Những mô hình mới giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ từ thực phẩm
Bạn có biết rằng khoảng 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu bị lãng phí mỗi năm? Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế khổng lồ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội! Bài viết này sẽ đưa bạn vào hành trình khám phá từ thực trạng lãng phí thực phẩm đáng kinh ngạc cho đến những giải pháp sáng tạo xanh đang nổi lên khắp nơi. Liệu công nghệ và các mô hình kinh doanh mới có trở thành chìa khóa giúp chúng ta biến rác thải thành nguồn tài nguyên quý giá? Hãy cùng BambuUP tìm hiểu trong bài viết sau!
1. Thực Trạng Lãng Phí Thực Phẩm và Tác Động Đến Môi Trường
Lãng phí thực phẩm đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn toàn thế giới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2022, khoảng 13% sản lượng thực phẩm toàn cầu đã bị thất thoát sau thu hoạch và trước khi đến tay nhà bán lẻ, gây thiệt hại lên tới 400 tỷ USD. Đến các khâu bán lẻ, dịch vụ ăn uống và trong hộ gia đình, 19% tổng lượng thực phẩm - tương đương 1,05 tỷ tấn, tiếp tục bị lãng phí. Như vậy, tổng lượng thực phẩm tổn thất chiếm gần 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu, ước tính đủ để nuôi sống 1,26 tỷ người thiếu đói mỗi năm.
Lượng thực phẩm thất thoát chiếm gần 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu (Nguồn: IFCO)
Riêng tại Việt Nam, tình trạng này cũng đáng báo động. Báo cáo từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2021 cho thấy, mỗi người Việt Nam trung bình thải ra khoảng 67-85 kg thực phẩm mỗi năm, khiến tổng lượng thực phẩm lãng phí lên đến hơn 8 triệu tấn, làm hao phí gần 3,9 tỷ USD - tương đương 2% GDP - của cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực ngày càng lớn lên hệ thống tài nguyên và môi trường quốc gia.
Lãng phí thực phẩm ở Việt Nam gây thiệt hại gần 3,9 tỷ USD - tương đương 2% GDP (Nguồn: Sưu tầm)
Không chỉ gây tiêu hao tài nguyên, lãng phí thực phẩm còn gây tác động nghiêm trọng đến môi trường. Quá trình sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và tiêu thụ thực phẩm đều tiêu tốn nước, đất và năng lượng.
FAO ước tính lượng thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm tiêu tốn khoảng 250 km³ nước, nhiều hơn gấp ba lần thể tích hồ Geneva, còn diện tích đất dùng để sản xuất thực phẩm bị lãng phí hàng năm chiếm gần 1,4 tỷ ha - gần 30% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu. Việc sử dụng hóa chất và phân bón trong sản xuất lương thực cũng khiến nguồn nước và đất bị ô nhiễm, từ đó đẩy nhanh tốc độ thoái hóa đất và mất đa dạng sinh học.
Gần 30% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu được dùng để sản xuất thực phẩm bị lãng phí hàng năm (Nguồn: Sưu tầm)
Thực phẩm khi bị lãng phí sẽ phân hủy và thải ra một lượng lớn khí methane – loại khí nhà kính có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 28 lần CO2. Nếu lãng phí thực phẩm là một quốc gia, nó sẽ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ
Hơn nữa, lãng phí thực phẩm còn kéo theo những hệ quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), lãng phí thực phẩm gây thiệt hại kinh tế hơn 940 tỷ USD mỗi năm, trong khi cứ chín người thì có một người bị thiếu ăn.
Với các nước đang phát triển như Việt Nam, lãng phí thực phẩm đồng nghĩa với gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực. Lượng thực phẩm này có thể nuôi dưỡng hàng triệu người, góp phần giảm đói nghèo và tình trạng thiếu ăn. Ngoài ra, lãng phí thực phẩm còn làm tăng giá thành, gây khó khăn cho người thu nhập thấp, và ảnh hưởng đến an ninh lương thực khi tài nguyên bị tiêu tốn sẽ làm giảm khả năng cung ứng trong tương lai.
2. Các Giải Pháp Xanh Giúp Giảm Lãng Phí Thực Phẩm
Trước tình trạng đáng báo động này, các quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đã và đang thực thi nhiều giải pháp xanh khác nhau nhằm giải quyết triệt để các nguyên nhân gây lãng phí thực phẩm, từ khâu sau thu hoạch, chế biến, bán lẻ, cho đến việc tuyền truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng bằng các công nghệ tiên tiến, các mô hình và chiến lược kinh doanh bền vững, cũng như sự hợp tác giữa các bên trong chuỗi cung ứng lương thực.
Ứng dụng AI, IoT và Big Data để quản lý kho thực phẩm hiệu quả
Công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Blockchain đóng vai trò quan trọng trong quản lý và giảm thiểu lãng phí thực phẩm trên toàn chuỗi cung ứng.
AI có thể được sử dụng để tăng độ chính xác trong việc đặt hàng và quản lý tồn kho, giúp giảm lãng phí và tăng doanh số bán hàng. Thay vì phụ thuộc vào ước tính của con người, AI phân tích lượng lớn dữ liệu lịch sử và thời gian thực để điều chỉnh việc đặt hàng phù hợp với nhu cầu, giúp hàng hóa luôn tươi mới trên kệ. Công nghệ này ngày càng hoàn thiện trong việc dự đoán hành vi khách hàng, đặc biệt hữu ích cho các mặt hàng thực phẩm theo mùa như bí ngô vào mùa thu, nguyên liệu làm bánh dịp lễ, hay bánh, mứt khi Tết đến.
AI giúp tăng độ chính xác trong việc đặt hàng và quản lý tồn kho hiệu quả (Nguồn: Sưu tầm)
Afresh – một ứng dụng AI hỗ trợ chuỗi bán lẻ theo dõi nhu cầu hàng hóa – tuyên bố đã giúp giảm thiểu lãng phí thực phẩm trong kho lên đến 50% thông qua việc tối ưu hóa quá trình quản lý lượng hàng và giảm lượng sản phẩm không bán được.
Bên cạnh đó, IoT đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và bảo quản thực phẩm. Các cảm biến IoT được lắp đặt trong kho và trên xe vận chuyển giúp theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, và nồng độ CO₂, đảm bảo thực phẩm luôn được bảo quản trong điều kiện tối ưu.
Hệ thống này cũng đo lường chính xác lượng thực phẩm bị lãng phí bằng cách sử dụng cảm biến trọng lượng và cảm biến khí trong thùng rác hoặc khu vực lưu trữ, phát hiện các khí như CO₂, CH₄, và NH₃ - dấu hiệu của sự phân hủy thực phẩm. Khi kết hợp với phân tích dữ liệu lớn, hệ thống có thể dự báo xu hướng lãng phí, giúp đưa ra quyết định kịp thời và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thực phẩm.
Lineage Logistics, một công ty vận chuyển thực phẩm lạnh lớn tại Mỹ, đã ứng dụng IoT và cảm biến nhiệt độ cùng hệ thống máy học (machine learning) để duy trì nhiệt độ lý tưởng trong kho, giảm nguy cơ hư hỏng và lãng phí thực phẩm trong quá trình lưu trữ và vận chuyển.
Lineage Logistics đã ứng dụng IoT để duy trì nhiệt độ lý tưởng trong kho thực phẩm (Nguồn: Sưu tầm)
Ngoài ra, Blockchain đang được ứng dụng để tăng cường tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Nhờ ghi lại chi tiết xuất xứ, điều kiện canh tác và vận chuyển của từng lô hàng, các bên trong chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng xác định nguyên nhân vấn đề chất lượng để loại bỏ hoặc xử lý kịp thời các lô hàng không đạt chuẩn, đồng thời điều chỉnh quy trình hoặc cải thiện điều kiện canh tác và vận chuyển ngay khi phát hiện sự cố.
Một ví dụ điển hình là công ty Ripe.io ở Hoa Kỳ, chuyên cung cấp các giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm dựa trên blockchain. Công ty này tạo ra cầu nối kỹ thuật số giữa nông dân, nhà phân phối, nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp giám sát hành trình của thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Công nghệ tái chế biến thực phẩm thừa thành sản phẩm có giá trị
Trong khi các công nghệ AI, IoT và Blockchain tập trung vào khâu quản lý trước khi thực phẩm được sử dụng, giúp tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý kho, thì công nghệ tái chế lại đóng vai trò quan trọng ở khâu sau khi thực phẩm đã được sử dụng.
