Yeah1 và cuộc tái cấu trúc vào “ngõ cụt”?
Trong một báo cáo gửi đến UBCK Nhà nước và Sở GDCK TP HCM cuối tháng 5/2021, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đăng ký bán hàng triệu cp của CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG). Thương vụ được khởi xướng giữa bối cảnh cổ phiếu YEG trải qua đợt lao dốc và mối hợp tác giữa Tân Hiệp Phát - Yeah1 chỉ mới diễn ra hơn một năm.
Kể từ đầu tháng 4/2021 đến nay, cổ phiếu YEG đã sụt giảm gần 46%. Nhà đầu tư rót tiền vào Yeah1 chứng kiến giá trị tài sản của họ lao dốc khi doanh nghiệp liên tiếp báo cáo những khoản thua lỗ. Cuộc cải tổ kéo dài hai năm qua tại hãng truyền thông này dường như chỉ khiến giới đầu tư trở nên bất an hơn và thôi thúc họ đặt lệnh bán cổ phiếu.
Cổ phiếu YEG và hành trình “dò đáy” sau sự cố Youtube. Đvt: Đồng
Cuộc hồi sinh
Tháng 3/2019, sau sự cố với Youtube, giấc mơ chen chân vào nhóm 3 công ty truyền thông đa phương tiện (multimedia) hàng đầu thế giới của Yeah1 gần như tan biến, giá cổ phiếu YEG lúc bấy giờ lao dốc từ 245,000 đồng/cp xuống dưới mốc 100,000 đồng/cp trong vòng 3 tuần. Đối diện khủng hoảng, ban lãnh đạo Yeah1 quyết định tái cấu trúc để hồi sinh giấc mộng về một “công ty kỳ lân”.
Thương mại truyền thông (media commerce) là định hướng mà các lãnh đạo Yeah1 chọn để theo đuổi, đó là dùng các nguồn lực truyền thông để ứng dụng vào lĩnh vực thương mại. Một nền tảng mang tên Giga1 được tạo nên và được lãnh đạo Yeah1 mô tả là hệ sinh thái thương mại truyền thông kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Trong công tác chuẩn bị nhân sự cho hành trình thay đổi, Yeah1 bổ nhiệm bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – cựu Country Manager của Viber Việt Nam – vào ghế Phó Tổng Giám đốc Yeah1 kiêm Tổng Giám đốc Giga1.
Từ trước khi có Giga1, bước đi đầu tiên của hệ sinh thái thương mại truyền thông là cho ra mắt Mega1 - ứng dụng điện thoại cho phép người dùng quay thưởng khi nhập code từ sản phẩm. Ngay từ khi ra mắt Mega1, Yeah1 đã có sự hợp tác với Tập đoàn Tân Hiệp Phát – ông lớn ngành FMCG. Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương cũng mua vào lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Yeah1 trong khoảng thời gian này.
Mega1 trên chợ ứng dụng CH Play
Tại buổi lễ ký kết diễn ra giữa tháng 3/2020, Chủ tịch Yeah1 – ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đánh giá rằng cái bắt tay Yeah1 – Tân Hiệp Phát sẽ giúp mảng thương mại truyền thông của Yeah1 đi nhanh hơn 2 năm. Về phía Tân Hiệp Phát, bà Phương cũng dành những lời có cánh cho đối tác: "Cái gì không làm cho chúng ta chết đi sẽ khiến chúng ta mạnh hơn. Đó là điều sẽ giúp Yeah1 mạnh mẽ hơn trong tương lai".
Những kết quả đầu tiên của Mega1 đã thể hiện sự khả quan, theo những lời chia sẻ từ lãnh đạo Yeah1 trong các sự kiện sau đó. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Tống tiết lộ rằng Mega1 mới chạy được 6 ngày đã chiếm 10% doanh số của Tân Hiệp Phát. Lúc đó, ông thậm chí nhận định Yeah1 có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020 chỉ với doanh thu từ Tân Hiệp Phát.
Nói thêm về tương lai Mega1 tại đại hội, Chủ tịch Tống cho biết ứng dụng này sẽ tích hợp tất cả dịch vụ của Yeah1 cũng như tận dụng toàn bộ lợi thế của Công ty, hướng đến mục tiêu 20 triệu người dùng. Ông nhấn mạnh rằng, Mega1 hướng đến mục tiêu lợi nhuận chứ không phải tham gia “cuộc đua đốt tiền” như hầu hết các ứng dụng thương mại điện tử khác.
Thị trường phần nào thể hiện niềm tin vào kế hoạch và những lời phát biểu từ người trong cuộc, cổ phiếu YEG từng có lúc tăng đến giá 83,000 đồng/cp trong khoảng thời gian quanh ngày ký kết giữa Yeah1 – Tân Hiệp Phát.
Tuy nhiên, cho đến nay, đó là lần cuối mà giới đầu tư chứng kiến sự hứng khởi như vậy dành cho cổ phiếu YEG. Từ đỉnh điểm 83,000 đồng/cp, hiện YEG chỉ còn được giao dịch quanh vùng giá 21,000 đồng/cp. Đà suy giảm nặng nề bắt nguồn từ những kết quả kinh doanh thiếu thuyết phục của Yeah1, trái ngược với tinh thần lạc quan và sự tự tin mà các lãnh đạo Công ty bày tỏ về quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Thua lỗ nặng nề
Ngay sau những lời chia sẻ tự tin của lãnh đạo Yeah1 tại ĐHĐCĐ về khả năng kiếm lãi của doanh nghiệp, Yeah1 đã phải thực hiện chuyển nhượng 25% cổ phần tại Mega1 với giá 70 tỷ đồng để tránh phải báo lỗ 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, 58 tỷ đồng từ thương vụ lúc bấy giờ cũng chỉ mới ghi vào khoản phải thu chứ chưa thật sự được nhận về.
Đến quý cuối năm đó, Yeah1 cũng chấp nhận bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ dù lỗ hơn 51 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Việc Yeah1 bán cổ phiếu quỹ ở mức giá thấp hơn giá mua làm bật lên hai câu hỏi. Thứ nhất, liệu có phải các lãnh đạo Yeah1 ngầm thừa nhận đó là mức định giá hợp lý cho cổ phiếu dù trước đây họ vẫn thường phát biểu Công ty có giá trị hơn thế? Thứ hai, nếu không phải vì nghĩ rằng định giá đó là hợp lý, quyết định bán lỗ cổ phiếu quỹ phải chăng là vì doanh nghiệp đã bắt đầu thiếu vốn?
Yeah1 báo lỗ ròng gần 182 tỷ đồng trong năm 2020, cùng với đó là dòng tiền kinh doanh âm xấp xỉ 428 tỷ đồng. Những khoản lỗ cũng tiếp tục đeo bám doanh nghiệp này sang quý 1/2021.
Không chỉ kết quả kinh doanh, Yeah1 còn khiến nhà đầu tư thất vọng về tiến trình thu hồi số tiền bán công ty con ScaleLab (đơn vị liên quan trong cuộc khủng hoảng mạng đa kênh với Youtube). Trước đây, vào thời điểm Yeah1 thông báo bán ScaleLab lại cho chủ cũ, Chủ tịch Tống cho biết thương vụ này là để bảo vệ quyền lợi cổ đông và số tiền thu về sẽ góp phần giúp Công ty tái cấu trúc. Tuy nhiên, mãi đến cuối quý 1/2021, toàn bộ số tiền bán lại ScaleLab gần 279 tỷ đồng vẫn nằm gọn trong mục khoản phải thu và đã được Yeah1 trích lập dự phòng khó đòi toàn bộ.
Tình hình kinh doanh qua các năm của YEG từ trước sự cố Youtube cho đến nay. Đvt: Tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngày 27/04 vừa qua, trả lời chất vấn của cổ đông về những khoản lỗ liên tiếp, Chủ tịch Tống giải thích kết quả kinh doanh kém của doanh nghiệp là vì họ không được cân đo bằng đúng phương pháp. Theo đó, ông chia sẻ rằng Yeah1 hiện là một công ty công nghệ nên giá trị lớn nhất nằm ở các nền tảng mà Công ty đang xây dựng. “Về sổ sách kế toán, chứng từ kế toán, đầu tư nền tảng riêng ở thị trường Việt Nam ghi nhận khác với những công ty khác trên thế giới. […] Ở Việt Nam, những gì cân đong đo đếm được thì ghi nhận, còn những gì đầu tư không nhìn thấy được thì có thể bị loại trừ.”
Nhưng thị trường chứng khoán không hài lòng với lời giải thích đó. Gần ba tháng qua, kể từ 01/04-18/06/2021, giá cổ phiếu YEG “ngụp lặn” với 35 phiên giảm điểm trong tổng cộng 54 phiên, trong đó có 7 phiên giảm sàn liên tiếp. Nhà đầu tư cho thấy họ đang dần đánh mất sự kiên nhẫn với Yeah1.
Trong vòng 2 năm sau cuộc khủng hoảng Youtube, Yeah1 có thể lầm lũi đối mặt với thua lỗ, cùng với đó vẫn thực hiện các khoản đầu tư mới, là nhờ điểm tựa nguồn vốn ngàn tỷ huy động được từ những ngày đầu cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên, vị thế tài chính vững chắc của Yeah1 dần bị bào mòn trong khi các khoản đầu tư đến nay chưa chứng minh được hiệu quả về mặt tài chính.
Nguồn tiền của doanh nghiệp đã không còn dồi dào như trước. Tiền và tiền gửi của Yeah1 đã giảm từ 712 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2019 xuống còn 49 tỷ đồng vào cuối quý 1/2021. Trong cùng khoảng thời gian, hãng truyền thông ghi nhận lỗ lũy kế tổng cộng gần 520 tỷ đồng.
Diễn biến tiền và tiền gửi, các khoản đầu tư vào công ty liên kết và lợi nhuận ròng của Yeah1 từ sự cố với Youtube đến nay. Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận