Ứng dụng Deepfake 2024: Tiềm năng bứt phá - tiềm ẩn rủi ro
Theo thống kê của Deeptrace, 96% video sử dụng Deepfake có nội dung tiêu cực. Bản thân từ “fake” căn bản cũng tạo ấn tượng không tốt cho người dùng. Thực hư ra sao, và doanh nghiệp có thể tận dụng được gì từ công nghệ này?
Thời gian qua, nhiều quan điểm cho rằng Deepfake đang hoành hành mùa bầu cử sắp tới. Ngày 14-2, một video giả mạo của cựu Tổng thống Indonesia Suharto, người đã qua đời từ năm 2008, lan truyền thông điệp ủng hộ một đảng chính trị trên nhiều mạng xã hội như TikTok, Facebook và Youtube, thu hút hàng triệu lượt xem. Việc sử dụng Deepfake để tạo ra các video giả mạo như vậy khiến nhiều người lo ngại về khả năng thao túng và ảnh hưởng đến quyết định của cử tri.
Vài thập kỉ trước, Photoshop xuất hiện làm dấy lên sự hoài nghi vào độ chân thực của hình ảnh trên Internet. Từ khi có AI, việc tạo ra hình ảnh giả càng hết sức phức tạp. Một trong những công nghệ chỉnh sửa vẻ ngoài đầy thuyết phục hiện nay gọi tên Deepfake.
Deepfake được giới thiệu lần đầu trên Reddit vào năm 2017. Theo đó, Deepfake là sự kết hợp giữa “deep learning” và “fake”. Ban đầu, Deepfake xuất phát từ công nghệ thị giác máy tính, nhưng lại nổi lên từ cộng đồng chỉnh sửa ảnh nghiệp dư. Công nghệ này sẽ quét video/ảnh chân dung của một người, sử dụng để AI thu thập và “học” nhiều dữ liệu mẫu, từ đó gán khuôn mặt của người này sang người khác.
Ảnh được tạo ra nhờ công nghệ Deepfake. Nguồn: miki_minash
Lúc đầu, cộng đồng này sử dụng Deepfake để tạo ra video giả và chia sẻ chúng đơn thuần để giải trí. Sau đó, Deepfake được lan truyền mạnh mẽ như một thú vui công nghệ mới. Hàng loạt nội dung Deepfake hài hước “gây bão” như video giả Tom Cruise hướng dẫn chơi golf, soi gương, khoe giày… với hơn 40 triệu lượt xem trên tài khoản Tiktok Deeptomcruise hồi tháng 3/2021.
“Thăng hoa” đổi mới sáng tạo ứng dụng Deepfake
Việc ứng dụng deepfake trong quảng cáo tiếp thị mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra quảng cáo cá nhân hóa và gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng.Năm 2013, nam diễn viên Paul Walker của loạt phim đình đám “Fast and Furious” qua đời đột ngột. Đoàn phim đã mời em trai anh, Cody Walker đóng thế. Với những nét tương đồng trên khuôn mặt, họ dễ dàng làm cho Cody trông giống hệt anh trai mình trong các cảnh cuối cùng của Furious 7. Đây là hình thức sơ khai nhất của Deepfake.
Bộ phim đã làm hàng triệu fan toàn cầu ngỡ ngàng vì độ chân thực
Từ sau bộ phim “Fast and Furious”, nhiều nhà sáng tạo nội dung phát hiện Deepfake có thể đem lại một giải pháp đổi mới sáng tạo tiết kiệm hơn bằng cách tạo ra nội dung quảng cáo mà không cần phải tốn kém vào thuê diễn viên. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể mua giấy phép sử dụng hình ảnh của diễn viên, sau đó sử dụng công nghệ Deepfake để tạo video quảng cáo. Do vậy, Deepfake cực kỳ hữu ích cho các nhà tiếp thị có ngân sách eo hẹp nhưng vẫn tăng cường hiệu quả cho chiến lược của doanh nghiệp.
Ứng dụng Deepfake, startup Hour One ở Mỹ thu mua hình ảnh gương mặt của nhiều người để tạo ra các nhân vật ảo. Hour One làm việc với hơn 40 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Một trong số đó là Berlitz - trường ngoại ngữ chuyên quay video dạy học của giáo viên. Ngoài nội dung đổi mới, những video này chỉ dàn cảnh một kiểu lặp đi lặp lại nên Berlitz quyết định nhờ đến Deepfake để tăng số lượng video mà lại tiết kiệm nguồn lực. Dù chính sách vẫn còn mơ hồ, đây được xem là một bước tiến lịch sử của Deepfake.
Deepfake cũng hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong việc cá nhân hóa các nội dung và chiến dịch tiếp thị. Thông qua công nghệ này, các thương hiệu có khả năng điều chỉnh một cách linh hoạt để phản ánh đúng trải nghiệm, ngôn ngữ và đặc điểm của từng nhóm khách hàng mục tiêu trên toàn cầu. Điều này khắc phục những hạn chế về việc tìm kiếm đại sứ hoặc người mẫu phù hợp.
Tháng 1 vừa qua, công ty khởi nghiệp ElevenLabs đã sử dụng trí tuệ nhân tạo Deepfake để phát triển giọng nói với nhiều ngôn ngữ và âm điệu khác nhau. Điều này đã giúp họ định giá lên tới 1,1 tỷ đô la Mỹ trong vòng gọi vốn mới nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng biến ElevenLabs trở thành một trong những "kỳ lân" khởi nghiệp chỉ trong vòng hai năm kể từ khi thành lập.
ElevenLabs chia sẻ rằng nền tảng khách hàng của họ đang ngày càng phát triển, bao gồm cả những người sáng tạo nội dung cá nhân và các doanh nghiệp lớn như Storytel (cung cấp dịch vụ sách nói), Paradox Interactive (công ty phát hành game) và The Washington Post (một trong những tờ báo nổi tiếng của Mỹ).
Ngoài ra, Deepfake còn mang lại cơ hội cho các thương hiệu triển khai các hoạt động nâng cao trải nghiệm mua sắm của người dùng. Trước đây, Gucci từng “bắt tay” với startup Niantic và The North Face cá nhân hóa trải nghiệm người chơi trong trò PokemonGo. Điều này giúp tạo ra trải nghiệm mua sắm tương tác hấp dẫn hơn, từ đó tăng cường sự kết nối giữa thương hiệu Gucci và người tiêu dùng.
Ứng dụng Deepfake giúp tạo ra trải nghiệm mua sắm tương tác hấp dẫn hơn
Doanh nghiệp ứng dụng Deepfake cần chuẩn bị gì?
Áp dụng Deepfake trong doanh nghiệp không chỉ mang lại những cơ hội kể trên mà còn đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn cần được xem xét cẩn thận. Theo báo cáo của công ty xác minh dữ liệu Sumsub, số lượng Deepfake trên toàn thế giới đã tăng gấp 10 lần từ năm 2022 đến năm 2023, với sự gia tăng đáng kể nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lên đến 1530%.
Doanh nghiệp sử dụng Deepfake không minh bạch có thể đánh mất lòng tin từ phía khách hàng. Ngoài ra, việc lạm dụng dữ liệu cá nhân để tạo ra Deepfake có thể đặt ra nguy cơ bảo mật thông tin và vi phạm các quy định về dữ liệu. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng cần đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ và quảng cáo khi sử dụng công nghệ này.
Đầu tiên, để Deepfake phát huy tiềm năng tối đa, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm cách hoạt động, ứng dụng, lợi ích và cả rủi ro liên quan.
Tiếp theo, việc vạch ra mục tiêu và giới hạn nhu cầu sử dụng deepfake là quan trọng để kiểm soát các bước tiếp theo như tiếp thị, đào tạo nhân viên, hoặc cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Quan trọng hơn hết, doanh nghiệp cần có nguồn lực và kỹ năng cần thiết để triển khai Deepfake. Các chuyên gia hiểu biết về pháp lý và đạo đức đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn doanh nghiệp triển khai các giải pháp Deepfake một cách an toàn và đáng tin cậy. Ngoài ra, việc doanh nghiệp hợp tác với các startup công nghệ cũng là một cầu nối để đưa Deepfake tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Các startup này thường linh hoạt và sáng tạo, có khả năng nhanh chóng phát triển và triển khai các giải pháp mới. Hơn nữa, việc hợp tác với các startup còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng cường sự đa dạng trong quá trình phát triển sản phẩm. Những giải pháp từ Startup không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng Deepfake một cách hiệu quả mà còn đảm bảo tính an toàn và đạo đức.
Tóm lại, nếu tận dụng đúng cách, thì Deepfake với chức năng cắt ghép ảnh một cách tự động và chính xác kia thực sự sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và thị trường.
Đọc thêm về các xu hướng công nghệ trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023. Báo cáo cung cấp cơ sở dữ liệu chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, tổng hợp các tiềm năng và thách thức đối với các doanh nghiệp và tập đoàn thông qua việc phân tích chi tiết về các xu hướng đổi mới sáng tạo và công nghệ trên toàn cầu, cũng như tình hình cụ thể tại Việt Nam. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất một số phương pháp và hướng dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.