Xuất khẩu thủy sản: Trong "nguy" có "cơ"
Trong khi các mặt hàng rau quả đua nhau rớt giá thì xuất khẩu thủy sản vẫn tìm được cơ hội tăng tốc với mức tăng trưởng ấn tượng…
Tăng trưởng 2 con số
Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất thủy sản đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14 % so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng cá tra và tôm tăng giá trị chủ yếu là nhờ khối lượng: cá tra tăng gần 8%, tôm tăng 5%.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho hay: Trong 5 tháng đầu năm nay, 2 mặt hàng thủy sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là tôm và cá tra đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau thời gian điêu đứng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cụ thể, xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14%. Xuất khẩu cá tra với mức tăng từ 26% trong tháng 4,5 góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 623 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Cũng theo VASEP, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, XK cá ngừ chiếm 22% với 292 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 11% đạt 212 triệu USD; xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng tăng mạnh 81%; xuất khẩu cá biển khác với 698 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của VASEP trong những tháng cuối năm thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng cho thủy sản Việt Nam, với dự đoán nhu cầu gia tăng với cả tôm, cá tra, cá ngừ và các hải sản khác. Đặc biệt đối với tôm, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ- nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn do dịch Civid-19. Hơn nữa, tôm Ấn Độ đang là đối tượng bị các hiệp hội tôm Mỹ tấn công, với động thái gây áp lực để chính quyền Mỹ đánh thuế 2% và tăng thêm hàng rào kỹ thuật khác.
Cùng với đó, thị trường Hàn Quốc, Australia, Canada, Anh, Nga cũng đang có những tín hiệu hồi phục tốt do kinh tế đang tăng trưởng khả quan, nhu cầu nhập khẩu thủy sản đang gia tăng. Xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản, Trung Quốc dự báo chậm hồi phục hơn nhưng vẫn khả quan hơn nhiều so với năm 2020.
Thị trường xuất khẩu cá tra trong thời gian tới đang rộng mở, giảm phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đang tăng mạnh nhờ lợi thế EVFTA, trong khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ ổn định, đây là tín hiệu rất tốt cho ngành xuất khẩu cá tra trong năm 2021.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo số liệu của Tổng cục thủy sản trong 5 tháng đầu năm tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác đạt trên 3,2 triệu, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng đạt gần 1,7 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng cá tra đạt 523.000 tấn, tăng 2,8%; sản lượng tôm đạt 253.000 tấn, tăng 6%. Sản lượng khai thác đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, theo quy định của Luật Thủy sản 2017, các đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ và cá tra) thì các cơ sở nuôi phải đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi, vùng nuôi. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc để quản lý, truy xuất nguồn gốc theo quy định của thị trường nhập khẩu, tuy nhiên hiện nay công tác này được các địa phương thực hiện rất chậm.
Tính đến nay, các địa phương trên cả nước chỉ mới cấp mã số cho trên 5.400 ao nuôi của 1.097 cơ sở nuôi cá tra; 2.440 cơ sở nuôi tôm nước lợ và 230 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè. ĐBSCL có khoảng 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ phải thực hiện đăng ký để được cấp giấy xác nhận mã số vùng nuôi.
Nhưng đến tháng 9/2020, chỉ mới 0,4% số cơ sở có mã số vùng nuôi. Vướng mắc lớn nhất trong công tác cấp mã số cho cơ sở nuôi là do phần lớn hộ nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), đất không chính chủ và số còn lại thì không có hợp đồng thuê đất dài hạn; giấy CNQSDĐ của các hộ dân nuôi trồng thủy sản phần lớn là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông... là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Thủy sản 2017, vì vậy người dân gặp khó khăn khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.
TS. Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) lo lắng cho biết: “Công tác đánh mã số ao nuôi, vùng nuôi rất chậm chạp, gây khó cho việc truy xuất nguồn gốc lô hàng. Đây coi như là một nút thắt cổ chai ngành tôm trên đường phát triển bền vững của mình”.
Nhận định về thị trường trong những tháng tới, ông Lực cho đưa ra dự báo, xuất khẩu tôm nhu cầu sẽ tăng do ở Hoa Kỳ và EU đã từng bước đầy lùi Covid-19, người dân đã có thể đến các điểm vui chơi. Trong khi nguồn cung lại có xu hướng giảm do Ấn Độ-quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất đang bị Covid-19 nặng nề, đứt gãy chuổi cung ứng, cho nên xu thế tới đây tôm dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, giá tôm được dự báo chỉ tăng nhẹ do khả năng “túi tiền” của người tiêu dùng sau dịch Covid-19.
“Về xuất khẩu cá tra tình hình chưa mấy gì sáng sủa do tổng lượng cung cá thịt trắng trên toàn cầu còn tốt. Chỉ riêng phân khúc cá tra chế biến sâu, ăn liền có khả năng duy trì tốt thị trường vì phù hợp với thói quen mới của người tiêu dùng, nhưng mặt hàng này ta chưa đa dạng, nên chưa tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu”, ông Lực phân tích.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) cho biết, so với thời điểm đầu năm giá cá tra nguyên liệu đã có cải thiện và đang dao động từ 21.000-22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá vật tư đầu vào (chủ yếu là thức ăn) tăng mạnh nên với mức giá bán như trên thì người nuôi vẫn còn lỗ ít nhất 2.000 đồng/kg.
Về phía doanh nghiệp chế biến cũng đang gặp nhiều khó khăn khi các hãng tàu đồng loạt tăng cước vận chuyển lên gấp đôi, ba lần, các chi phí khác cũng tăng nhưng doanh nghiêp xuất khẩu không thể tăng giá bán.
Bên cạnh đó, nếu thị trường xuất khẩu có đầu ra tốt hơn thì có thể các doanh nghiệp chế biến có thể bị hụt nguồn cung nguyên liệu vào cuối năm, bởi vì với giá cá xuống thấp người nuôi đang bị lỗ như hiện nay thì ít ai dám đầu tư thả nuôi tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận