SN 1999, nhân viên văn phòng trong lĩnh vực E-commerce) để lắng nghe trải nghiệm của cô. Năm 21 tuổi, Phương Mai đem tiền đi tất tay vào thị trường chứng khóa, tài khoản sinh lời gấp đôi nhưng mất trắng chỉ sau 2 tháng. Trải nghiệm thua lỗ đầu đời đã tặng cho cô những bài học gì?

Cú sốc đầu đời khó quên trên thị trường xanh đỏ

Cuối năm 2020, Phương Mai bắt đầu tiến vào thị trường chứng khoán với số vốn nhỏ. Dù chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, song nhờ nắm bắt xu hướng thị trường và áp dụng chiến lược phù hợp (tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, từ công ty có nền tảng tài chính mạnh và triển vọng tốt,...), cô nàng sớm có những lợi nhuận cho riêng mình. Càng kiếm được nhiều lợi nhuận, “máu đầu tư” của Phương Mai càng tăng cao.

“Bấy giờ, do thị trường liên tục tăng điểm, mình dần bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý ‘nhân đôi tài sản’ và ‘thắng lớn’, dẫn đến việc gia tăng số vốn đầu tư mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Đỉnh điểm là cuối năm 2021, kể cả sau khi đã liên tục đổ tiền vào trung bình vốn, mình vẫn ghi nhận mức lợi nhuận lãi 129%, tức khoảng hơn 2 lần tài khoản lúc đó chỉ trong thời gian ngắn”, Phương Mai nhớ lại.

Tuy nhiên, khoản sinh lời trong thời gian ngắn chỉ là mở đầu cho chuỗi ngày cô nàng vấp ngã “đau điếng” trên thị trường xanh đỏ. Sang năm 2022, thị trường chứng khoán thay đổi hoàn toàn, bắt đầu lao dốc không phanh. Thời điểm đó, Phương Mai cũng giống như nhiều nhà đầu tư F0 non trẻ khác, vẫn còn trong trạng thái hứng phấn từ những thắng lợi trên thị trường. Kết cục là cô nàng bị “sóng nhấn chìm” trước khi kịp thoát khỏi cơn downtrend của thị trường. Khoản lãi nhân đôi tài khoản mà Phương Mai có được, cũng nhanh chóng mất đi chỉ sau 2 tháng.

Cô nàng tâm sự: “Lợi nhuận đến quá sớm khiến mình buông lỏng cảnh giác, rơi vào những sai lầm cơ bản như bao nhà đầu tư F0 khác. Thứ nhất, ảo tưởng về mức lợi nhuận. Mình cho rằng kiếm tiền từ đầu tư khá dễ dàng, dẫn đến việc ‘tham lam’ muốn kiếm lời nhiều hơn. Thứ hai, buông lỏng cảnh giác. Mình lờ đi những cảnh báo sớm của thị trường, không tuân thủ nguyên tắc và kỷ luật đầu tư đặt ra. Cuối cùng, thiếu quản lý rủi ro cho danh mục đầu tư. Tức là mình không có biện pháp kịp thời để giảm thiểu rủi ro ngay khi thị trường biến động mạnh.

Và khi mình tỉnh ngộ thì mọi chuyện đã muộn. Chỉ trong giai đoạn tháng 4-6/2022, mình đã mất hết mức lợi nhuận trước đó tích lũy được và thậm chí còn thua lỗ một phần vốn đầu tư”.

Đứng dậy sau cơn sóng chìm: Khi có kiến thức, không có gì đáng sợ

Phương Mai đã mất một thời gian mới dần ổn định sau lần thua lỗ vào giai đoạn cuối năm 2022. Sau lần đó Phương Mai cẩn thận và nghiêm túc hơn trong mỗi lần tiến hành đầu tư, đồng thời thu về cho mình nhiều bài học.

Phương Mai chia sẻ kinh nghiệm với các nhà đầu tư F0: “Hiện tại, mình vẫn tiếp tục tham gia thị trường chứng khoán, nhưng với chiến lược chắc chắn và cẩn trọng hơn rất nhiều:

Thứ nhất, trên khía cạnh quản lý tài chính:

- Trở nên thận trọng và tỉnh táo hơn: Mình dành thời gian nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư, thay vì dựa vào cảm tính hay xu hướng đám đông.

- Quản lý rủi ro: Mình áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro (phân bổ tài sản và đặt mức cắt lỗ hợp lý,…) để giảm thiểu tổn thất khi thị trường biến động.

- Tiết kiệm và chi tiêu hợp lý: Nguyên tắc này đảm bảo an toàn tài chính và có nguồn vốn dự phòng cho đầu tư.

Thứ hai, về đầu tư chứng khoán:

- Chuyển dần sang đầu tư dài hạn: Thay vì đầu cơ ngắn hạn toàn bộ danh mục, mình phân bổ vốn sang tập trung vào đầu tư dài hạn với mục tiêu tạo dựng lợi nhuận bền vững. Tất nhiên, mình vẫn để dành 1 khoản nhỏ để thỏa mãn đam mê ‘lướt sóng’ (cười).

- Lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng: Mình đánh giá tiềm năng phát triển, tình hình tài chính và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trước khi đầu tư.

- Kỷ luật đầu tư: Không mua bán theo cảm xúc hay hoảng loạn khi thị trường biến động. Điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bạn phải kiểm soát được cảm xúc cá nhân để không phá vỡ nguyên tắc và kỷ luật.

- Nâng cao kiến thức: Tiếp tục trau dồi kiến thức về thị trường chứng khoán, phương pháp đầu tư và phân tích doanh nghiệp để đưa ra quyết định sáng suốt.

Ngoài ra, mình còn tuân theo những nguyên tắc khác sau:

- Hạn chế đầu tư bằng tiền vay mượn: May mắn là kể cả ở thời điểm trước mình cũng không sử dụng margin (đòn bẩy tài chính) để đầu tư. Đến giờ mình vẫn giữ quan điểm: Chỉ đầu tư bằng số vốn nhàn rỗi, không ảnh hưởng đến nguồn tài chính dành để duy trì chất lượng cuộc sống của mình.

- Lắng nghe ý kiến chuyên gia: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính uy tín trên TV, báo đài, MXH thường xuyên để có thêm nhiều góc nhìn khách quan.

- Giữ vững tâm lý: Rèn luyện tâm lý vững vàng, không để cảm xúc chi phối quyết định đầu tư”.

3 tiêu chí “say bye” mã cổ phiếu, 5 bài học đầu tư dành cho F0

Hiện, phần lớn khoản đầu tư của Phương Mai đều là dài hạn. Bên cạnh đó, cô nàng sẽ loại bỏ ngay việc đầu tư cổ phiếu, nếu thấy chúng có những đặc điểm sau.

- Tính thanh khoản thấp: Khi đó cổ phiếu khó giao dịch, dễ bị thao túng, phản ánh sự thiếu quan tâm của nhà đầu tư và ít tiềm năng sinh lời.

- Cổ phiếu có lịch sử bong bóng giá: Điều này thể hiện sự bất ổn giá cao, tiềm ẩn rủi ro sụt giảm giá trị nhanh chóng khi thị trường điều chỉnh.

- Cổ phiếu có mức giá quá cao so với giá trị trường: Chúng phản ánh sự đầu cơ, bong bóng thị trường, tiềm ẩn rủi ro cao khi giá trị điều chỉnh về mức hợp lý.

Kiếm tiền không hề dễ dàng và kiếm tiền nhanh từ các khoản đầu tư lại càng không đơn giản. Và dưới đây là 5 bài học trên thương trường chứng khoán mà Phương Mai có được, tích góp từ những trải nghiệm và tâm lý trong quá khứ của cô nàng khi còn là 1 nhà đầu tư non trẻ.

1/ Lựa chọn môi giới uy tín và tận tâm.

2/ Chủ động trong việc học hỏi và đưa ra quyết định đầu tư.

Bạn nên tránh giao phó hoàn toàn quyền quyết định đầu tư cho người khác, mà hãy dành thời gian học hỏi kiến thức, tự phân tích thị trường và đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.

“Ví dụ rất nhiều nhà đầu tư mới có tư tưởng gia nhập thị trường để kiếm tiền nhanh chóng mà không chủ động học hỏi. Thay vào đó, họ lại luôn tìm kiếm để tham gia các nhóm, tin theo lời hô hào mua bán của những người xa lạ. Hầu hết các quyết định đầu tư từ những nhóm này đều mang lại tổn thất và bạn đâu biết mục đích đằng sau những lời hô hào này không đơn giản”, Phương Mai nói.

3/ Xác định phương pháp đầu tư phù hợp.

Hãy dành thời gian tìm phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro.

“Ví dụ nếu bạn là một nhà đầu tư ưa thích đầu cơ ngắn hạn, thời gian nắm giữ cổ phiếu trung bình từ 2-3 tháng. Bạn sẽ cần sử dụng chủ yếu phương pháp phân tích kỹ thuật để đánh giá tiềm năng và đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu.

Ưu điểm của chúng là giúp bạn có thể tận dụng những biến động ngắn hạn của thị trường để kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Phương pháp này cũng phù hợp với nhà đầu tư có ít thời gian theo dõi thị trường. Tuy nhiên, đầu cơ ngắn hạn cũng đi kèm với rủi ro cao do biến động thị trường khó lường. Do đó, bạn vẫn cần sàng lọc cổ phiếu và tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro để hạn chế thiệt hại.”

4/ Chỉ đầu tư với số vốn nhàn rỗi.

5/ Quản lý cảm xúc và tránh ảo tưởng khi đầu tư.

“Cảm xúc cá nhân có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định đầu tư của bạn, đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu. Nỗi sợ hãi, tham lam và hưng phấn có thể khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm. Luôn nhớ rằng, khi cảm xúc của bạn thăng hoa nhất - là lúc rủi ro cận kề", Phương Mai nói.

Theo Nguyệt - Design: Ngọc Hải/Nhịp sống thị trường
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả