Xung đột Israel-Palestine ở Dải Gaza: Vết nứt ngầm trong quan hệ Mỹ-Israel
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thẳng thừng yêu cầu Israel giảm leo thang quân sự tại Dải Gaza đang tạo ra rạn nứt hiếm hoi giữa hai nước.
Thế giới chính trị, ngoại giao rung chuyển
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ảnh hưởng đến hy vọng một số người ủng hộ Israel ở Mỹ, đồng thời khiến các đảng viên Dân chủ ngày càng thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Jerusalem.
Tổng thống Biden đã do dự nhiều ngày khi công khai đối đầu với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tuyên bố về việc Israel phải “giảm leo thang và ngừng bắn" của ông chủ Nhà Trắng đã làm rung chuyển thế giới chính trị và ngoại giao.
Đó là bằng chứng rõ ràng nhất về sự thay đổi lập trường chính trị nhanh chóng, ít nhất là với các đảng viên Dân chủ, khi không nhiều người chấp nhận các hành động mà Israel nói rằng họ đang tự vệ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu ngày 19/5 tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tấn công quân sự kéo dài 10 ngày "cho đến khi đạt được mục tiêu", nghĩa là cho đến khi có thêm nhiều mục tiêu của Hamas bị tiêu diệt.
Lời thách thức công khai đó nhấn mạnh sự bất hợp tác của ông Netanyahu với ông Biden, điều đáng chú ý hơn cả là vì nhà lãnh đạo Israel rất ủng hộ Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm.
Hãng AP đưa tin, ông Netanyahu sau chuyến thăm tới trụ sở quân sự nói rằng ông “đánh giá rất cao sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ”, nhưng Jerusalem sẽ thúc đẩy “để trả lại sự bình tĩnh và an ninh cho các bạn, những công dân của Israel”.
Ông Biden không có thẩm quyền trực tiếp để áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Israel, nhưng thông điệp của Nhà Trắng rất rõ ràng và cứng rắn: Nếu Thủ tướng Netanyahu đưa cuộc xung đột đi xa hơn nữa, người đứng đầu chính phủ Israel có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ đáng kể từ Washington.
Trước đây, Mỹ và Israel có bất đồng, thường là về vấn đề các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây khu vực Tây Á. Thực chất mâu thuẫn tôn giáo giữa Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo vẫn luôn tồn tại và mâu thuẫn ngày càng sâu sắc.
Nhưng nhìn chung, lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Israel luôn được duy trì là quan hệ đồng minh quan trọng, và Mỹ cũng là nước ủng hộ và bảo vệ chính của quốc gia Do Thái trên trường quốc tế.
Ý kiến khác biệt trong nội bộ Mỹ
Tuyên bố về "cuộc thảo luận" giữa 2 nhà lãnh đạo nêu rõ: "Tổng thống Mỹ đã chuyển tới Thủ tướng Israel rằng ông ấy kỳ vọng Israel giảm leo thang quân sự đáng kể để tiến đến việc ngừng bắn".
Bên trong nước Mỹ cũng có phản ứng khác nhau về động thái này.
Đại diện bang California của Hạ viện Mỹ là Ro Khanna hoan nghênh tuyên bố trên. Ông Khanna cho biết: “Điều đáng khích lệ là Tổng thống Biden bắt đầu yêu cầu chấm dứt bạo lực”.
Trước đó, ông Khanna kêu gọi Tổng thống Biden cần gây áp lực lên Thủ tướng Isreal để kết thúc cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza.
Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa lại phản đối lời kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng
Cựu thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley viết trên Twitter: “Tổng thống Biden đang kêu gọi Israel giảm leo thang, trong khi nhóm 'khủng bố' Hamas vẫn bắn rocket vào các công dân Israel. Sẽ không thể chấp nhận được nếu một trong các đồng minh của Mỹ chỉ kêu gọi giảm leo thang nếu mục tiêu là Washington D.C”.
Các cuộc điện đàm tần suất dày đặc gần đây giữa ông Biden và ông Netanyahu phản ánh rằng cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ như thế nào trong thời gian vừa qua, bất chấp quyết tâm trước đó của ông Biden là tránh vướng vào các cuộc thù địch kéo dài của khu vực, chủ yếu là những lời chỉ trích từ phía cánh hữu cho rằng Mỹ đang phản bội lại đồng minh lâu năm.
Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột ở Dải Gaza đã làm lu mờ kế hoạch cạnh tranh với Trung Quốc của ông Biden.
Giới chức Mỹ ban đầu tin rằng, những lời chỉ trích công khai từ Washington có khả năng gây phản tác dụng, và Israel khó có thể nhượng bộ cho đến khi quân đội nước này tiêu diệt thêm nhiều mục tiêu của Hamas.
Chính quyền của Tổng thống Biden tỏ ra thất vọng khi Israel không công bố thêm thông tin công khai về việc nhắm mục tiêu vào một tòa nhà cao tầng ở thành phố Gaza, nơi cũng là trụ sở của hãng thông tấn AP và nhiều hãng truyền thông khác.
Các quan chức Israel cho biết, tòa nhà cũng che dấu các chiến binh Hamas, đồng thời nói thêm rằng, Jerusalem đã chia sẻ thông tin tình báo chứng thực khẳng định đó với Mỹ, nhưng việc thiếu bằng chứng công khai khiến chính quyền của ông Biden nhiều khả năng sẽ có biện pháp trừng phạt Israel.
Tổng thống Biden vốn trước đó luôn công khai ủng hộ mạnh mẽ Israel, có thế thấy đây cũng là áp lực đến từ phía đảng Dân chủ khi nhiều người phản đối các hành động của Israel.
Lời chỉ trích mạnh mẽ của đảng Dân chủ là một phần của sự thay đổi rộng rãi hơn trong suy nghĩ của đảng về quan hệ Mỹ-Israel. Những thay đổi đã được thể hiện rõ ràng, không chỉ giữa một thế hệ các nhà lập pháp tự do mới, mà còn là giữa các thành viên trung tâm và kỳ cựu của Quốc hội Mỹ.
Trong số những người có tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất là Hạ nghị sĩ Rashida Tlaib, một người Mỹ gốc Palestine. Tlaib là một trong những đảng viên Dân chủ bày tỏ sự hoài nghi rằng, tòa nhà nơi AP đặt văn phòng là một mục tiêu quân sự hợp pháp.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, người của đảng Dân chủ, phát biểu về xung đột Dải Gaza: “Tôi vô cùng lo lắng trước các báo cáo về các hành động quân sự của Israel dẫn đến cái chết của dân thường vô tội ở Gaza, cũng như việc Israel nhắm mục tiêu vào các tòa nhà có các cơ quan truyền thông quốc tế".
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh: “Sau hơn một tuần xung đột, việc ban hành một lệnh ngừng bắn là điều vô cùng cần thiết”.
Levy, Chủ tịch dự án U.S./Middle East cho biết: “Một mặt, ông Biden đang phản ứng với các động lực chính trị đang thay đổi bên trong nước Mỹ, và mặt khác lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng có nguy cơ tổn hại đến mục tiêu bảo vệ nhân quyền mà ông và đảng của ông thường kêu gọi”.
Chủ tịch Levy cũng cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn trong quan hệ giữa 2 đồng minh, với nhiều vấn đề liên quan đến xung đột ở Gaza, hay các cuộc đàm phán về hạt nhân đang diễn ra với Iran.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận