10 loại cổ phiếu không thể không biết khi đầu tư chứng khoán
Đây là những cổ phiếu cơ bản, ai cũng cần phải hiểu trước khi đầu tư
1. Cổ phiếu thưởng
Cổ phiếu thưởng là một khái niệm bạn sẽ thường xuyên gặp phải trong quá trình đầu tư và có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bạn.
Thực chất, cổ phiếu thưởng là hình thức chia tách cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Ví dụ: Bạn đang có 1 cổ phiếu và nó được xé ra làm 2 cổ phiếu và bạn trở thành có 2 cổ phiếu nhưng giá của nó cũng bị điều chỉnh bằng 1/2 trước đó để đảm bảo quy luật giá trị không đổi.
Giá cổ phiếu sau khi chia tách nhỏ đi thường mang lại cảm giác ‘ rẻ ‘ hơn và vì vậy trong nhiều trường hợp trở thành động lực tăng điểm và có khi tăng trở lại mức giá trước khi chia tách.
Do vậy có cảm giác như nhà đầu tư được không đoạn tăng điểm đó và nó được ví như được thưởng nên gọi là cổ phiếu thưởng.
2. Cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu do công ty phát hành mua ngược lại từ thị trường chứng khoán. Việc công ty mua ngược lại cổ phiếu từ thị trường mở sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành (outstanding share) của công ty này. Cổ phiếu quỹ có một số đặc điểm sau:
– Cổ phiếu quỹ không được trả cổ tức
– Cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết
– Tổng số cổ phiếu quỹ không được phép vượt quá tỷ lệ vốn hóa mà pháp luật quy định
Khi công ty quyết định mua cổ phiếu quỹ, thông tin này sẽ được công bố và thị trường thường có phản ứng tích cực với thông tin này. Tất nhiên tích cực đến mức nào còn phụ thuộc vào khối lượng đăng ký mua vào.
3. Cổ phiếu ESOP
ESOP là viết tắt của Employee Stock Ownership Plan là một chương trình phát hành hay bán ưu đãi cổ phiếu của công ty cho người lao động (số lượng có giới hạn) với giá rẻ hơn so với giá thị trường cùng với các điều kiện về hạn chế giao dịch và có lựa chọn với các cá nhân cụ thể.
ESOP được dùng như một cách để giữ chân người tài của các doanh nghiệp và dần trở thành một xu thế rất phổ biến tại các doanh nghiệp
ESOP cũng là một công cụ giúp các nhà quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp lách được các khoản thuế thu nhập khổng lồ.
4. Cổ phiếu OTC
OTC là viết tắt của Over-the-Couter, là những cổ phiếu đã phát hành như chưa niêm yết trên các trung tâm giao dịch chứng khoán.
Và vì chưa niêm yết nên giá cổ phiếu OTC không có biên độ, nó hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người mua và người bán. Vào những thời điểm thị trường nóng, cổ phiếu OTC có thể tăng gấp 2, gấp 3 chỉ sau 1 đêm.
Cũng cần chú ý thêm, do không bị ràng buộc bởi các quy định về công bố thông tin,kiểm toán… nên thông tin về các cổ phiếu OTC thường cũng không minh bạch và do đó có thể bị lợi dụng để trục lợi.
5. Cổ phiếu tăng trưởng
Cổ phiếu tăng trưởng là một cụm từ sẽ luôn được nhắc đến khá nhiều trên báo chí, trên các diễn đàn cũng như trong các câu chuyện liên quan tới chứng khoán của các bên tư vấn và môi giới chứng khoán.
Khi nói đến cổ phiếu tăng trưởng, hầu hết đều hàm ý rằng công ty đó đang làm ăn tốt lên và điều đó thể hiện qua những chỉ tiêu như doanh thu, lợi nhuận và cả tỷ lệ cổ tức.
Cổ phiếu tăng trưởng thể hiện qua các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận
Hầu hết nhà đầu tư đều luôn muốn sở hữu những cổ phiếu đang tăng trưởng, bởi tăng trưởng là một trong những động lực để giá cổ phiếu đi lên.
6. Cổ phiếu Bluechip
Tên “Blue Chip” đến từ trò Poker (bài xì phé). Trong trò chơi này, các thẻ màu xanh (Blue chip) có giá trị cao nhất trong số toàn bộ các thẻ dùng để chơi.
Một công ty “Blue Chip” là một công ty nổi tiếng và được nhận biết trên toàn quốc gia. Chúng thường là những công ty lớn nhất và là trụ cột của mỗi nền kinh tế. Những biến động của cổ phiếu “Blue Chip” có thể tác động lớn tới tình hình chung của toàn thị trường trong mỗi phiên giao dịch.
Các công ty “Blue Chip” cũng có xu hướng ổn định hơn trong hoạt động của mình, họ có được thu nhập ổn định và tình hình tài chính khả quan.
7. Cổ phiếu Penny/ cổ phiếu ruồi
Trái ngược với cổ phiếu Bluechip, cổ phiếu Penny là cách gọi của những cổ phiếu có thị giá thấp, thường là dưới mệnh giá hay giá chỉ tương đương với 1 đồng xu.
Thường thì giá cổ phiếu không phản ánh được xu thế tăng giảm của cổ phiếu đó, tuy nhiên mức giá của cổ phiếu nói lên được trạng thái của doanh nghiệp đang như thế nào.
Một doanh nghiệp tốt không thể có giá dưới mệnh giá, thị trường có thể định giá sai trong 1 giai đoạn ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì giá thị trường nói lên tất cả.
8. Cổ phiếu phòng thủ
Đã có tấn công, đầu cơ thì chắc chắn phải có cả phòng thủ. Phòng thủ là khả năng tự vệ trước những biến động xấu của thị trường chung. Những cổ phiếu có khả năng tự vệ này được gọi là cổ phiếu phòng thủ.
Những cổ phiếu thuộc các ngành như ngành dược, ngành hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp…thường được coi là những cổ phiếu phòng thủ.
Lý do là những ngành này cung cấp những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và kết quả kinh doanh thường khá ổn định, ít biến động do vậy ít gây ra những biến động giá.
9. Cổ phiếu Mạnh/ cổ phiếu hot
Cổ phiếu Mạnh hay cổ phiếu hot sẽ là một cụm từ được nhắc đến nhiều khi bạn nghe tư vấn hoặc được chia sẻ ý kiến về cổ phiếu nào đó.
Mạnh ở đây là một trạng thái, không phải tên gọi của cổ phiếu.
Nhà đầu tư luôn muốn sở hữu cổ phiếu Mạnh, bởi chỉ có cổ phiếu Mạnh mới có thể vượt qua được sóng gió thị trường và vươn lên những đỉnh cao mới.
Cổ phiếu Mạnh cũng là phương pháp đầu tư mà tôi tạo lập lựa chọn sau gần 10 năm tham gia thị trường. Muốn tìm hiểu kỹ hơn về Phương pháp đầu tư chứng khoán Cổ phiếu Mạnh bạn có thể tìm hiểu tại đây.
10. Cổ phiếu đầu cơ
Bạn có thể đã biết đến thế nào đầu cơ trước khi chơi cổ phiếu. Trong thị trường chứng khoán hiện tượng đầu cơ cũng diễn ra như cơm bữa.
Những cổ phiếu thường được dùng để đầu cơ, tạo ra biến động giá mạnh trong một khoảng thời gian ngắn được gọi là những cổ phiếu đầu cơ.
Điểm thú vị của cổ phiếu đầu cơ là nó đánh vào lòng tham của nhà đầu tư, do vậy nó thường cuốn theo khá nhiều nhà đầu tư vào đây thi đấu nên cổ phiếu đầu cơ thường có khối lượng giao dịch khá cao.
Đầu cơ chứng khoán cũng không phải là việc đơn giản, nó đòi hỏi có sự ứng biến nhanh và dứt khoát vì sau mỗi con sóng đầu cơ, một số không nhỏ các nhà đầu tư đã chia tay thị trường trong trạng thái cháy tài khoản
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận