29% vốn Nhà nước tại 1,8 ha đất vàng được Handico 'hô biến' bằng cách nào?
Việc Handico không định giá quyền tham gia góp vốn 29% tổng mức đầu tư dự án tại khu đất C3, B9 Nam Trung Yên đã khiến phần vốn Nhà nước bị biến mất bất thường.
Theo quy hoạch, lô đất C3, B9 Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội có diện tích 1,8ha vốn là đất công cộng, được dùng để xây dựng các công trình công ích cho TP Hà Nội.
Hai ô đất này được TP Hà Nội thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA và vốn ngân sách.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nộ (Handico) là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của TP Hà Nội, được Hà Nội chỉ định giao đất để xây dựng công trình công cộng như bãi đỗ xe, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị.
Đổi lại Handico được tham gia quản lý sử dụng đất và thụ hưởng hạ tầng (quyền tài sản) với 100% quyền tham gia góp vốn ban đầu vào dự án.
Năm 2007, Handico xin thành lập liên danh để cùng với Công ty CP Đầu tư Thùy Dương thực hiện dự án (liên danh Handico – Thùy Dương).
Năm 2008, Handico ký văn bản ủy quyền cho Công ty Thùy Dương thực hiện toàn bộ công việc chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, đến năm 2011, Hà Nội mới có quyết định giao 1,8 ha đất cho liên danh Handico – Thùy Dương thuê 50 năm để thực hiện dự án.
Như vậy, Handico uỷ quyền cho Công ty Thuỳ Dương mà chưa được sự chấp thuận của TP Hà Nội.
Sau khi có văn bản ủy quyền của Handico và quyết định giao đất của UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Luân – Tổng giám đốc Công ty Thùy Dương đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI) chuyển nhượng 40% quyền góp vốn vào dự án, thu về số tiền 128 tỷ đồng (tương đương với giá bán 35 triệu đồng/m2).
Năm 2014, sau khi xin được chủ trương điều chỉnh mục đích sử dụng đất, bổ sung nhiều hạng mục nhà ở, thương mại dịch vụ có lợi cho hoạt động kinh doanh, Handico có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin rút khỏi liên danh với lý do tập trung cho các hạng mục đầu tư khác để nhượng quyền đầu tư dự án này cho Công ty Thùy Dương.
Thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời đồng ý cho Handico rút ra khỏi liên danh và chuyển quyền tham gia góp vốn. Nhưng, yêu cầu Handico phải làm thủ tục định giá và đấu giá 29% quyền tham gia góp vốn này theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng, Handico đã “phớt lờ” yêu cầu này của UBND TP Hà Nội.
Thêm vào đó, các đơn vị tham mưu đã có tờ trình đề nghị TP Hà Nội cho Handico rút khỏi liên danh để Công ty Thùy Dương làm chủ đầu tư dự án mà không yêu cầu Handico phải thực hiện đấu giá 29% quyền tham gia góp vốn vào dự án. Lý do là Handico chưa đóng góp một đồng nào vào dự án. Việc làm này đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ngày 7/8/2015, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (thời điểm đó) đã ký văn bản chấp thuận cho Handico rút ra khỏi liên danh. Đồng thời, cũng trong ngày hôm đó, ông Tuấn đã ký 3 quyết định giao Công ty Thùy Dương làm chủ đầu tư các dự án này.
Điều đáng nói, vào năm 2012, ông Nguyễn Ngọc Tuấn khi đó giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Handico cũng chính là người phê duyệt chủ trương và đề nghị TP Hà Nội cho Handico rút khỏi liên danh.
Nghĩa là, trong câu chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn vừa là người đưa ra đề nghị vừa là người phê duyệt chính đề nghị của mình.
Việc Handico không định giá quyền tham gia góp vốn 29% tổng mức đầu tư dự án tại khu đất vàng đang đặt ra câu hỏi, liệu có hay không việc doanh nghiệp và cơ quan chức năng “bắt tay” để hô biến 29% vốn Nhà nước tại dự án này?
Liên quan đến khu đất C3, B9 Nam Trung Yên, trong báo cáo mới đây của UBND thành phố Hà Nội gửi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Thành phố cho rằng, việc Handico xin rút khỏi liên danh và bàn giao toàn bộ dự án và quyền sử dụng đất cho Công ty Thùy Dương thực hiện dự án bản chất là việc chuyển quyền tài sản được giao quản lý, khai thác, sử dụng sang tay một doanh nghiệp tư nhận, chưa thu được khoản tiền nào về cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Luân – Tổng giám đốc Công ty Thùy Dương về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án đang chờ tòa xét xử.
Đồng thời, ba ngành tư pháp Thành phố đã họp và thống nhất “giao cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội tác ra riêng hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thành một vụ án khác để xử lý”.
Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đề nghị thu hồi dự án để đấu giá theo đúng quy định của luật đất đai và phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận