menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Trang

21 năm hiếm có của người vừa rời vị trí CEO SHB

Hiếm có bởi những kỷ lục cho đến nay, nhưng đó là một hành trình mà phần lớn thời gian phải đối diện và vượt qua nhiều gian nan, thử thách…

Ngày 4/8/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố thông tin chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của ông Nguyễn Văn Lê, vì lý do sức khỏe. Ở vị trí điều hành, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đánh dấu lời tạm biệt của một nhân vật hiếm có.

Trong lịch sử hệ thống, ông Nguyễn Văn Lê đang giữ kỷ lục là CEO trẻ nhất, đảm nhận vị trí đứng đầu ban điều hành một ngân hàng khi chỉ mới 26 tuổi. Đây cũng là CEO ngân hàng kỳ cựu nhất khi xét đến quá trình 21 năm liền làm tổng giám đốc và chỉ gắn bó với một ngân hàng duy nhất.

Song, với ông Lê, đó là một hành trình phần lớn gắn với những gian nan và thử thách. Và đến thời điểm này, khi lịch sử SHB bắt đầu sang trang mới, nhẹ bước hơn để có đà bứt phá, điều thay đổi đã đến…

Kinh qua nhiều làn sóng lịch sử

Trùng hợp ngẫu nhiên, cũng vào đầu tháng 8 của 9 năm về trước, SHB hoàn tất thủ tục tiếp quản Habubank, triển khai đề án sáp nhập. Suốt từ đó đến nay là một quá trình thực sự khó khăn đối với SHB.

Nhưng trước hết đây là một ngân hàng thương mại (NHTM) khác biệt.

Tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái (thành lập năm 1993), SHB nằm trong làn sóng chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên NHTM đô thị vào năm 2006. Đảm nhận vị trí Tổng giám đốc từ năm 1999, ông Nguyễn Văn Lê trải qua gạch nối lịch sử này.

Chỉ hai năm sau chuyển đổi, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xẩy ra. Nối tiếp là quãng bất ổn của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt. Nhiều thành viên trong làn sóng chuyển đổi trên lần lượt thất bại. SHB thì khác.

Năm 2008, trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhà băng có điểm xuất phát từ Cần Thơ chuyển trụ sở chính ra Hà Nội. Chiến lược “mở mang bờ cõi” nhanh chóng được thực hiện với các ngân hàng con thiết lập tại Campuchia và Lào, ngay trong bối cảnh đầy thử thách của hệ thống.

Không ngoại trừ bất cứ NHTM nào, SHB cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc và tiêu cực bởi “cuộc khủng hoảng” lạm phát, thanh khoản và lãi suất, nợ xấu nóng bỏng ngay giữa các NHTM giai đoạn đó. Không bị đẩy vào tình thế bên bờ vực đổ vỡ thanh khoản như một số thành viên khác, song SHB và cá nhân ông Nguyễn Văn Lê ở vị trí điều hành cao nhất cũng đối diện với trạng thái căng thẳng và đầy rủi ro, khi là chủ nợ của nhiều NHTM khác đang cực kỳ bấp bênh.

Rủi ro giai đoạn đó dồn đẩy đến hệ quả. Loạt NHTM yếu kém được xác định và công cuộc tái cơ cấu hệ thống đặt ra. Không những vượt qua cuộc thử lửa này, SHB trở thành đầu mối đầu tiên đứng ra nhận sáp nhập một ngân hàng yếu kém - Habubank.

Mười năm gian nan…

Ngày 7/8/2012, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận “kế hoạch giải cứu” của SHB đối với Habubank. Khi đó, trả lời báo chí, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB nói rằng, việc sáp nhập sẽ đưa ngân hàng lên một tầm cao mới.

SHB lập tức trở thành một NHTM tư nhân lớn với quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng; vốn điều lệ vượt trên 9.000 tỷ đồng khi mà nhiều thành viên khác đang chật vật với mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng; cùng sức mạnh mạng lưới và nhân sự vươn lên trong khối “G12” của hệ thống.

Tựu trung, qua sáp nhập Habubank, ông Hiển khi đó đánh giá là SHB đã rút ngắn được một bước phát triển cần tới ít nhất 5 năm xuống chỉ sau 3 tháng (từ lập kế hoạch sáp nhập đến khi được thực hiện).

Song, hành trình thực sự gian nan với SHB bắt đầu từ đó…

Một hình ảnh điển hình, ngay sau sáp nhập, người thân quen từng thấy Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê xách theo bên mình cỡ 5kg tài liệu chỉ với một vụ việc, hàng đêm thức trắng để tra soát và xử lý.

Hay chỉ với một bộ bàn ghế thanh lý tài sản bảo đảm mà chằng chịt giấy niêm phong của nhiều NHTM mà không phân định nổi… trong bài toán xử lý nợ tại Bianfishco.

Hay ngay như lúc này, sau cả chục năm, SHB vẫn đang phải đặt quyết tâm xử lý nợ Vinashin gọn được năm nay, áp lực mà trước đây từng phải tính toán kéo dài đến tận năm 2024…

Phía sau một tầm cao mới qua sáp nhập, SHB nhận về những di sản nặng nề như vậy từ Habubank - một ngân hàng lẽ ra cũng sẽ là “0 đồng” nếu không được giải cứu.

Mức độ nặng nề có thể dẫn chiếu ở quy mô nợ xấu sau sáp nhập đột biến tới 8,7%; giá cổ phiếu nhiều năm ròng chìm dưới phân nửa mệnh giá; và đặc biệt như một tảng đá níu chân các kế hoạch tăng trưởng hàng năm, bởi nhà điều hành áp cơ chế xét duyệt khắt khe các chỉ tiêu với trọng số về tình hình hoặc các vấn đề tài chính.

Đó có lẽ cũng là gánh nặng dường như đè lên tâm thế cá nhân những người điều hành SHB giai đoạn vừa qua, trong đó ông Nguyễn Văn Lê chịu trách nhiệm cao nhất, khi nhìn sang sự bứt tốc, thậm chí có thể nói là thăng hoa ở một số NHTM khác.

Song, vượt qua chục năm gian nan, từng bước xử lý các tồn tại sau sáp nhập, SHB bắt đầu khởi sắc. Ở kỳ báo cáo tài chính gần nhất, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận 6 tháng đầu 2021 tăng trưởng tới 86,5% so với cùng kỳ năm trước, cùng với nguồn lực sẵn sàng cho mục tiêu xử lý gọn nợ xấu...

“Nhân có tốt, quả mới ngọt”

Cũng như nhiều lãnh đạo các NHTM Việt Nam, khó khăn thử thách qua các giai đoạn phát triển ngành, thực tiễn trong hoạt động kinh doanh hun đúc kinh nghiệm, nâng tầm và khẳng định năng lực quản lý điều hành của họ.

Như tại SHB, từ một ngân hàng nông thôn nhỏ chuyển đổi, qua sáp nhập Habubank để nâng tầm năng lực quản lý điều hành đó với quy mô hơn 100 nghìn tỷ đồng tổng tài sản, thì nay đã là cấp độ hơn 458 nghìn tỷ đồng. Một CEO xuyên suốt 21 năm qua các cấp độ như vậy cũng là hiếm có.

Trong một lần chia sẻ với CBNV, ông Nguyễn Văn Lê nói rằng: “Với SHB, có sức người là có tất cả, máy móc dù hiện đại mấy cũng không thể thay thế hoàn toàn con người. Vì thế mà Ban lãnh đạo SHB luôn quan tâm sâu sắc đến việc phát triển năng lực cũng như nâng cao đời sống cho CBNV. Bởi nhân có tốt thì quả mới ngọt!”.

Sau 23 năm cống hiến, đến nay người đang giữ kỷ lục CEO trẻ nhất ngành ngân hàng Việt Nam, kỳ cựu nhất với 21 năm liền ở vị trí này tại một NHTM đã cùng tạo nên mùa quả ngọt ở SHB, với kết quả kinh doanh bứt phá những kỳ gần đây, cũng như đặt nền và tạo đà cho giai đoạn tới.

Tiếp tục đồng hành ở vai trò thành viên HĐQT SHB, nhưng khi rời công việc điều hành, hẳn ông Nguyễn Văn Lê sẽ có nhiều thời gian hơn cho công tác đào tạo tại một số trường đại học, cũng như hoạt động thiện nguyện mà ông lặng lẽ làm hàng chục năm qua, và được bên cạnh người thân vào những ngày đặc biệt mà khi làm CEO ông từng những lần không thể dù chỉ cách nhà dăm phút chạy xe…

“Trong suốt hành trình phát triển của SHB, đặc biệt trong thời gian là người đứng đầu điều hành, tôi đã cùng với HĐQT, Ban điều hành và toàn thể CBNV qua các thế hệ đã chứng kiến và vượt qua bao khó khăn thử thách của ngành Ngân hàng nói chung và của SHB nói riêng. Vì vậy “3 chữ SHB” mãi mãi đã gắn bó với cuộc đời sự nghiệp của tôi, bản thân tôi luôn xem SHB là Ngôi nhà thứ 2 của mình và những con người đã và đang làm việc tại SHB như những Thành viên trong Gia đình của chính mình”, ông Nguyễn Văn Lê viết trong thư chia tay cán bộ SHB cùng ngày 4/8 vừa qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả