Xuất khẩu tôm phục hồi, FMC có quý lãi cao nhất trong hơn 1 năm
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, với doanh thu và lãi ròng tăng trưởng nhẹ. Đây là kết quả tương đối tích cực khi ngành xuất khẩu tôm chỉ vừa hồi phục trong giai đoạn gần đây.
Trong quý 3/2023, ông lớn xuất khẩu tôm ghi nhận doanh thu thuần gần 1.8 ngàn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Giai đoạn này, nhu cầu đã hồi phục rõ rệt, với sản lượng tiêu thụ quý 3 của FMC đạt 6,739 tấn, gấp đôi quý trước.
Tuy nhiên, lãi gộp giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 184 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ do giá bán đầu ra chưa hồi phục.
Trong kỳ này, chi phí bán hàng giảm mạnh tương ứng 27% xuống 67 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí vận chuyển giảm mạnh. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25% xuống 18 tỷ đồng.
Kết quả, FMC lãi ròng gần 82 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 6% so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất kể từ quý 2/2022.
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của FMC
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Kết quả tăng trưởng của FMC được đặt trong bối cảnh ngành tôm vừa bước vào giai đoạn phục hồi và các công ty nước ngoài tăng cường nhập hàng để chuẩn bị cho giai đoạn lễ hội cuối năm.
Theo FMC, việc công ty con Khang An có lãi cũng góp phần vào kết quả tăng trưởng. Cụ thể, trong quý 3/2023, Khang An đã có lãi 7.76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 20.70 tỷ đồng.
Hàng tồn kho hơn 1,200 tỷ đồng
Lũy kế 9 tháng đầu năm, ông lớn ngành tôm ghi nhận doanh thu thuần 3,835 tỷ đồng và lãi ròng 194 tỷ đồng, giảm 15% và 16% so với cùng kỳ. Với kết quả này, FMC chỉ mới thực hiện được 54% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Cuối tháng 9/2023, FMC nắm giữ gần 2,400 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó gần 340 tỷ đồng là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu ngắn hạn ở mức 708 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 280 tỷ đồng hồi đầu năm. Hàng tồn kho ở mức 1,240 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 930 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ở phía đối ứng, nợ ngắn hạn ở mức 1,440 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 862 tỷ đồng đầu năm. Điều này chủ yếu là do vay ngắn hạn tăng mạnh từ 515 tỷ đồng (đầu năm) lên 1,150 tỷ đồng.
Tình hình đã khởi sắc hơn
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hồ Quốc Lực, FMC đang nỗ lực vượt khó và kỳ vọng lợi nhuận năm nay ít nhất cũng đạt 90% so với năm 2022.
Ông chia sẻ: “Đến nay, FMC đã vừa đi qua 2/3 chặng đường năm 2023. Điểm sáng và điểm xám đan xen. Xám là thua sút cùng kỳ năm trước, sáng là có dấu hiệu phục hồi, tuy chưa như ý, nhưng hơn hẳn mức của toàn ngành”.
Chủ tịch FMC cho biết hiện tại, theo lý thuyết, đã qua cao điểm thu hoạch tôm nuôi, nhưng nguồn cung ứng tôm thành phẩm dồi dào, từ hàng tồn kho. Điều này khiến giá tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi, khả năng tạo ra sự không đồng bộ chuỗi cung ứng sau này. Hàng tồn kho một số nước còn khá, như Ecuador, Ấn Độ nhưng tập trung hàng sơ chế, cho nên hàng chế biến sâu của chúng ta có nền tảng thuận lợi bứt phá cho 3 tháng tới, khi vào mùa lễ hội mảng dịch vụ có nhu cầu hàng chế biến sâu tăng cao.
Ông Lực tiết lộ: “Tháng 9, các nhà máy chế biến FMC tất bật cho các đơn hàng đang có, tập trung đơn hàng chế biến sâu như tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên… Tình hình này còn kéo dài thêm hai tháng nhằm đáp ứng sự tập kết, chuẩn bị hàng cho các hệ thống phân phối, tiêu thụ cuối năm”.
Hiện nay FMC đang tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận