10 bài học cần thiết phải học về tiền bạc và cuộc sống
Một khi bạn đạt được sự độc lập về tài chính, các lựa chọn của bạn sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bạn không cần phải làm việc trong một căn phòng tồi tàn. Bạn không cần phải bấm đồng hồ thời gian. Bạn không cần phải phục vụ những khách hàng khó chịu. Bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Bạn sẽ điều hành cuộc sống của chính mình.
Dưới đây là danh sách tóm tắt 10 nguyên tắc cơ bản về tiền bạc và cuộc sống. Danh sách này có thể giúp bạn tiến gần hơn đến độc lập về tài chính.
1. RÕ RÀNG TRONG VIỆC THIẾT LẬP MỤC TIÊU TÀI CHÍNH
Hãy chỉ cho tôi cách bạn tiêu tiền và tôi sẽ biết bạn coi trọng điều gì.
Đừng nói với tôi rằng bạn “không đủ khả năng” để tiết kiệm tiền hoặc đầu tư nếu bạn đồng thời bạn vẫn mua sắm quần áo hay tiệc tùng cùng bạn bè...
Không có gì sai khi bạn mua sắm quần áo hay đổi các thiết bị công nghệ theo trend nhưng cũng đừng khẳng định hay than vãn rằng các mục tiêu lớn về tài chính nằm ngoài tầm với của bạn. Đừng thốt ra cụm từ tự đánh bại bản thân “Tôi không đủ khả năng”.
Thay vào đó, hãy tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để tôi có đủ khả năng chi trả cho mọi thứ khác trong cuộc sống của mình? Làm cách nào để mua iPad mới? Mua xe mới? Làm thế nào để tăng tài khoản tiết kiệm hay có thêm vốn cho các nguồn đầu tư mới?”
Hãy bắt đầu hành trình quản lý tài chính thông minh hơn, hiệu quả hơn. Đừng đẩy bản thân vào những áp lực tài chính không đáng có, bất ngờ và đầy khó khăn khi mà hàng ngày bạn vẫn giữ thói quen chi tiêu theo cảm hứng hay thích gì mua đấy để thỏa mãn sở thích cá nhân.
2. TÌM KIẾM CÂU TRẢ LỜI, KHÔNG PHẢI CHƯỚNG NGẠI VẬT
Thay vì nói "Tôi không thể", hãy bắt đầu diễn đạt nó bằng câu hỏi "Làm sao tôi có thể?" “Làm thế nào để tôi đạt được mục tiêu A, B hay C?”
Ví dụ:
Thay vì: “Tôi không thể tiết kiệm thêm một xu nào nữa”
Hãy thử: “Làm cách nào tôi có thể tiết kiệm 1 triệu từ chi tiêu của tháng này?”
Thay vì: “Tôi không thể tìm thấy bất kỳ hình thức đầu tư nào an toàn và hiệu quả”
Hãy thử: “Làm thế nào tôi có thể tìm hiểu về các kênh đầu tư mới, ít rủi ro?” “Làm thế nào để học về đầu tư từ các chương trình miễn phí”; “Làm thế nào để bắt đầu đầu tư chứng khoán cho người mới?”....
Hãy bắt đầu bằng việc tìm kiếm động lực, lý do, cách thức để đạt được mục tiêu thay vì tìm kiếm những khó khăn cản bước bạn bước tiếp.
3. TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC MỌI THỨ NHƯNG NÓ MUA ĐƯỢC LỰA CHỌN
Chúng ta sống trong một xã hội mà những quan niệm như: “Tiền không phải là tất cả”, “Tiền không quan trọng” hoặc “Tôi muốn hạnh phúc hơn là giàu có”... đang tồn tại hàng ngày.
Những quan niệm về tiền bạc này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một sự ám thị lâu dài và rất khó thay đổi. Tại sao hầu hết mọi người làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày, chỉ để khẳng định là "tiền không quan trọng?" Rõ ràng là nó có vấn đề và đó là lý do tại sao hầu hết mọi người thức dậy hàng ngày với báo thức.
Mục đích cao nhất và tốt nhất của tiền là để tối đa hóa sự lựa chọn và sự tự do của bạn.
Bạn muốn đổi công việc? Đi du lịch dài ngày với gia đình? Chọn trường tốt nhất cho con bạn?... Bạn sẽ cần tiền.
Tôi không nói rằng bạn cần phải có hàng triệu đô la. Nhưng bạn sẽ cần một số tiền đủ để chi trả cho bạn và gia đình mà không cần phải đắn đo hay suy nghĩ quá nhiều. Tiền mang lại cho bạn sự lựa chọn giữa những thứ trung bình và những thứ tốt nhất.
