menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thố Tử Ngọc

28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính

Tập trung và thận trọng là hai từ khóa thể hiện nhu cầu mua sắm hàng hóa ngày Tết. Chúng còn phản ánh rõ tâm lý tiêu dùng, như đã thấy trong dịp Black Friday.

Người mua nắm quyền

Theo TS Hoàng Ái Phương - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Digital Marketing (khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam), tập trung và thận trọng là hai từ khóa thể hiện nhu cầu mua sắm hàng hóa ngày Tết. Hơn nữa, các từ khóa này còn phản ánh rõ tâm lý tiêu dùng, như trong dịp Black Friday vừa qua.

Bà Phương giải thích, tập trung có nghĩa là người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là những sản phẩm mang lại lợi ích sức khỏe và bền vững. Hàng hóa xa xỉ và không thiết yếu có thể sẽ ít được quan tâm hơn.

“Để tác động đến quyết định mua hàng, thay vì chỉ tập trung vào giảm giá hay quảng bá thương hiệu, các nhà bán lẻ nên dự đoán định hướng thị trường chú trọng vào giá trị, chất lượng và tính khả dụng của sản phẩm” - bà Phương nói.

28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính ảnh 1

Tập trung và thận trọng là hai từ khóa thể hiện nhu cầu mua sắm hàng hóa ngày Tết.

Với từ khoá thận trọng, bà Phương cho biết, thách thức kinh tế hiện tại là nguyên nhân đằng sau sự lưỡng lự của người tiêu dùng trong các sự kiện giảm giá sâu như Black Friday, dẫn đến thói quen chi tiêu thận trọng hơn. Hướng thay đổi này còn chuyển biến rõ nét bởi sự thay đổi giá trị của người tiêu dùng. Họ sẽ tránh mua sắm bốc đồng hoặc không cần thiết.

“Cũng cần lưu ý rằng, trong những năm gần đây, sức mạnh đã dịch chuyển từ người bán sang người mua. Khách hàng sẽ mua những sản phẩm mà họ cần (theo nhu cầu thực tế), lúc họ muốn (không nhất thiết là dịp lễ Tết) và theo cách họ thích (trực tiếp hay trực tuyến). Họ đều là những người tiêu dùng sáng suốt. Vì vậy, càng thấu hiểu người tiêu dùng, doanh số sẽ càng tăng”, bà Phương khẳng định.

Để khích lệ người tiêu dùng mua sắm trong dịp Tết sắp tới, theo bà Phương, các nhà bán lẻ cần nhấn mạnh vào giá trị và chất lượng của sản phẩm, phù hợp với sự chuyển hướng của người tiêu dùng, tiến tới mua sắm các sản phẩm thiết yếu và có ý nghĩa.

Đồng thời, các nhà bán lẻ cần phát triển các chương trình khuyến mãi nhắm đến nhu cầu và sở thích cụ thể của người tiêu dùng. Chẳng hạn như việc kết hợp các gói khuyến mãi với những mặt hàng thiết yếu hoặc sản phẩm tập trung vào sức khỏe.

Các nhà bán lẻ cũng cần nắm bắt sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với thương mại điện tử, từ đó cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến, lấy giao diện thân thiện với người dùng và dịch vụ hiệu quả làm trọng tâm. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cần bổ sung các sản phẩm bền vững và chú trọng đến sức khỏe trong danh mục hàng hóa để thu hút phân khúc người tiêu dùng có xu hướng quan tâm môi trường và sức khỏe.

“Cần có sự thúc đẩy gắn kết cộng đồng và chương trình khách hàng thân thiết thông qua các sự kiện địa phương, chương trình khuyến mãi để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Duy trì minh bạch trong tiếp thị và giá cả để tạo dựng niềm tin và uy tín với người tiêu dùng”, bà Phương nói.

Phân khúc thấp hơn

Tại hội thảo về những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm vừa tổ chức mới đây, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam - cho biết, theo khảo sát của Kantar, hiện có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Điều này khiến gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Thay vào đó, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…

28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính ảnh 2

Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn.

Dự báo về mua sắm dịp cuối năm nay, đầu năm 2024, bà Nga lưu ý, cao điểm mua sắm sẽ rơi vào khoảng 5 tuần trước Tết (từ 7/1/2024 - 10/2/2024). Người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh…

Đại diện Kantar cũng nhận định, dù người tiêu dùng đang lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong những tháng tới và cho dịp Tết 2024 nhưng dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu chưa thực sự rõ rệt.

“Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm sẽ mang lại nhiều giá trị hơn, thay vì chỉ trung thành với một lựa chọn nhất định. Những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ như sàn thương mại điện tử, hoặc có tính tiện lợi cao như siêu thị nhỏ được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong dịp Tết 2024” - bà Nga nói.

Theo Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết. Tuy nhiên, trên thị trường sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả