Yuanta Việt Nam nghiêng về kịch bản TTCK điều chỉnh trong tháng 6, gợi ý những cơ hội đầu tư hậu Covid-19
Chứng khoán Yuanta nghiêng nhiều hơn về kịch bản thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh trong tháng 6 tuy nhiên vẫn đánh giá cao cơ hội đầu tư trong trung hạn.
Ngày 9/6/2020, CTCK Yuanta Việt Nam đã tổ chức buổi Hội Thảo Trực Tuyến “Thị trường chứng khoán nhìn từ khu vực về Việt Nam - Cơ hội hậu đại dịch” nhằm giúp cho các nhà đầu tư đọc vị được thị trường và nắm bắt được những cơ hội tích cực khi thị trường phục hồi sau dịch Covid-19.
Buổi hội thảo trực tuyến có sự tham gia của Tiến sĩ Yen, Chen Hui – Giám Đốc Chiến Lược Yuanta Investment Consulting, Chuyên gia Nguyễn Thế Minh – Giám Đốc Bộ Phận Phân Tích Khối Khách Hàng Cá Nhân Yuanta Việt Nam và Thạc sĩ Trương Quang Bình – Phó Giám Đốc Bộ Phận Phân Tích Khối Khách Hàng Tổ Chức Yuanta Việt Nam.
Mở đầu hội thảo là bài tham luận của Tiến sĩ Yen Chen-Hui, Giám đốc Chiến lược, Yuanta Investment Consulting, Yuanta Polaris Research Institute về môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu và dòng tiền nhà đầu tư tổ chức.
Tiến sĩ Yen, Chen Hui cho rằng cuộc khủng hoảng năm 2020 về cơ bản có sự khác biệt với cuộc khủng hoảng năm 2008. Ông cho rằng cú sốc Covid-19 là một “thảm họa tự nhiên” trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 là sự “mất cân bằng trong ngành tài chính”.
Cuộc khủng hoảng năm 2020 có thể dự báo được, đây không phải là suy thoái bảng cân đối kế toán như năm 2008 mà là khủng hoảng thanh khoản kéo dài cuối cùng gây áp lực lên bảng cân đối kế toán. Vì thế, trong cuộc khủng hoảng năm 2020 các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, 2 cuộc khủng hoảng có một điểm chung là chính sách cứu hộ phụ thuộc quá nhiều vào NHTW, vì vậy có thể dự đoán rằng tương lai sẽ là một môi trường lãi suất thấp hoặc bằng không. Một điểm tương đồng khác là sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo sẽ ngày càng mở rộng, do đó chủ nghĩa dân túy sẽ tái xuất hiện.
Rủi ro thanh khoản của các nền kinh tế phát triển đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa trở lại bình thường. Chênh lệch lợi suất của trái phiếu lãi suất cao và trái phiếu thị trường mới nổi chỉ hồi phục một phần do tín dụng suy yếu vì kinh tế đình trệ. Trong đợt bán tháo Covid-19, các thị trường mới nổi đã chứng kiến dòng vốn bị rút nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, tuy nhiên dữ liệu cho thấy dòng vốn chảy ra khỏi thị trường mới nổi đã ổn định ở thời điểm hiện tại.
Kinh tế toàn cầu ở trạng thái “Bình thường mới”
Theo Tiến sĩ Yen, Chen Hui đại dịch Covid-19 có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 các hoạt động kinh tế dừng đột ngột dẫn đến thiệt hại kinh tế và doanh nghiệp, từ đó gây ra sự truyền nhiễm tài chính và vòng phản hồi (giai đoạn 2), mất tương thích tài chính, chất lượng cân đối kế toán giảm và khủng hoảng thanh khoản. Giai đoạn 3 là giai đoạn hình thành đáy, dựa trên các chính sách kích thích của chính phủ để tăng tốc phục hồi. Cuộc khủng hoảng sẽ gây ra khủng hoảng lâu dài (giai đoạn 4) đến đầu tư và toàn cầu hóa như tái cấu trúc chuỗi cung ứng (tích hợp theo chiều dọc, đa dạng hóa hoạt động sản xuất), tăng cường kiểm soát nhập cư và du lịch.
Hiện tại đang trong giai đoạn 3 khi các quốc gia dần dần gỡ bỏ phong tỏa, bây giờ là thời điểm quan trọng để xác minh 2 vấn đề: sẽ có một làn sóng thứ 2 và chúng ta sẽ có được sự phục hồi hình chữ V. Trong dài hạn, Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến nền các nền kinh tế Đông Á thông qua các kênh “tài chính” và kênh “thực”.
Một số quốc gia Đông Á có mối liên kết phía trước cao hơn chuỗi giá trị toàn cầu, tức là xuất khẩu phụ thuộc đầu vào nhập khẩu, các quốc gia này dễ bị sốc cung. Trong khi đó, những quốc gia có liên kết phía sau cao hơn chuỗi giá trị toàn cầu thì xuất khẩu của họ là đầu vào cho sản xuất của các quốc gia khác, các quốc gia này dễ bị sốc cầu. Nợ cao, nợ nước ngoài và nợ ngoại tệ có thể gây lo ngại cho một số quốc gia Đông Á và Việt Nam cũng khá đáng ngại.
Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng nhờ các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn tương tự như Đài Loan. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót sẽ giảm số vụ phá sản và tác hại từ việc đóng cửa doanh nghiệp. Điều này đảm bảo sự hồi phục nhanh chóng của các hoạt động kinh tế hậu đại dịch.
Cơ hội đầu tư hậu đại dịch
Theo dữ liệu của Bloomberg và dự báo GDP Việt Nam của IMF ở mức 3% thì P/E của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vào khoảng 15 lần. Việt Nam là một trong những thị trường được định giá thấp nhất nhưng có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng Cá nhân, Yuanta Việt Nam đưa ra 3 kịch bản đối đối với kinh tế và thị trường trong năm 2020.
Theo đó, kịch bản lạc quan là Thuốc và vaccine cho Covid-19 được triển khai sớm trong năm 2020. Dịch bệnh có thể được ngăn chặn trong tháng 5 và hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại bình thường từ tháng 6 tuy nhiên nền kinh tế sẽ mất 2 quý tăng trưởng thấp. Đồng thời, tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới sẽ được kiểm soát trong quý III và các hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu trở lại trong quý IV/2020. Với kịch bản này, TTCK sẽ có sự hồi phục theo hình chữ “V”. Dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5,07%
Dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn trong tháng 6 và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở lại bình thường trong tháng 7. Nền kinh tế cũng sẽ mất 2 quý tăng trưởng thấp và mức tăng trưởng quay trở lại từ quý III. Tình hình các nước trên thế giới bắt đầu được kiểm soát từ quý IV/2020 và khôi phục sản xuất từ đầu năm 2021. Với kịch bản này, TTCK sẽ phục hồi chậm theo mô hình "zigzag". Dự báo tăng trưởng GDP ở mức 4,43%
Ban đầu tình hình chống dịch có thể sẽ thành công tuy nhiên dịch có thể bùng phát trở lại lần 2 và quý IV/2020 nền kinh tế Việt Nam mới trở lại trạng thái bình thường tức là trải qua thêm 2 quý tăng trưởng thấp nữa. Kinh tế có thể suy thoái kéo dài và trải qua 6 tháng tăng trưởng âm liên tiếp tương tự cuộc khủng hoảng năm 2008. Các nước trên thế giới cũng bắt đầu hồi phục trở lại từ quý II/2021.
Với kịch bản xấu như vậy, Yuanta dự báo TTCK có thể sẽ qua trở lại vùng đáy của năm 2008. Đây là kịch bản Chứng khoán Yuanta đánh giá khả năng xảy ra thấp nhất. Dự báo tăng trưởng GDP ở mức 2,62%
Mặc dù mức dự báo GDP thấp hơn nhiều so với mức năm 2019 là 7,02% và kế hoạch năm 2020 là 6,8% tuy nhiên nếu so sánh với tình hình chung với các quốc gia trong khu vực hay Mỹ và Châu Âu thì mức tăng trưởng dương vẫn khá tích cực.
Chứng khoán Yuanta đánh giá tháng 6 này rơi vào vùng trũng thông tin và gần như không có thông tin hỗ trợ. Chỉ số VN-Index hiện đã tiến sát đến mục tiêu kỳ vọng của Yuanta 898 – 939 điểm đặc biệt là ngưỡng kháng cự tâm lý 900 điểm.
VN-Index và VN30 cùng với các cổ phiếu Bluechips đã tiến khá sát đến đường MA200. Đồng thời rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng khi tháng 4 và tháng 5 nhiều cổ phiếu đã đạt mức hiệu suất tốt đẩy mức định giá lên cao. Kết quả kinh doanh quý II sẽ thực sự chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh do đó Yuanta nghiêng về kịch bản điều chỉnh trong tháng 6.
Nếu VN-Index có thể vượt được vùng kháng cự 898 – 938 điểm thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể mở rộng lên đến 987 – 990 điểm, mức đỉnh cũ hồi tháng 2 trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nhìn chung, Chứng khoán Yuanta vẫn nghiêng nhiều hơn về kịch bản 1 là thị trường sẽ điều chỉnh trong tháng 6. Tuy nhiên, xu hướng trung hạn của thị trường vẫn duy trì chiều hướng tăng và cơ hội đầu tư trong trung hạn vẫn đang gia tăng và hiện hữu. Chứng khoán Yuanta đưa ra 5 câu chuyện nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn này.
Thứ nhất, làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam được hưởng lợi
Trung Quốc sẽ đóng vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á sẽ được đẩy nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều lợi thế nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và trình độ quản trị tốt trong khi các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải tiếp tục đầu tư mạnh về hạ tầng và nguồn nhân lực có trình độ nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc. Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển này, tuy nhiên sự dịch chuyển vẫn chủ yếu là những ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày hay lắp ráp linh kiện điện tử.
Vốn FDI đăng ký và điều chỉnh tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm cùng với giá thuê đất khu công nghiệp thiết lập mặt bằng mới bất chấp dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 sẽ là điểm cộng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Yuanta, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc bao gồm PHR, NTC, KBC, SZC.
Thứ hai, thúc đẩy đầu tư công
Việc thúc đẩy đầu tư công có thể là biện pháp hữu hiệu để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam dự chi hơn 700 nghìn tỷ đồng (hơn 30 tỷ USD) cho đầu tư công trong năm 2020, số vốn này gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2020.
Yuanta cho rằng, các doanh nghiệp như HPG, KSB, DHA, CTI, FCN, C4G, CII có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công.
Thứ ba, Hiệp đinh EVFTA
Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 07/2020. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85.6% số dòng thuế, tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Theo Yuanta, các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ EVFTA bao gồm TNG, MSH, CMX, MPC, VHC, FMC.
Thứ tư, Cách mạng công nghệ được đẩy mạnh
Cuộc cách mạng công nghệ sẽ được đẩy nhanh do sức ép từ dịch Covid- 19. Xu hướng công nghệ số 4.0 và số hóa quản trị doanh nghiệp dự báo sẽ được gia tăng mạnh mẽ hơn bởi sức ép của dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt là sau khi nền kinh tế dần ổn định trở lại.
Yuanta cho rằng, FPT có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ.
Thứ năm, ngành năng lượng: điện
Ông Trương Quang Bình (Phó Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng Tổ chức, Yuanta Việt Nam) cho rằng Ngành điện hưởng lợi 2 lần từ dịch chuyển sản xuất và nguyên liệu đầu vào giảm. Việc thiếu hụt điện năng đạt 48 tỷ kWh vào 2025 với nhu cầu điện tăng trưởng 11%/năm, đồng thời ngành điện sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, khi đó nhu cầu điện sản xuất cũng sẽ tăng. Ngành điện cũng ghi nhận nhiều chính sách ưu đãi cho năng lượng sạch, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng rẻ, tiệm cận năng lượng truyền thống.
Yuanta đánh giá các doanh nghiệp như POW, NT2, PC1 đang có mức định giá hấp dẫn.
Trong phần cuối hội thảo, rất nhiều vấn đề nhà đầu tư thắc mắc đã được các chuyên gia giải đáp.
Việt Nam sẽ hưởng lợi như thế nào từ làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc? Lợi thế cạnh của Việt Nam so với các quốc gia khác?
Tiến sĩ Yen Chen-Hui cho rằng Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác bởi thứ nhất là người Việt Nam chăm chỉ hơn; thứ 2 là Việt Nam có hệ thống chính trị đặc thù và độc đáo; thứ 3 là Việt Nam có vị trí chiến lược trong việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, việc gần về mặt địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà máy.
Ngành hàng không đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, theo ông ngành hàng không đã bị ảnh hưởng như thế nào?
Theo Tiến sĩ Yen Chen-Hui, trong thời gian tới, ngành hàng không sẽ bị ảnh hưởng và người tiêu dùng bị ảnh hưởng về mặt tài chính sẽ cắt giảm đi lại, các doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí.
Một số hãng hàng không giá rẻ gặp thử thách mức độ tương đối. Tỷ lệ khả dụng của các hãng hàng không sẽ tương đối thấp. Có thể sẽ có nhiều sự kiện M&A trong ngành và có thể giá vé sẽ cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ mất thời gian tương đối dài để hoàn toàn khôi phục thói quen bay trở lại.
Từ đầu năm đến cuối tháng 4 khối ngoại đã bán ròng mạnh. Tuy nhiên sau khi khối ngoại bán thì VN-Index lại tăng mạnh. Thời gian tới khối ngoại có quay lại mua ròng hay không?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, dòng tiền rút ra khỏi TTCK Việt Nam trong tháng 3 đạt kỷ lục từ năm 2009 đến nay. Theo thống kê của Yuanta, áp lực rút ròng trong tháng 3 chủ yếu tập trung vào các quỹ tương hỗ (tỷ lệ 70%), gần 20% đến từ các quỹ ETF và phần còn lại là các quỹ đầu tư trong nước khác như Dragon Capital, VinaCapital,…
Các nhà đầu tư cần phải lưu ý đến sự dịch chuyển của rất nhanh của các quỹ đầu tư tương hỗ và ETF tức là họ đầu tư vào mạnh và khi rút ròng cũng rất mạnh. Khi họ nhận thấy cơ hội hay môi trường vĩ mô của một quốc gia nào đó có chiều hướng tích cực hơn, họ sẽ đổ vốn vào thị trường đó. Tuy nhiên, khi nhận thấy mức độ rủi ro cao hay môi trường vĩ mô có chiều hướng xấu đi, họ cũng sẽ nhanh chóng rút ra khỏi thị trường cổ phiếu và dịch chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng, trái phiếu,…
Đây là những dòng tiền rất nhạy với thị trường và để dòng tiền này quay trở lại thì cần yếu tố vĩ mô thực sự ổn định trở lại. Yuanta dự báo tình hình vĩ mô sẽ ổn định trở lại từ quý III-IV/2020.
Trong thời gian gần đây, từ tháng 5 khi thị trường hồi phục và chứng khoán thế giới cũng tăng kéo theo, các quỹ ETF đã huy động dòng tiền trở lại, áp lực rút ròng cũng giảm nhiều.
Đối với các quỹ đầu tư trong nước, đà bán đang chững lại và đang có xu hướng cơ cấu danh mục. Đây đa phần là quỹ đóng với nguyên tắc không thể để tiền mặt chiếm tỷ trọng cao trong thời gian dài và phải cơ cấu danh mục liên tục. Ngân hàng và sản xuất thực phẩm được mua ròng mạnh trong thời gian gần đây chính là động lực thúc đẩy thị trường phục hồi trong thời gian qua.
Dự báo như thế nào về đỉnh của TTCK Việt Nam?
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, thị trường trong tháng 6 sẽ nghiêng về kịch bản cơ sở và không hoàn toàn phục hồi theo hình chữ V mà đi theo hình zigzag. Có thể căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang ảnh hưởng tâm lý. VN-Index sẽ kết thúc điều chỉnh trong tháng 6 và có thể hướng tới ngưỡng 990 điểm trong quý III – IV.
Tỷ lệ margin của các CTCK hiện tại?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, tỷ lệ margin trong tháng 3 đã giảm mạnh chủ yếu do hiệu ứng call margin. Kể cả trong tháng 4 và 5 khi thị trường tăng mạnh thì tỷ lệ margin cũng không tăng quá nhiều cho thấy nhà đầu tư chưa sẵn sàng sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này. Lượng tiền mới đến từ 100.000 tài khoản mở mới đổ vào là động lực tăng cho thị trường thời gian qua.
Trong quý II tỷ lệ margin có thể sẽ tăng lại nhưng sẽ không cao như đầu tháng 3, tỷ lệ này sẽ vẫn an toàn và chủ yếu tập trung vào Bluechips.
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc có ảnh hưởng đến TTCK hay không?
Theo Tiến sĩ Yen Chen-Hui, thông tin ông Trump đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chứng khoán toàn cầu nữa. Khi đưa ra kế hoạch năm nay các doanh nghiệp đã cắt giảm phần thu nhập đến từ Trung Quốc và giá chứng khoán đã phản ảnh điều này.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh cũng cho biết thêm, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra khá nhanh và ngắn trong giai đoạn trước khiến quá trình dịch chuyển nhà máy bị chững lại trong một thời gian. Đến khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát đẩy động lực dịch chuyển càng ngày càng nhanh hơn và Chính phủ các nước cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh vấn đề này. Cơ hội lại đến với các khu vực được hưởng lợi chính từ điều này trong đó có Việt Nam.
TTCK Việt Nam hiện tại phản ánh đúng nền kinh tế hay chưa hay chỉ phản ánh việc cung tiền quá nhiều và có thể sập bất ngờ trong tương lai hay không?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, khó khăn chưa thể kết thúc trong thời gian này và quý II các doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất và trong tháng 7 chúng ta có thể sẽ đón nhận thêm những thông tin tiêu cực thậm chí là những khoản lỗ lớn.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Về mặt vĩ mô và sức tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết sẽ ảnh hưởng đến định giá. Do đó, sau quý II, mặt bằng P/E sẽ rất cao. Diễn biến của TTCK trong thời gian tới sẽ sống trong môi trường định giá cao và các Chính phủ sẽ dùng chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thị trường ở thời điểm hiện tại.
Có nhiều vấn đề chính trị tại Mỹ, gần đây nhất là cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề sắc tộc.
Về ngành dầu khí, bất ổn chính trị đặc biệt tại khu vực Trung Đông sẽ làm gián đoạn nguồn cung và có thể làm tăng giá dầu. Tuy nhiên, cầu mặt hàng này lại phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá dầu hồi phục khá ấn tượng. Đối với cổ phiếu dầu khí, Yuanta cho rằng nhà đầu tư nên đầu tư lướt sóng tại thời điểm giá dầu tăng mạnh.
Đối với ngành xây dựng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi.
Dự báo điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp?
Theo dự báo trước đó, quý II-IV sẽ thấy bức tranh kinh doanh khả quan hơn tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Nhóm hàng không, du lịch và giải trí sẽ còn chịu thiệt hại trong năm nay và có thể phải sang 2021 mới thực sự phục hồi.
Ngành dầu khí phục thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu trong tương lai và hiện giá dầu đang chịu áp lực lớn từ sự dư cung.
Trong quý III-IV, nhóm ngành ngân hàng có thể khắc phục ổn trở lại tuy nhiên tăng trưởng tín dụng khó đạt được mức 14% như NHNN đề ra. Theo Yuanta, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức 9-10%.
Từ góc độ của CTCK ngoại, Yuanta có thể chia sẻ dòng vốn từ Đài Loan, Hồng Kong đổ vào Việt Nam?
Đối với các nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông thì TTCK Việt Nam rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thị trường có 2 vấn đề cần cải thiện là Room ngoại cản trở nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận doanh nghiệp, cổ phiếu tốt và các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực mang tính quá khứ, Tiến sĩ Yen Chen-Hui cho rằng chúng ta nên khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận