Yeah1 tiếp tục muốn dùng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế
Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) ghi nhận hơn 219 tỷ đồng, trong khi đầu năm lỗ hơn 305 tỷ đồng. HĐQT YEG dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế.
Mới đây, YEG vừa có công văn gửi HOSE báo cáo nguyên nhân lỗ năm 2020 và phương án khắc phục trong năm 2021.
Năm 2020, YEG lỗ ròng gần 182 tỷ đồng. Giải trình cho việc này , YEG cho biết đã mở rộng hệ sinh thái truyền thông đang có sang hệ sinh thái tiêu dùng vào đầu năm 2020. Do đó, cần nguồn lực để đầu tư ban đầu vào hàng hóa, nhân sự và các chiến lược kinh doanh dẫn đến gia tăng chi phí. Mảng kinh doanh mới vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường, đối tác, dù đã có doanh thu nhưng vẫn chưa thể bù đắp chi phí trong thời gian ngắn. Ngoài ra, Công ty đã thực hiện dự phòng hàng tồn kho nhằm phục vụ các chiến lược kinh doanh năm 2021, việc này khiến phần lớn nguồn vốn đầu tư chưa thể thu hồi.
Nguyên nhân trọng yếu là do sự khủng hoảng chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch phần nào làm các hoạt động kinh doanh của Công ty bị ngưng trệ, trên cả mảng kinh doanh truyền thống (nội dung số, truyền thông media) và mảng kinh doanh tiêu dùng.
Trong báo cáo, YEG cũng đưa ra phương án khắc phục khoản lỗ sau thuế 2020. Cụ thể, năm 2020, Công ty tập trung đầu tư và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng, cơ bản đã hoàn thành để đi vào hoàn thiện và khai thác với đối tác mới từ quý 2/2021. Tại cuộc họp HĐQT gần nhất ngày 30/03/2021, HĐQT đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ở mảng truyền thống - Digital trên 20%. Ngoài ra, HĐQT cũng đề xuất ĐHĐCĐ về việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2021 trong cuộc họp thường niên sắp tới.
Quay lại quá khứ, năm 2020, YEG cũng dùng nguồn thặng dư vốn để xóa lỗ lũy kế. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết việc xóa lỗ lũy kế sẽ giải quyết vấn đề cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, YEG đã đầu tư hệ thống SAP và DMS để tối ưu hóa hoạt động, kiểm soát và giảm thiểu tối đa chi phí.
Xét riêng về mảng thương mại tiêu dùng, 2021 hứa hẹn là năm thị trường tiêu dùng phục hồi sau đại dịch (sau khi có vaccine Covid-19), do đó sức mua tăng. Nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ là điều kiện tiền đề để hệ sinh thái tiêu dùng khởi sắc.
Mới đây, YEG đã công bố BCTC kiểm toán năm 2020, đáng chú ý, khoản lỗ sau thuế của Công ty ghi nhận gần 180 tỷ đồng, tăng hơn 29 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó. Mức chênh lệch trên do Công ty ghi nhận xóa sổ hàng tồn kho, dẫn đến khoản dự phòng gần 44 tỷ đồng được bổ sung vào giá vốn hàng bán trên báo cáo kiểm toán. Qua đó, lợi nhuận gộp giảm 64% so với báo cáo tự lập, còn hơn 36 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận