24HMoney
Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư thiệt lớn nếu nhắm mắt bán tháo
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đang trải qua nhiều biến động lớn nhưng các nhân tố nội tại nhìn chung vẫn rất vững chắc. Nhà đầu tư cần tỉnh táo nhìn nhận, tránh ồ ạt bán tháo theo tâm lý đám đông để không nhận phần thiệt về mình.
Trong những tháng gần đây, thị trường TPDN Việt Nam phải đối mặt với nhiều biến cố lớn. Các nhà đầu tư cá nhân với quy mô nhỏ dễ chịu tác động của tâm lý đám đông đã bán tháo các trái phiếu riêng lẻ cũng như chứng chỉ quỹ trái phiếu.
Các doanh nghiệp vừa phải giảm huy động vốn qua kênh trái phiếu, vừa phải dành ra số tiền lớn để đáo hạn, thậm chí mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng của năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là gần 330.000 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo FiinRatings, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng qua lên tới 143.440 tỷ đồng, tăng 42% so với 10 tháng 2021 và tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn. Doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng là hai lĩnh vực có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất.
Những hiện tượng này xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo lắng của các nhà đầu tư sau khi xảy ra một số vụ án kinh tế liên quan đến trái phiếu như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Nhà đầu tư bán cả trái phiếu của những doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không vướng vào lao lý.
Bất kỳ sản phẩm đầu tư nào liên quan đến từ khóa “trái phiếu” đều bị nhà đầu tư rao bán để nhanh chóng thu tiền về và bảo toàn nguồn vốn. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm tăng nhanh đã trở thành kênh hút tiền cạnh tranh trực tiếp với kênh trái phiếu cũng như cổ phiếu.
Thực tế cho thấy nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng đang có nhiều nhân tố tích cực mà nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định.
Kinh tế vĩ mô khả quan
Kinh tế Mỹ có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong nửa đầu năm nay, kinh tế châu Âu chịu ảnh hưởng lớn của xung đột Nga – Ukraine.
Trong khi đó, GDP Việt Nam đã ghi nhận 4 quý đi lên liên tiếp. Quý III vừa qua, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP cao nhất châu Á ở mức 13,67%, vượt qua thành tích 13,5% của Ấn Độ.
Tính chung 3 quý đầu năm, GDP của nước ta tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư thiệt lớn nếu nhắm mắt bán tháo
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, bất chấp việc các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ hay Eurozone ghi nhận giá cả tăng mạnh nhất 4 thập kỷ.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý III/2022 chỉ tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI cao hơn 2,73% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát ở châu Âu đã vượt 10%.
Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư thiệt lớn nếu nhắm mắt bán tháo
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam, Investing. 
ợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng
Quý III vừa qua, tuy gặp phải nhiều khó khăn khi lãi suất và tỷ giá biến động khó lường nhưng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn báo cáo kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI tính đến ngày 8/11, đã có 1.078 công ty ở HOSE, HNX và UPCOM công bố báo cáo tài chính quý III. Tổng doanh thu của hơn 1.000 doanh nghiệp này là gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế đạt 111.409 tỷ đồng, tăng gần 17% so với quý III/2021. Cả ba sàn có 881 doanh nghiệp báo lãi, trong đó có 624 công ty có lợi nhuận tăng trưởng.
Những con số trên cho thấy doanh nghiệp Việt đang sản xuất kinh doanh ổn định trong thời kỳ nền kinh tế mở cửa sau đại dịch COVID-19.
Cẩn trọng với tin đồn
Sau khi cơ quan công an khởi tố một số vụ án kinh tế lớn, trên các diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tin đồn tiêu cực liên quan tới các doanh nghiệp và doanh nhân có tiếng.
Có thể kể ra một số ví dụ điển hình như việc Facebooker Đặng Như Quỳnh tung tin thất thiệt vè lãnh đạo Tập đoàn Gelex, một doanh nghiệp tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu.
Sau đó, ông Đặng Như Quỳnh đã bị cơ quan công an bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Phiên tòa ngày 27/10 đã tuyên phạt Đặng Như Quỳnh 2 năm tù với tội danh nói trên.
Cũng cách đây không lâu, tỷ phú ở một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam - doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu – cũng dính tin đồn bị cấm xuất cảnh. Đại diện Bộ Công an đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận thông tin này, đồng thời cho biết hoạt động của tập đoàn này rất bình thường: "Đây là một trong những doanh nghiệp đóng thuế rất lớn, với 127.000 tỉ đồng thuế thời gian qua”.
Chính phủ rất quan tâm tới việc không để tin giả gây ảnh hưởng tới hoạt động của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ngày 15/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết: “Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục làm mạnh, xử lý tin thất thiệt, tin sai sự thật làm ảnh hưởng nền kinh tế, thị trường chứng khoán, các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật”.
Đề xuất các giải pháp
Giữa diễn biến của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây, ngày 23/11, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp bàn, thu thập các ý kiến để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường TPDN.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã lắng nghe ý kiến của nhiều thành viên thị trường như Công ty Chứng khoán VNDirect, Tập đoàn Trung Nam, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), …
Theo ông Lê Quốc Bình – Tổng Giám đốc CII, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà là bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để đưa sản phẩm ra thị trường sớm, bán được với giá rẻ và thu hồi vốn, trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn. Doanh nghiệp phải luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng, đặc biệt các ngân hàng thương mại cần cho vay khoàn thiện dự án, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho các dự án có tiềm năng tốt không bị đứt gãy dòng tiền.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, chỉ ra 4 giải pháp trong đó có việc sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai. 
Về nguồn tiền để thành lập quỹ này, TS. Nghĩa kiến nghị NHNN dùng 300.000 tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn.
Theo TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng phải phân loại từng nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong đó, doanh nghiệp nào tự xử lý được dự án để cân đối được dòng tiền trả nợ trái phiếu thì doanh nghiệp tự lo.
Với nhóm gặp vướng mắc trong chuyển nhượng dự án hoặc vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện dự án thì Chính phủ cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này chuyển nhượng dự án, hoặc chính sách pháp lý để các doanh nghiệp này hoàn thiện dự án và tạo dòng tiền.
Mới đây nhất vào ngày 24/11, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.
Nhà đầu tư bán tháo trái phiếu là tự làm khó mình
Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng nghìn tỷ đồng đã bị các nhà đầu tư rút khỏi các quỹ trái phiếu TCBF, SSIBF, MBBond và DCBF. Xu hướng này đang gây áp lực rất lớn cho các công ty quản lý quỹ trái phiếu do thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
Nhà đầu tư còn bán lại trái phiếu cho chính doanh nghiệp phát hành, buộc doanh nghiệp phải mua lại trước khi đáo hạn. Giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm nay lên tới 143.440 tỷ đồng, tăng 42% so với 10 tháng 2021.
Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư thiệt lớn nếu nhắm mắt bán tháo
Việc nhà đầu tư ồ ạt đòi doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn cũng tương đương với việc khách hàng đồng loạt kéo đến ngân hàng đòi rút tiền.
Một ngân hàng dù khỏe mạnh đến đâu, làm ăn tốt đến đâu, cơ cấu vốn an toàn đến đâu cũng không thể có đủ tiền mặt để trả cho tất cả khách hàng cùng một lúc. Tương tự như vậy, doanh nghiệp vay vốn trung-dài hạn trên thị trường trái phiếu là để đầu tư vào các dự án trung-dài hạn. Nếu tất cả trái chủ cùng đến đòi trả nợ trước hạn sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Bản thân nhà đầu tư bán tháo trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải chịu thiệt thòi vì giá giảm. Một thông báo của quỹ TCBF ngày 16/11 cho biết, một trái phiếu chất lượng của tập đoàn hàng tiêu dùng mà quỹ nắm giữ gần đây được giao dịch với giá 88.888 đồng/trái phiếu, thấp hơn 14% so với giá trị thật là 103.288 đồng/trái phiếu.
Nhiều trái phiếu trong danh mục của TCBF có tình trạng tương tự dẫn đến tổng giá trị danh mục NAV ngày 15/11 là 10.964 tỷ đồng, thấp hơn giá trị thật là 12.134 tỷ đồng.
Báo cáo tháng 9 của TCBF cho thấy danh mục của quỹ này bao gồm các trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, các ngân hàng lớn. Ban điều hành quỹ TCBF khuyến cáo các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ chứng chỉ quỹ trái phiếu trong thời gian này và không nên bán lại chứng chỉ quỹ để tránh thiệt hại không đáng có.