Việc áp dụng các thiết bị như máy xử lý rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ đang ngày càng trở nên phổ biến trong các nhà hàng và hộ gia đình, không chỉ ở các thị trường quốc tế mà còn tại Việt Nam, góp phần giảm thiểu lượng thực phẩm bị lãng phí đi vào bãi rác.
Chẳng hạn, Food Cycler ở Canada đã giúp hơn 250,000 hộ gia đình chuyển đổi rác thải thực phẩm thành phân compost chỉ trong vài giờ. Nhờ vào quy trình nghiền và làm nóng, thiết bị này có thể giảm đến 90% khối lượng rác thải thực phẩm và biến chúng thành phân bón giàu dinh dưỡng cho đất mà không thải ra bất kỳ khí methane nào [9].
Các sản phẩm tái chế rác thải thực phẩm thành phân bón đang dần phổ biến (Nguồn: Food Cycler)
Trong nước, các máy xử lý rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ cũng đang được nghiên cứu và phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Một ví dụ tiêu biểu là máy biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh - được sáng chế bởi kỹ sư cơ khí Nguyễn Tuấn Anh - có khả năng xử lý 30kg rác hữu cơ mỗi giờ, không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường mà còn tạo ra phân bón tự nhiên chất lượng cao cho cây trồng.
Máy biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh “made-in-Vietnam” (Nguồn: Vietnam.net)
Hiện máy đang được thử nghiệm hiệu quả tại giáo xứ Biên Hòa và giáo xứ An Bình, nhận được đánh giá cao từ người sử dụng vì giúp cây phát triển xanh tốt hơn. Khi được hoàn thiện và sản xuất rộng rãi, chiếc máy “made-in-Vietnam” này có thể ứng dụng trong nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm hộ gia đình, nhà hàng, khu du lịch, doanh nghiệp và trường học, khiến việc tái chế rác thải thực phẩm thành một hiện thực gần gũi và thiết thực ngay tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp còn biến thực phẩm bỏ đi thành sản phẩm có giá trị trên thị trường.
Công ty Toast Brewing ở Anh sử dụng bánh mì dư thừa từ các tiệm bánh để sản xuất bia, trong khi Barnana ở Mỹ tập trung vào giảm lãng phí thực phẩm từ những trái chuối “có vẻ ngoài không hoàn hảo", không đủ tiêu chuẩn bày bán, hoặc đã quá chín, có thể bị hư hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng sau quá trình vận chuyển từ nông trại ở Mỹ Latin để sản xuất các sản phẩm snack chuối dinh dưỡng.
Barnana sản xuất snack chuối từ những trái chuối “không hoàn hảo” (Nguồn: Barnana)
Các công ty như thế này không chỉ đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn mà còn hỗ trợ nông nghiệp bền vững, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm ẩm thực độc đáo và có trách nhiệm với môi trường.
Nhà hàng và siêu thị “zero waste”
Không chỉ các công nghệ tiên tiến, mà các mô hình và chiến lược kinh doanh sáng tạo trong ngành F&B cũng đang trỗi dậy nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Một trong những hình thức tiêu biểu nhất là các nhà hàng, siêu thị “zero waste” (không rác thải), hướng đến giảm thiểu tối đa lượng thực phẩm bị bỏ đi.
Nhà hàng Nolla ở Phần Lan, nhà hàng đầu tiên ở Bắc Âu đạt tiêu chuẩn 100% không rác thải, đã tiên phong trong mô hình này một cách toàn diện, từ chính sách không sử dụng nhựa dùng một lần cho đến đồng phục nhân viên được làm từ các sản phẩm tái chế.
Với những thứ không thể tái sử dụng như vỏ trứng, vỏ rau củ hoặc xương nhỏ, Nolla sẽ đưa vào máy ủ phân tại chỗ để chuyển hóa thành phân bón trong vòng 24 giờ, sau đó trao lại cho nông dân, tạo nên một chu trình tuần hoàn bền vững. Để khai thác triệt để nguyên liệu, các đầu bếp thường phải suy nghĩ sáng tạo, đôi khi sấy khô, lên men hoặc ướp các thành phần để tạo ra các loại nước sốt, gia vị hoặc hỗn hợp độc đáo.
Bên cạnh đó, tất cả nguyên liệu tại Nolla đều được lấy từ các nông dân và nhà cung cấp địa phương, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon từ khâu vận chuyển xa. Thực đơn cũng được xây dựng hoàn toàn dựa trên nguyên liệu theo mùa, với sự phối hợp chặt chẽ giữa bếp trưởng và các nhà cung cấp, đảm bảo nguyên liệu luôn tươi ngon và sẵn có. Điều này giúp Nolla điều chỉnh món ăn theo thời gian thực, giảm thiểu tình trạng dư thừa và tránh sử dụng những nguyên liệu không sẵn có hoặc không được ưa chuộng, từ đó hạn chế lãng phí thực phẩm một cách hiệu quả.
Nolla là nhà hàng đầu tiên ở Bắc Âu đạt tiêu chuẩn 100% không rác thải (Nguồn: Sưu tầm)
Tại Việt Nam, nhà hàng Pizza 4P’s Hikari Bình Dương là đơn vị đầu tiên theo đuổi mô hình “zero waste” này.
Nhà hàng áp dụng quy trình sản xuất thực phẩm sinh thái với việc tái sử dụng và tận dụng tối đa nguyên liệu. Rau củ và trái cây phục vụ thực khách được trồng hữu cơ ngay trong vườn rau của nhà hàng, trong khi thực phẩm thừa được ủ thành phân để tiếp tục chăm sóc, phát triển vườn cây đó. Pizza 4P’s còn sáng tạo khi tái chế váng phô mai thành các loại đồ uống độc đáo và sử dụng vật liệu tái chế vào xây dựng không gian và nội thất cho nhà hàng, như nhựa tái chế thành ghế và tủ, vỏ chai bia làm họa tiết sàn, thép tái chế làm tay vịn, hay gỗ thuyền cũ làm cửa và bàn. Thậm chí, các khối bê tông từng dùng thử nghiệm nền móng cũng được tái sử dụng làm lối đi trong khu vườn bên trong, tạo nên không gian thân thiện với môi trường và mang đậm dấu ấn của lối sống xanh.
Pizza 4P’s Hikari Bình Dương là nhà hàng “zero waste” đầu tiên ở Việt Nam (Nguồn: Sưu tầm)
Bên cạnh nhà hàng, nhiều chuỗi siêu thị như Aeon, Bách Hóa Xanh, WinMart+ cũng đang tích cực tham gia vào việc giảm thiểu lượng thực phẩm hết hạn phải tiêu hủy bằng cách giảm giá 20-50% vào cuối ngày cho các thực phẩm chế biến sẵn như cơm, sushi, gà chiên,... và các thực phẩm tươi sống như thịt heo, tôm, cá, rau củ… nhằm tạo động lực mua cho khách hàng. Chiến lược thông minh và kinh tế này được hưởng ứng nhiệt tình bởi nhiều sinh viên và người lao động nên ngày càng trở nên phổ biến.
Các sản phẩm tươi sống và chế biến sẵn được giảm giá vào cuối ngày để thu hút người mua (Nguồn: Sưu tầm)
Thương mại điện tử và ứng dụng chia sẻ thực phẩm
Bên cạnh các mô hình nhà hàng và siêu thị, thương mại điện tử và ứng dụng chia sẻ thực phẩm cũng đang tạo ra những giải pháp sáng tạo để giảm lãng phí thực phẩm.
Các nền tảng như Too Good To Go và OLIO đã trở thành cầu nối giữa người tiêu dùng và các nhà hàng, siêu thị có thực phẩm dư thừa, cho phép người tiêu dùng mua lại với giá ưu đãi [16], vừa giảm lãng phí vừa mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên.
Ứng dụng Olio trở thành cầu nối giữa người tiêu dùng và các nhà hàng, siêu thị có thực phẩm dư thừa (Nguồn: Sưu tầm)
Tại Việt Nam, nền tảng Foodbank Việt Nam và một số ứng dụng tương tự đang hỗ trợ việc chia sẻ thực phẩm dư thừa cho các tổ chức từ thiện, giúp giảm thiểu lượng thực phẩm bỏ đi và đóng góp tích cực cho cộng đồng. Một trong những tổ chức này là VietHarvest, chuyên thu gom và quyên góp thực phẩm dư thừa cho các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Trong năm 2023, tổ chức này đã cung cấp gần 40.000 bữa ăn cho các cộng đồng này và cứu hơn 18.000 kg thực phẩm khỏi lãng phí.
Vietharvest thu gom và quyên góp thực phẩm dư thừa cho các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn (Nguồn: Sưu tầm)
Hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân
Ngoài ra, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân cũng đang mở ra hướng đi mới trong việc tận dụng thực phẩm dư thừa. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thu mua các nông sản không đạt tiêu chuẩn về hình thức, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, để làm nguyên liệu chế biến.
Một ví dụ là công ty Misfits Market tại Mỹ, với mô hình kinh doanh tập trung vào việc thu mua các loại trái cây và rau củ không hoàn hảo từ nông dân và bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn.
Công ty này giải quyết các vấn đề như màu sắc không đẹp nhưng không ảnh hưởng đến hương vị, hàng tồn kho dư thừa, kích thước không đồng đều do thời tiết bất lợi, cũng như các sản phẩm gần hết hạn sử dụng và phụ phẩm từ quá trình sản xuất. .
Misfits Market thu mua các loại trái cây và rau củ không hoàn hảo từ nông dân và bán cho người tiêu dùng (Nguồn: Misfits Market)
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm cũng có thể hợp tác với nông dân để tận dụng nguồn cung cấp thực phẩm dư thừa làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc các sản phẩm chế biến khác, từ đó giảm lãng phí và tạo ra giá trị kinh tế bổ sung.
3. Hướng Đi Bền Vững: Tạo Giá Trị Từ Thực Phẩm Bỏ Lại
Trong bối cảnh lãng phí thực phẩm ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng, các giải pháp xanh tạo giá trị từ thực phẩm bị bỏ lại đang trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp toàn cầu.
Xu hướng phát triển các mô hình tái chế thực phẩm thừa thành sản phẩm có giá trị như phân bón, nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, snack, bia,... đã giúp nhiều doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra giá trị mới từ các nguồn tài nguyên sẵn có. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới cũng là một yếu tố then chốt trong việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Đầu tư vào các công nghệ như AI, IoT và Blockchain sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, giảm lãng phí từ khâu thu hoạch cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Những công nghệ này cho phép theo dõi lượng thực phẩm bị lãng phí và tìm ra các giải pháp hiệu quả để xử lý, góp phần nâng cao hiệu suất và giảm chi phí.
Bên cạnh đó, giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức là một yếu tố không thể thiếu trong nỗ lực giảm thiểu lãng phí thực phẩm.
Việc hướng dẫn người tiêu dùng cách lưu trữ thực phẩm đúng, cách tận dụng tối đa nguyên liệu trong bữa ăn, và ý thức phân loại rác tại nhà là những hoạt động có thể giảm thiểu lãng phí thực phẩm đáng kể.
Việc hướng dẫn người tiêu dùng cách lưu trữ thực phẩm đúng, cách tận dụng tối đa nguyên liệu trong bữa ăn, và ý thức phân loại rác tại nhà là những hoạt động có thể giảm thiểu đáng kể lượng thực phẩm bị lãng phí.]
Nhìn về tương lai, giảm thiểu lãng phí thực phẩm không chỉ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trên nhiều mặt. Việc giảm lãng phí thực phẩm giúp tiết kiệm nước, năng lượng và tài nguyên đất – các nguồn tài nguyên quý giá mà nhân loại đang ngày càng cần. Điều này còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, từ đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, bằng cách xây dựng và duy trì một hệ thống thực phẩm bền vững, các quốc gia có thể đảm bảo an ninh lương thực cho thế hệ tương lai, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài.