menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Thu.

Xuất khẩu thủy sản dự báo thu về 4,4 tỷ USD trong 2 quý đầu năm

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (+84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (+22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.

Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP đánh giá ngoài những vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, tình hình nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ dịch bệnh dẫn đến hiệu quả nuôi kém.

Xuất khẩu thủy sản dự báo thu về 4,4 tỷ USD trong 2 quý đầu năm
Theo VASEP, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 6% trong 5 tháng đầu năm là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành. Ảnh minh họa: TTXVN

Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.

Theo BĐT Chính phủ, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cũng nhìn nhận, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Với ngành tôm, các thách thức là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan.

Thách thức với ngành cá tra là giá xuất khẩu vẫn đang thấp, thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, thị trường Trung Quốc không ổn định, còn thị trường Hoa Kỳ là những lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá đang bước vào giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 20. Trong khi đó, "thẻ vàng" IUU vẫn đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp hải sản.

Xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Dự báo 6 tháng, xuất khẩu thủy sản thu về 4,4 tỷ USD

VASEP đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 6% trong 5 tháng đầu năm là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,65 tỷ USD; cá tra đạt 910 triệu USD; cá ngừ đạt 457 triệu USD; mực, bạch tuộc đạt 294 triệu USD; cua ghẹ đạt 119 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ đạt gần 74 triệu USD.

Những cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản được lãnh đạo VASEP nhìn nhận vẫn còn khá tích cực. Đặc biệt cơ hội này thể hiện khá rõ ở ngành tôm. Trước hết, tôm Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ... Tôm Ấn Độ thì đang đối mặt nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sau khi một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn của nước này trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân...

Một lợi thế lớn khác của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao.

Tuy vậy, VASEP đánh giá: "Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024".

Dự báo quý II và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Việc thực hiện hữu hiệu các giải pháp để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và hướng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 đang là vấn đề đặt ra.

Theo báo Công Thương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị VASEP từ nay đến cuối năm 2024 tập trung thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường. Đồng thời, thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để xử lý kịp thời, chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu; Tiếp tục vận động Hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả