15/3 có mở ra thời cơ vàng cho du lịch Việt Nam?
Thiếu nhân lực và cơ sở vật chất xuống cấp do bị ảnh hưởng nặng nề sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động là những yếu tố cản trở ngành du lịch phục hồi.
Khó khăn chồng chất
Việc Chính phủ đồng ý mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ 15/3 đang mở ra những tia hy vọng mới cho ngành du lịch sau hai năm gần như tê liệt vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, nhiều ý kiến kỳ vọng đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch Việt Nam bứt phá.
Mặc dù cũng kỳ vọng rất lớn khi mở cửa nhưng ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group vẫn tỏ ra thận trọng trước cơ hội phục hồi ngay lập tức của ngành du lịch.
Theo ông Hà, Việt Nam đã chậm trong việc mở cửa trở lại du lịch với quốc tế nhưng mở ra chưa chắc đã đón ngay được khách vì cần có thời gian để quảng bá đến khách quốc tế.
Vị doanh nhân này chỉ ra một thực tế là việc quảng bá của du lịch Việt trên thị trường du lịch quốc tế từ trước đến nay vẫn yếu và chưa có nhiều cải thiện nên định vị thương hiệu du lịch chưa rõ ràng.
Chính vì thế, sẽ mất nhiều thời gian hơn để khách quốc tế biết đến việc mở cửa của Việt Nam cũng như có thể sắp xếp lộ trình du lịch. Nếu mở cửa từ tháng 3, ông Hà dự báo ít nhất phải đến tháng 5 - 6 mới có thể đón nhiều khách nước ngoài khi khách du lịch từ châu Âu, Australia có thói quen đi du lịch vào mùa này.
Bên cạnh đó, ông Hà cũng khuyến cáo việc mở cửa phải nhất quán từ Trung ương đến địa phương, nếu mở cửa xong mà đóng lại khi dịch bùng phát thì doanh nghiệp du lịch sẽ kiệt quệ thêm.
"Chính vì vậy, việc mở cửa du lịch từ 15/3 có thực sự trở thành thời cơ vàng hay không còn tuỳ thộc vào cam kết của Chính phủ, chính quyền địa phương, sự kết nối, tập trung vào từng thị trường cụ thể để đạt hiệu quả", ông Hà bày tỏ.
Đó là chưa kể đến hàng loạt những khó khăn rất lớn của ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp khi mở cửa. Bốn khó khăn lớn nhất theo ông Hà là cơ chế chính sách cho việc mở cửa, nguồn nhân lực sau Covid-19 khó tuyển dụng, sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu; và chưa có một định vị thương hiệu trong mắt du khách và hoạt động xúc tiến du lịch chưa hiệu quả.
Trong đó, đáng chú ý là việc ngành du lịch đang thiếu nhân lực trầm trọng. Nhiều công ty lữ hành, khách sạn đều đang trong trạng thái hoạt động cầm chừng vì chưa nhìn thấy cơ hội phát triển rõ ràng.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam lại trấn an rằng, không nên quá lo lắng trước sự đứt gãy và thiếu nhân lực cho ngành du lịch.
Theo ông Bình, sự phục hồi của ngành du lịch diễn ra từ từ chứ không phải bùng nổ ngay trong một lúc. Khi du lịch dần dần hồi phục, các địa phương và doanh nghiệp sẽ dần dần phát triển được nhân sự, khởi động bộ máy.
Mặc dù vậy, ông Hà nhìn nhận, trong bối cảnh các doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, việc tuyển tuyển dụng nhân sự "cực khó".
Nêu lên một thực tế ở Bình Định, tại Tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" tổ chức tại khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn ngày 18/2, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh dẫn chứng, ngành du lịch Bình Định đã mở cửa từ tháng 11 năm ngoái, song đã trải qua nhiều thời điểm rất khó khăn, thiếu nhân lực phục vụ du lịch. Nguyên nhân là do sau hai năm dịch Covid-19, người làm du lịch đã chuyển nghề, không dễ để tuyển dụng trở lại.
Không chỉ thiếu hụt lao động, trong suốt hai năm đình trệ, nhiều khu du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú có hiện tượng cơ sở vật chất có sự xuống cấp do thời gian đóng cửa kéo dài, thiếu quản lý, bảo trì.
Trong khi đó, tâm lý các doanh nghiệp hiện nay đều khá e dè do không chắc tương lai của ngành trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mạnh tay và sẵn sàng chuẩn bị cho sự trở lại.
Ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngành du lịch đã có sự khởi đầu ấn tượng với 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết, trong đó có 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng sau suốt thời gian dài ảm đạm. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn.
Đây là những vấn đề lớn cần tính toán trong bối cảnh mở cửa, bình thường mới, không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ tốt nhất.
Phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi
Để mở cửa du lịch thực sự hiệu quả, mang lại cơ hội phục hồi cho ngành và các doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch cho rằng, ngành du lịch cần sự nỗ lực rất lớn từ các cấp chính quyền địa phương đến các doanh nghiệp, làm sao để sẵn sàng có chất lượng sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Thanh đề nghị các cơ sở lưu trú nên chủ động rà soát lại cơ sở vật chất. Những người quản lý phải chủ động xem xét, thích ứng tùy theo tín hiệu thị trường, tùy theo sự mở cửa dần để sửa chữa, nâng cấp.
Cơ quan nhà nước nên phối hợp với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình chuẩn đảm bảo chất lượng du lịch.
Ông Thanh cũng đề xuất các cơ quan quản lý có sự hỗ trợ, xem xét, giám sát tiêu chuẩn của từng cơ sở lưu trú, giúp doanh nghiệp có điều chỉnh kịp thời, sao cho du khách vào hưởng thụ, cảm nhận được sự phục hồi như trước khi có dịch và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đề xuất giải pháp mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm. Sau hai năm chống dịch, cơ sở vật chất tổn thương nặng, nhiều trung tâm bỏ hoang, gây ra lãng phí, cần nâng cấp lại.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là yếu tố được ông Khánh đánh giá là rất quan trọng. Hơn 2,5 triệu lao động ngành du lịch bị phân tán nặng nề trong dịch, vì giãn cách xã hội mà phải chuyển ngành. Nhu cầu du khách trở lại lớn nhưng đang thiếu nhân lực phục vụ. "Đây là phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi", ông Khánh nói.
Để giải bài toán nhân sự, các doanh nghiệp có những giải pháp ứng phó riêng. Đơn cử, hệ thống quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC chuẩn bị nhân lực từ trong giai đoạn giãn cách. Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, trong năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến tuyển dụng 2.000 - 4.000 nhân sự, 15% là cán bộ cấp cao, chuyên gia nước ngoài cho hãng Bamboo Airways. Đơn vị cũng có trung tâm đào tạo phi công và tiếp viên đi vào hoạt động trong tháng 5 - 6.
"Những nỗ lực này nhằm đón đầu lượt khách quốc tế đến hãng hàng không. FLC cũng đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân viên mũi 2, mũi 3 nên rất tự tin đón khách quốc tế", ông Hùng nói.
Ở khía cạnh khác, hướng tới sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam khi mở cửa trở lại, ông Phạm Hà cho rằng, Việt Nam cần định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia, nhắm tới chất hơn lượng và bền vững khi mở cửa du lịch quốc tế.
Sau dịch, du khách có nhu cầu tìm về những điểm đến mới, xanh hơn, thuận tiện, nhiều trải nghiệm, giầu cảm xúc cho thân, tâm và tuệ hơn. Do đó, Việt Nam phải đặt khách hàng làm trung tâm, thoả mãn mọi điểm chạm để khách đi rồi muốn quay lại thay vì một đi không trở lại. Muốn vậy khách đến Việt Nam phải dễ dàng hơn, đến rồi được tiêu nhiểu tiền hơn, vui hơn.
Du lịch cần định hướng bền vững và có trách nhiệm dựa trên sáu trụ cột: Gìn giữ tài nguyên môi trường, trách nhiệm văn hoá xã hội, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm trả lương ổn định cho người dân địa phương, khách hàng thoả mãn và doanh nghiệp có lợi nhuận.
Theo ông Hà, du lịch Việt Nam hậu Covid-19 cần nhắm tới khách cao cấp, quan tâm tới di sản văn hoá, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn như khách Châu Âu, Úc, Mỹ.
"Việt Nam nên tập trung vào chất hơn lượng. Trong bối cảnh hiện tại, muốn thu hút nhiều khách hay khách đại trà như trước kia cũng chưa có nhân lực làm ngay và luôn", ông Hà nói.
Trong ngắn hạn muốn chiến lược mở cửa thành công ông Hà cho rằng, Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững và đúng mùa du lịch của khách vào mùa hè như khách châu Âu: Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp hay Úc. Cùng với đó là các thị trường châu Á, có thể phục hồi nhanh và thường có nhu cầu du lịch gần.
"Hà hơi tiếp sức 5% doanh nghiệp cầm cự được trong suốt 2 năm qua, chứng tỏ họ có sức nội sinh và phục hồi được. Cái doanh nghiệp du lịch cần lúc này là vốn, nhân lực và chính sách thuận lợi.
Giờ là lúc mở tung cơ chế kìm hãm ngành du lịch phát triển thành nghành kinh tế. Những doanh nghiệp này cùng với các hãng hàng không, du thuyền, khách sạn cùng xúc tiến tại một thị trường mục tiêu, theo ngôn ngữ trường thị trường thì sẽ ra kết quả nhanh và có chất lượng", ông Hà chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận