Nếu 4 startup này có thể giải quyết những thách thức lớn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long?
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước, đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất.
4 startup này trên Thế giới có thể mở ra cơ hội mới cho ĐBSCL, và liệu Việt Nam có xuất hiện những “anh hùng” tương tự?
1. Phân bón khoáng Net-zero: Lời giải cho tình trạng sử dụng dư thừa các loại phân bón
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng phân bón sử dụng trung bình cao hơn gấp 4 với mức trung bình trên thế giới. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%. Sự dư thừa này là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước mặt trong vùng.
Thực trạng bón phân cho lúa mất cân đối trong giai đoạn trước năm 1995 là rất phổ biến (Bùi Đình Dinh, 1995). Người dân chủ yếu chú ý đầu tư nhiều phân đạm, phân lân và kali không được chú ý đúng mức, đặc biệt là phân kali. Tuy không trực tiếp làm tăng năng suất nhưng phân kali lại có tác dụng làm tăng chất lượng nông sản. Ở ruộng được bón phân kali thì hạt lúa sáng hơn, lúa chắc hơn, ít lép hơn, thời gian tồn trữ lâu hơn. Với những ruộng bị các điều kiện bất lợi như hạn hán, nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất phù sa quá tốt thì tác dụng của phân kali rõ ràng hơn, sẽ giảm thiểu được các bất lợi trên. Mặt khác, phân kali còn làm cho cây cứng hơn, ít đổ ngã, lá đứng nên ít sâu bệnh hơn.
Để giải quyết 2 vấn đề lớn trong nông nghiệp của Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam có thể học hỏi cách Thụy Điển đã tiên phong đưa ra quy trình sản xuất phân bón khoáng thân thiện với môi trường thông qua quy trình tái chế.
Cinis Fertilizer - một công ty công nghệ xanh của Thụy Điển với mục tiêu sản xuất phân khoáng thân thiện với môi trường nhất thế giới đã cho ra đời một loại kali sunfat (SOP) bằng cách tái chế các sản phẩm thải công nghiệp từ ngành công nghiệp giấy và bột giấy cũng như ngành sản xuất ắc quy ô tô. Hơn hết, quá trình sản xuất loại phân bón này tạo ra lượng khí thải carbon gần như bằng không, đóng góp vào chuỗi tuần hoàn cho nền nông nghiệp bền vững.
Ông Jakob Liedberg, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Cinis Fertilizer, cho biết.
“Nhu cầu về phân bón khoáng sản được sản xuất không sử dụng nhiên liệu hóa thạch là rất lớn, cả ở Thụy Điển và trên thế giới. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm khoảng 25% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, chúng tôi hy vọng giải pháp này sẽ góp một phần nhỏ vào công cuộc phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn”.
Cinis Fertilizer đã ký kết thư thoả định với Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản với mục tiêu thiết lập hoạt động tại Châu Á. Đây có thể được coi là tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam nói chung, Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng; mở đường cho những cơ hội học tập, tham khảo giải pháp sáng tạo từ các đối tác quốc tế.
2. Lúa trồng trên biển: Hy vọng cho tình trạng nhiễm mặn đáng báo động
Những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công, gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, lún sụt…
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Khu vực này luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế do mặn xâm nhập với diện tích khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu héc-ta ở vùng ven biển;
Trong khi đó, ở phía bên kia bán cầu, ALORA - một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp tại Anh vừa giới thiệu một giống lúa mới có khả năng chịu mặn cao trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu.
Luke Young - Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập ALORA cho biết: "Có những khu vực trải dài khắp Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng với xâm nhập mặn”.
Hiểu được tình hình đó, Alora vừa công bố kế hoạch xây dựng mạng lưới trang trại trồng lúa trên đại dương ở phạm vi toàn cầu, các loại lúa chịu mặn có thể được trồng trực tiếp trên bề mặt đại dương có thể là giải pháp cho tình trạng mực nước biển dâng cao và tình trạng đất nông nghiệp bị nhiễm mặn.
Bằng cách "kích hoạt" khả năng chịu mặn của các loại cây trồng trên cạn như lúa gạo, nhóm nghiên cứu tại Alora nhằm mục đích giải quyết nạn đói trên thế giới đồng thời giảm thiểu việc sử dụng nước ngọt trong giai đoạn sản xuất. Ngoài ra, công ty còn hướng tới việc loại bỏ lượng khí metan thải ra từ các kỹ thuật trồng lúa truyền thống bằng cách trồng lúa trong nước mặn, điều này ức chế sự phát triển của vi khuẩn sinh metan.
Sử dụng công nghệ này, Alora đã thành công trong việc biến đổi cây lúa để chịu được độ mặn lên đến 16 gram muối trên một lít nước, mặc dù cây lúa truyền thống được coi là cực kỳ nhạy cảm với độ mặn. Alora nhằm mục đích tăng khả năng chịu mặn này lên cao hơn nữa, đến 24 gram trên lít.
3. SaliCrop giải quyết bộ ba stress phi sinh học: Nóng, mặn, hạn bằng công nghệ cải tiến hạt giống.
Trong các thập kỷ gần đây, ‘stress phi sinh học’ trở thành mối quan tâm chính trong sản xuất nông nghiệp. Sự tăng trưởng và phát triển của thực vật trong các điều kiện stress có thể ảnh hưởng đến vụ mùa. Trong các điều kiện stress, thực vật vẫn có những cơ chế để thích nghi đối với sự thay đổi cường độ khác nhau của stress, tuy nhiên những cơ chế này vẫn chưa đủ để giúp thực vật chống chịu.
Hiện nay, công nghệ cải tiến hạt giống đang được sử dụng để giúp thực vật thích nghi tốt hơn trước những thay đổi của môi trường và khí hậu hiện nay.
Theo công ty khởi nghiệp Israel SaliCrop: Nhu cầu về cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu đang tăng lên khi nông dân phải đối mặt với các yếu tố gây stress phi sinh học (Stress phi sinh học là các điều kiện khắc nghiệt như: nhiệt độ, nước, nồng độ muối…). Nhưng việc lai tạo các giống mới tốn kém và mất thời gian, do đó tạo ra điểm nghẽn trong quy trình phát triển giống mới. Do đó, công ty này đang tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác với các phương pháp xử lý hạt giống có thể giúp cây trồng phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt hơn.
CEO SaliCrop Carmit Oron chia sẻ: "Nếu để ý, tại các vùng làm nông nghiệp tại Israel, chúng ta có thể thấy các giống cà chua mới đã được phát triển và khuyến khích đưa vào trồng trọt trong nhiều năm, tuy nhiên để khiến nông dân thay đổi cách canh tác cũ rất khó. Chính vì vậy, chúng tôi đang cung cấp một giải pháp nhanh hơn, hiệu quả hơn, dễ dàng đi vào thực tiễn hơn”.
“Stress phi sinh học chịu trách nhiệm cho 30-50% tổn thất năng suất nông nghiệp trên toàn thế giới." Tiến sĩ Sharon Devir, đồng sáng lập & chủ tịch SaliCrop nói.
SaliCrop không dùng gen ngoại lai hay chỉnh sửa di truyền mà sử dụng di truyền học để kích hoạt cơ chế chống stress tự nhiên của cây. Họ cho hạt giống tiếp xúc với các yếu tố stress phi sinh học để giúp cây chống chịu tốt hơn với nhiệt độ cao, khô hạn, thiếu nước và đất mặn. Công nghệ này đã được thử nghiệm trên 15 loại cây trồng và có tiềm năng mở rộng ra toàn cầu.
Công nghệ của SaliCrop có thể giúp nông nghiệp Việt Nam đối phó với stress phi sinh học, đặc biệt là ở vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long. Nó giúp cây trồng chống chịu tốt hơn với độ mặn, hạn hán và nhiệt độ cao, và có thể tăng năng suất. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu và thử nghiệm tại Việt Nam để đánh giá hiệu quả thực tế.
4. IoT iFarming - Ứng dụng tối ưu hóa sử dụng nước trong canh tác
Việt Nam có nguồn nước ngọt khá phong phú nhưng là một trong những quốc gia sử dụng nước kém hiệu quả nhất hiện nay. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiệu quả sử dụng nước hiện chưa cao và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, bất cập.
Một trong những giải pháp đáng chú ý là ứng dụng thông minh do startup iFarming phát triển, hứa hẹn mang lại cuộc cách mạng trong cách nông dân quản lý và sử dụng nước.Các công nghệ mới, đặc biệt là những ứng dụng dựa trên Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI), được ứng dụng để giải quyết nỗi đau.
Ứng dụng của iFarming hoạt động dựa trên việc thu thập dữ liệu từ mạng lưới cảm biến IoT về điều kiện thời tiết, độ ẩm đất và các yếu tố môi trường khác. Sau đó, nó áp dụng các thuật toán AI để phân tích dữ liệu và dự báo nhu cầu nước cho cây trồng. Điều này cho phép nông dân theo dõi và điều chỉnh lượng nước tưới theo thời gian thực, đồng thời cung cấp dự báo thời tiết và đề xuất kế hoạch tưới tiêu tối ưu.
Hơn nữa, ứng dụng này còn hỗ trợ nông dân và chính quyền địa phương trong việc ra quyết định về lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và nguồn nước sẵn có. Kết quả sơ bộ cho thấy ứng dụng này có thể giúp giảm 40% lượng nước sử dụng và 25% chi phí tưới tiêu.
Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên nước mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Với khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý nước nông nghiệp, giải pháp này có tiềm năng đóng góp đáng kể vào việc giải quyết các thách thức về nước tại ĐBSCL, đồng thời hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.