Tiền (với số lượng vừa đủ với bạn) cho phép bạn tự do nghỉ việc, nếu bạn muốn. Khi bạn có đủ các khoản đầu tư, bạn sẽ quyết định chính xác cách bạn chi tiêu mỗi ngày. Bạn có thể chọn tiếp tục làm việc nếu đó là mong muốn của bạn. Hoặc bạn có thể chọn nghỉ hưu sớm. Quyết định của bạn hoàn toàn nằm trong tay bạn.
4. ĐIỀU TỐT NHẤT MÀ TIỀN MUA ĐƯỢC LÀ THỜI GIAN
Thời gian là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Mọi người có 168 giờ mỗi tuần và chúng ta không thể thay đổi điều này. Mặt khác, tiền thì không có giới hạn. Nếu nó mất đi, chúng ta có thể kiếm lại được.
Đừng lãng phí ngày thứ Bảy của bạn khi phải ghé thăm các cửa hàng để nhận ưu đãi mua 1 tặng 1. Dành thời gian đó để tham dự một khóa học online miễn phí nâng cao khả năng, hay tìm kiếm các phương pháp kiếm tiền thông minh hơn. Đừng lãng phí thời gian cho những giờ làm tăng ca nếu dự án của bạn không trong giai đoạn nước rút. Thay vào đó hãy dành một giờ đá bóng/trò chuyện với con cái mình.
Hãy chuẩn bị cho chiến lược mua lại thời gian chất lượng của bạn cho người thân, gia đình, bạn bè hãy những thứ giúp bạn phát triển tốt hơn!
5. TỪNG BƯỚC GIA TĂNG THU NHẬP CỦA BẠN
Nhà đầu tư Robert Kiyosaki cho rằng có 3 nhóm thu nhập chính, gồm: Thu nhập chủ động, thu nhập từ đầu tư và thu nhập thụ động. Trong đó:
- Thu nhập chủ động là khoản tiền có được nhờ làm việc.
Hầu hết chúng ta bắt đầu làm quen với tiền qua nguồn này. Trong một nền kinh tế vững chắc, nếu làm tốt việc của mình, thì bạn có thể yên tâm sống bằng tiền lương mỗi tháng. Đôi khi, tiền lương tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển của bạn trong nghề và đem đến cuộc sống sung túc.
Tuy nhiên, nhóm tiền công cũng có nhược điểm. Đó là rủi ro khi kinh tế biến động, công ty gặp khó khăn và bạn phải nghỉ việc. Ngoài ra, không ít người chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt với lương tháng, khó có khoản dư để tiết kiệm cho những mục tiêu lớn hơn.
- Tiền lời đầu tư
Nguồn thu nhập từ các danh mục đầu tư còn được gọi là lãi vốn. Bạn có được nó dựa vào sự chênh lệch giá khi mua, bán một tài sản nào đó.
Bạn mua bán cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng... Giả sử, bạn mua cổ phiếu của công ty A với thị giá 53.000 đồng. Sau đó, giá cổ phiếu này tăng lên 90.000 đồng. Nếu bán đi lúc đó, bạn có một khoản lợi nhuận 37.000 đồng.
Có nhiều sản phẩm đầu tư trên thị trường, phù hợp với khả năng tài chính mỗi người. Nhưng, để tránh mất tiền oan, bạn cần có kiến thức và chiến lược cụ thể. Bởi các khoản đầu tư đều có rủi ro và mất thời gian sinh lời.
- Thu nhập thụ động là tiền tạo ra từ nguồn lực sẵn có, không tốn nhiều công sức lao động.
Một hình thức thường thấy là bạn cho thuê bất động sản và nhận tiền hàng tháng, hoặc bạn có kinh doanh riêng đã đi vào ổn định.
Lợi thế lớn nhất của thu nhập thụ động, theo Kiyosaki, là dòng tiền đều đặn gửi về tài khoản dù bạn có làm việc hay không. Và không giống với thu nhập nhờ đầu tư, bạn vẫn sở hữu tài sản gốc.
Dù vậy, người muốn làm giàu từ thu nhập này phải có đủ kiên nhẫn và rèn luyện trí thông minh tài chính. Trước khi hưởng thu nhập, nhiều trường hợp bạn đã phải tích lũy khối tài sản lớn trong thời gian rất dài.
6. SỐNG/CHI TIÊU DƯỚI MỨC THU NHẬP
Công thức hoàn hảo nhất cho việc bắt đầu tiết kiệm là hãy sống/chi tiêu dưới mức thu nhập. Vì chỉ khi mức chi tiêu của bạn < mức thu nhập = bạn mới có khoản dư.
Việc này không quá khó nếu bạn suy nghĩ theo hướng bắt đầu tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất như: ăn uống hợp lý, tối ưu hóa chi phí hóa đơn hàng tháng, giảm chi phí từ các hoạt động giải trí, tụ tập bạn bè hay hướng đến lối sống tối giản...
Chìa khóa cho việc tiến đến tự do tài chính là hãy bắt đầu với định nghĩa: KIẾM NHIỀU HƠN VÀ CHI TIÊU ÍT HƠN. Đơn giản vậy thôi!
7. BẮT ĐẦU THỬ THÁCH MỘT PHẦN TRĂM
Sẽ ra sao nếu mỗi tháng bạn tăng tiền tiết kiệm của mình lên 1%?
Sau 1 năm tỷ lệ này tăng 12% và số tiền tiết kiệm của bạn cũng sẽ tăng lên đáng kể. Bạn hiểu ý tôi rồi chứ?
Nếu bắt đầu thử thách này, hãy xem bạn phải mất bao lâu:
Sau 1 năm, bạn tiết kiệm được 12%.
Sau 2 năm, bạn tiết kiệm được 24%.
Sau 4 năm hai tháng, bạn đang tiết kiệm được 50% - ngay cả khi bạn đang bắt đầu từ con số 0 hôm nay. Nếu tăng lương hoặc thu nhập phụ của bạn lên thì tiến trình này sẽ tạo ra con số khổng lồ.
Bạn có thể sửa đổi thách thức này thành kiếm thêm một phần trăm mỗi tháng. Nếu bạn kiếm được 10 triệu đồng mỗi tháng, bạn có thể kiếm thêm 100 nghìn đồng trong tháng này không? Bạn có thể vừa kiếm được vừa tiết kiệm thêm 100 nghìn đồng không? Hoàn toàn khả thi đúng không nào!
8. TÍNH TOÁN SỐ TIỀN TIẾT KIỆM HÀNG THÁNG CÀNG SỚM CÀNG TỐT
Giả sử, bạn và một đồng nghiệp cùng có mục tiêu nghỉ hưu khi 50 tuổi. Với mức lương ngang nhau, nếu bạn tích lũy từ năm 24 tuổi và họ bắt đầu năm 35 tuổi, thì số tiền người đồng nghiệp cần góp mỗi tháng phải nhiều hơn so với bạn. Lý do là họ bắt đầu trễ, cần "tăng tốc độ" để theo kịp.
Trong thực tế, mỗi người có mục tiêu, thời điểm bắt đầu và thói quen chi tiêu khác nhau. Thế nhưng, hãy nhớ rằng thời gian bạn dành dụm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ tiết kiệm.
Bằng cách bắt đầu sớm, bạn có thêm thời gian và "nhẹ gánh" hàng tháng. Ngoài ra, khi đã tập được thói quen tiết kiệm, bạn sẽ quản lý nhu cầu tốt hơn, từ đó giảm chi và giữ ngân sách luôn ổn định.
9. NGHỈ HƯU SỚM (TẠI SAO KHÔNG?)
Mô hình làm việc rồi nghỉ hưu truyền thông đôi khi khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi và những người về hưu thường cảm thấy buồn chán.
Trào lưu FIRE (độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm) đang là một xu hướng mà nhiều người trên thế giới đang thực hiện. Hiểu một cách đơn giản, FIRE là một trào lưu sống hướng tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn về tài chính. Mục tiêu này được thực hiện bằng cách tiết kiệm và đầu từ 50-70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được (tiền mặt hoặc tiền trong quỹ đầu tư) bằng khoảng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm. Khi đó, bạn đạt tới mức độc lập tài chính. Nếu hàng năm bạn rút ra khoảng 4% số tiền đầu tư để sống, khối tài sản của bạn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo. Nói cách khác, bạn không cần thiết phải đi làm để có thu nhập nữa. FIRE vì thế tạo cơ hội nghỉ hưu sớm (ở độ tuổi 30, 40).
Tôi hiểu rằng 99,99% chúng ta sẽ không đạt được mức độ giàu có như Bill Gate, Mark Zuckerberg hay Warren Buffett và điều đó chẳng sao cả. Bạn chỉ cần một số tiền đủ với khái niệm “tự do tài chính” của bạn để tạo ra sự tự do để sống một cuộc sống theo đam mê.
Xây dựng các khoản đầu tư đủ để dòng tiền có thể trang trải các hóa đơn của bạn. Đó là mục tiêu cuối cùng và đủ để thoát khỏi chu kỳ giao dịch lấy thời gian kiếm tiền. Nhưng cũng hiểu rằng đây là một dự án hơn một thập kỷ và bạn sẽ cần phải nghỉ hưu trong một số thời gian ngắn.
10. BẮT ĐẦU
Bài học cuối cùng của tôi: BẮT ĐẦU
Chọn một hành động, dù nhỏ, mà bạn có thể làm ngay hôm nay. Những chiến thắng vĩ đại là kết quả của lợi nhuận biên tích lũy theo thời gian. Vì vậy, hãy bắt đầu ngay bây giờ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận