24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xung đột Nga - Ukraina: 4 tác động với nền kinh tế Việt Nam

Chiến sự Nga - Ukraine dẫn đến các quốc gia phương Tây đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Nga. Những điều này tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam như thế nào?

Trước hết, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đến Việt Nam không quá lớn. Ảnh hưởng rõ ràng nhất tới nền kinh tế Việt Nam sẽ là giá xăng dầu trong nước tăng và lạm phát có thể tăng theo. Thêm vào đó, cán cân thương mại của Việt Nam có thể sẽ không được tích cực như kỳ vọng vì chi phí nhập khẩu dầu tăng cao và có khả năng xuất khẩu giảm do sự thiếu hụt của nguyên phụ liệu trong sản xuất các mặt hàng điện tử.

Theo Dragon Capital chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu của Việt Nam không đáng lo ngại...

Về thị trường chứng khoán (TTCK) , Việt Nam không chịu tác động nhiều khi VN-Index vẫn đang vận động quanh mốc 1500 điểm. Tuy nhiên các tác động gián tiếp của cuộc chiến có thể xảy ra đối với một số nhóm ngành và cổ phiếu cụ thể, theo cả hướng tích cực và tiêu cực.

Nhóm ngành hàng hóa như nhôm, thép, phân bón có thể là đối tượng được hưởng lợi chính do Nga là nhà cung cấp thép, kim loại và phân bón lớn hàng đầu thế giới. Các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu của Nga có thể làm tăng giá hàng hóa trong ngắn hạn, có tác động tích cực đối các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Trong khi đó ngành may mặc, thủy sản trong nước có thể chịu tác động tiêu cực do Nga và Ukraine là các nước nhập khẩu hai mặt hàng này. Tuy nhiên mức độ tiêu cực không đáng ngại do tỷ trọng nhập khẩu thủy sản và may mặc của hai nước trên so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không quá cao.

Xung đột Nga - Ukraina: 4 tác động với nền kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu của VN sang các quốc gia

Hiện tại hai quỹ mở nội địa nắm tỷ trọng ngành thủy sản và may mặc không quá 5% tổng tài sản. Ngân hàng và bất động sản vẫn là hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do vậy chúng tôi đánh giá chiến tranh Nga - Ukraine hiện tại chưa có rủi ro trọng yếu nào tới danh mục đầu tư cổ phiếu của hai quỹ.

Cùng với đó, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi đường bay quốc tế mở cửa trở lại, đầu tư công được đẩy mạnh và chính phủ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp. Dragon kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng trên 20% trong năm 2022 và định giá thị trường tiếp tục duy trì ở mức hấp dẫn. Do đó, nhà đầu tư không nên lo lắng về những biến động ngắn hạn của thị trường do căng thẳng Nga – Ukraine gây ra, nên tập trung vào triển vọng dài hạn của thị trường.

Những tác động tới nền kinh tế VN

Khi vai trò của Việt Nam trong giao thương quốc tế ngày càng gia tăng, chiếm 1,8% xuất khẩu toàn cầu (theo dự báo của Dragon Capital), thì các xung đột giữa các quốc gia kéo theo các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ có ảnh hưởng tới Việt Nam. Mặc dù tác động trực tiếp đến hoạt động thương mại song phương với Nga và Ukaine có thể không quá lo ngại nhưng rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất đang dần xuất hiện. Cùng với đó, giá năng lượng tăng có thể tạo thêm áp lực về lạm phát, tuy nhiên những rủi ro này có thể kiểm soát được.

Tác động về Thương mại:

Hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị thương mại, lần lượt là 1% và 0,1%. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là phân bón ($150 triệu), sắt thép ($500 triệu), than ($500 triệu), hàng hóa nông nghiệp ($500 triệu) từ 2 quốc gia này; và xuất khẩu điện thoại di động ($1.230 triệu), sản phẩm dệt may ($480 triệu) và thiết bị điện tử ($640 triệu).

Những con số này là không lớn so với tổng giá trị thương mại năm 2021 đạt $668 tỷ của Việt Nam. Vì vậy, ảnh hưởng của sự kiện Nga và Ukraine đến thương mại của Việt Nam là rất hạn chế.

Tác động chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong khi tác động trực tiếp từ Ukraine hoặc Nga không đáng kể, Việt Nam có thể không hoàn toàn tránh được hệ quả tiêu cực từ sự kiện này khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử của Việt Nam.

Nga và Ukraine là 2 nhà cung cấp lớn về niken, neon, krypton, nhôm và palladium, đây là những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử. Vì vậy, bất kỳ hạn chế hay gián đoạn nào về nguồn cung hàng hóa Nga có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử.

Mặc dù, Việt Nam không nhập khẩu những vật liệu này trực tiếp từ Nga và Ukraine, nhưng lại mua từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan, 3/4 đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu $59 tỷ máy móc, điện thoại, thiết bị điện tử từ các thị trường này và chiếm 17,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Các quốc gia Đông Á này đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây và có thể sẽ áp dụng một số hạn chế giao thương với Nga. Vì vậy, việc Nga bị hạn chế kinh tế do tác động của các đòn trừng phạt có thể ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam.

Thâm hụt thương mại:

Việt Nam đã nhập khẩu ròng giá trị dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu với gần $6 tỷ mỗi năm trong 4 năm vừa qua. Khi giá dầu tăng cao, giá trị nhập khẩu ròng cũng sẽ tăng theo. Chúng tôi dự báo cán cân thương mại năm 2022 sẽ thặng dư $13,2 tỷ, với giả định giá dầu trung bình ở mức $85/thùng. Tuy nhiên, trong kịch bản giá dầu đạt $100/thùng bình quân năm 2022, xuất siêu có thể giảm xuống còn $12 tỷ, tương đương với mức tác động từ việc giá dầu tăng cao là khoảng 7%.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể tác động đến thị trường hàng hóa toàn cầu, khiến giá dầu Brent tăng cao và ảnh hưởng tới nền lạm phát của Việt Nam. Hiện tại, mặt hàng xăng dầu đóng góp 3,6% và nhóm giao thông vận tải chiếm 9,7% rổ lạm phát Việt Nam.

Tính từ đầu năm, giá dầu thô Brent đã tăng 27,2%. Diễn biến tiếp theo của giá dầu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm việc diễn biến xung đột tại Ukraine và tiến triển của thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo JP Morgan, có 3 kịch bản có thể xảy ra và sẽ có tác động tới giá dầu: Nga tiến hành các biện pháp trả đũa và thỏa thuận với Iran không thành công: Xung đột leo thang: $105/ thùng; Đạt được thỏa thuận với Iran: $100/ thùng; Rủi ro địa chính trị không còn + Đạt được thỏa thuận với Iran: $88/ thùng.

Dựa trên 3 kịch bản nêu trên, chúng tôi dự đoán tác động của giá dầu thế giới ảnh hưởng đến lạm phát toàn phần với các mức tăng 0,65%, 0,3% va 0,08% so với dự báo hiện tại.

Ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng lên lạm phát Việt Nam có thể sẽ không quá lớn bởi vì không phải lúc nào giá xăng trong nước với giá dầu thế giới cũng biến động cùng chiều. Giá nhiên liệu của Việt Nam hiện tại bao gồm rất nhiều loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế môi trường) cũng như các yếu tố bình ổn giá khác. Ngoài ra, để duy trì lạm phát dưới mức mục tiêu Quốc hội đã đề ra là 4%, Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát giá, bao gồm:

Chính phủ hỗ trợ tài chính công ty lọc hóa dầu để hỗ trợ xử lý một số khó khăn tạm thời và đưa công suất về mức bình thường.

Bộ Công Thương và các bộ ban ngành liên quan có kế hoạch thực hiện bán đấu giá 100 triệu lít xăng RON-92 từ dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung trong nước. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Chính cân nhắc việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, chi tiết sẽ được thảo luận vào kỳ họp Quốc hội tới đây. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 15% giá xăng dầu trong nước và tổng các loại thuế và phí chiếm tới 42%.

Ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng tăng đối với chỉ số giá tiêu dùng là không quá lớn. Một số cấu phần khác của rổ lạm phát như Điện nước (3,9%), Y tế (5,4%), hay Giáo dục (5,5%) vẫn đang được kiểm soát rất tốt và vẫn còn dư địa để điều chỉnh giá. Tuy nhiên, Dragon cũng đang theo dõi sát diễn biến của các loại mặt hàng khác như giá thịt lợn, gạo và gia cầm và ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng tăng lên nhóm này trong vài tháng tới để đánh giá mức độ ảnh hưởng tổng thể đến lạm phát Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,243.84 +9.14 (+0.74%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả