menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Vân

Xuất khẩu vào Iran: Tiềm năng lớn đang bị bỏ ngỏ

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam - Iran chỉ dừng ở mức khá khiêm tốn là trên 100 triệu USD/năm. Nếu làm tốt khâu nghiên cứu, kết nối thị trường, hàng loạt mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, rau quả… còn nhiều cơ hội để tăng tốc XK vào Iran trong thời gian tới.

Nông sản Việt nhiều lợi thế

Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng là DN đang NK hàng trang trí nội thất, thảm ba tư, nhụy hoa nghệ tây, hoa hồng, thực phẩm chức năng… từ Iran bán tại Việt Nam; đồng thời xúc tiến XK cà phê, chè, quế, hồi, tiêu, hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Iran. Bà Nguyễn Thị Hiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng (người có kinh nghiệm trên 8 năm sinh sống, làm việc tại Iran) cho biết, không chỉ là thị trường tiềm năng cho hàng Việt, đặc biệt là hàng nông sản, Iran còn là “cửa ngõ” cho hàng Việt thâm nhập vào thị trường rộng lớn tại khu vực Trung Đông.

Iran là thị trường đứng thứ 8 về sản xuất bông trên thế giới; sản lượng nho đứng thứ 3 thế giới; sản lượng chè khoảng 50 nghìn tấn/năm. Sản phẩm thuỷ sản của Iran chủ yếu gồm: cá hồi, cá tầm, tôm thẻ chân trắng… Đáng chú ý, nhuỵ hoa nghệ tây là sản phẩm rất nổi tiếng, nhiều đơn vị tại Việt Nam đã NK. Dù vậy, sản lượng nông sản của Iran chưa đủ để đáp ứng nhu cầu 86 triệu dân, nhu cầu NK rất lớn từ các nước, mong muốn được giao thương với Việt Nam.

Về mặt hàng cụ thể, bà Giang cho biết, Iran có nhu cầu NK 1 triệu tấn gạo/năm và hiện đang chủ yếu NK từ Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan. “Tại Iran, mỗi người tiêu thụ khoảng 120kg hoa quả/năm. Hoa quả nhiệt đới là mặt hàng rất được ưa chuộng tại Iran, điển hình như dứa, xoài. Mỗi năm thị trường này NK khoảng 470.000 tấn hoa quả nhiệt đới, tương đương trị giá khoảng 700 triệu USD. Nếu làm thị trường tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể XK được các mặt hàng như thanh long, ổi, bưởi, đủ đủ… sang Iran”, bà Giang nói.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng thông tin thêm, thói quen nổi bật trong văn hoá tiêu dùng của người Iran cho thấy tiềm năng XK chè, cà phê vào thị trường này rất lớn. Thói quen uống chè, cà phê tại Iran có từ lâu đời vì người dân thích tụ tập chốn đông người. Hiện tại, Iran chủ yếu NK cà phê dạng nguyên liệu, chè đen, chè xanh. Trong khi đó, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, có thể đẩy mạnh XK sang Iran thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Long, Bí thư thứ ba, Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq) phân tích: cơ hội thúc đẩy XK hàng hoá sang Iran, đặc biệt là hàng nông sản nằm ở chỗ, nhu cầu NK của Iran lớn do đất nước này thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Đáng chú ý, qua khảo sát người dân và một số nhà NK tại Iran cho thấy, người tiêu dùng Iran khá ưa chuộng hàng Việt Nam. Sản phẩm của 2 nước thường mang tính bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh.

Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương): với dân số gần 86 triệu người, Iran là thị trường có dung lượng tiêu thụ lớn trong số các nước khu vực Trung Đông. Đến nay, Việt Nam và Iran đã ký một số thỏa thuận hợp tác như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật; Hiệp định về thương mại và lập Ủy ban hỗn hợp; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao thương đôi bên.

Chú trọng kết nối trực tiếp

Thị trường rộng lớn, nhiều cơ hội thúc đẩy XK, song theo ông Nguyễn Thành Long, phương thức thanh toán là yếu tố các DN Việt cần đặc biệt lưu ý khi giao thương với thị trường này. Rất nhiều DN e ngại bởi thị trường Iran đã bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT), hình thức thanh toán thường phải thông qua nước thứ ba. “Khuyến nghị dành cho các DN Việt Nam là phải tìm hiểu, thẩm định kỹ đối tác; yêu cầu mức đặt cọc cao đối với khách hàng mới; sử dụng phương thức thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T theo thông lệ quốc tế”, ông Long nói.

Nhận định XK hàng hoá gồm nhiều khâu, luôn có rủi ro nhất định nên ông Long cho rằng ngay từ khâu đàm phán DN cũng phải cẩn trọng tránh bị gài các câu từ bất lợi. Bên cạnh đó, người Iran chú trọng việc kết nối giao tiếp trực tiếp với đối tác. Khi dịch căng thẳng trong năm 2020, 2021, Iran vẫn tiến hành hội chợ kết nối với người mua. Vì vậy, trong điều kiện cho phép DN Việt muốn làm ăn lâu dài thì nên tiếp cận trực tiếp, tham gia hội chợ, hội thảo, chương trình kết nối giao thương hàng năm với thị trường Iran.

Chia sẻ thực tế kinh nghiệm giao thương với thị trường Iran, bà Nguyễn Thị Hiền Giang cho biết, việc tìm hiểu thông tin rất quan trọng, cần tìm kỹ và lựa đúng sản phẩm thế mạnh, phù hợp, không cạnh tranh với mặt hàng của Iran. Đồng thời, DN XK cũng cần tìm hiểu rõ kênh thanh toán trước khi ký kết hợp đồng; đa dạng hoá kênh kết nối xúc tiến thương mại; luôn có kế hoạch rõ ràng chuẩn bị phương án tối ưu trong kinh doanh vì thị trường Iran có nhiều kỳ nghỉ tôn giáo, nghỉ dài ngày…. “DN luôn phải sát sao công việc, theo sát tiến độ và liên hệ thường xuyên với đối tác. Sự khéo léo, mềm mỏng trong đàm phán với người Iran sẽ giúp đem lại nhiều cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho DN”, bà Giang nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả