Khắc phục sau cơn bão Yagi: Các khoản chi về thiên tai được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2024
Cơn bão Yagi vừa qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong bối cảnh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách khắc phục hậu quả và hỗ trợ cộng đồng. Vậy các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hay không? Bài viết này,
Bizzi sẽ giải đáp thắc mắc trên và cung cấp những thông tin hữu ích cho các khoản chi về thiên tai cho các doanh nghiệp.
Các khoản chi về thiên tai được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2024
Tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 96/2015/TT-BTC) đã nêu ra các khoản chi về thiên tai mà doanh nghiệp sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN gồm:
(1) Chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, trong đó khoản chi này phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 96/2015/TT-BTC), cụ thể như sau:
+ Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
+ Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
(2) Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiên tai trực tiếp cho tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân bị thiệt hại do thiên tai thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Phải có hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo Mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 78/2014/TT-BTC) kèm theo hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vật). Hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
(3) Khoản chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
– Tổng số chi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp. Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng.
– Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đố đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Qua bài viết, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về việc các khoản chi về thiên tai có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2024. Việc nắm vững quy định này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng thuế và có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, doanh nghiệp cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia kế toán hoặc cơ quan thuế.
Theo dõi Bizzi để nhanh chóng nhận thông tin mới nhất:
Facebook: https://www.facebook.com/bizzivietnam
Linkedin: https://www.linkedin.com/company/bizzi-vietnam/
Youtube: https://www.youtube.com/@bizzivietnam