Xuất khẩu thực phẩm vào EU: Cẩn trọng hàng rào kỹ thuật
Vụ việc Mì Hảo Hảo, miến Good bị EU cảnh báo vi phạm vì chứa chất ethylene oxide (EO) là lời “cảnh tỉnh” cho các doanh nghiệp phải nắm chắc hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu thực phẩm.
Quy định nghiêm ngặt
Mì Hảo Hảo, miến Good của Acecook Việt Nam và lô phở khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương xuất khẩu sang EU mới đây đã bị Ireland và Na-uy cảnh báo và thu hồi do chứa EO - chất có hại cho sức khỏe con người, không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại EU.
Theo Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI), việc tiêu thụ sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm ngay, nhưng sẽ có vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Mức giới hạn dư lượng EO cho phép trong thực phẩm ở EU rất khắt khe, cụ thể là 0,1 mg/kg đối với chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ; 0,05 mg/kg với các loại hạt có dầu; 0,02 mg/kg đối với trái cây, rau, cây đường. Trong khi đó, Mỹ và Canada cho phép sử dụng EO trong khử trùng thảo mộc, rau củ khô, vừng, cụ thể là 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol.
Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương)
Thời gian qua, nhiều thực phẩm từ các quốc gia, kể cả các nước thuộc EU đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt quá giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm theo quy định của EU.
Cuối năm 2020, Vương quốc Bỉ đã thông báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) về việc dư lượng EO trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép của khu vực này. Từ đây, nhiều quốc gia EU đã tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm.
Còn tại Anh, đầu năm 2021, Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh quốc đã đăng 58 cảnh báo thu hồi thực phẩm và đồ uống trên toàn lãnh thổ, nhưng chưa có trường hợp nào liên quan đến sản phẩm có xuất xứ Việt Nam.
Trở lại với cảnh báo của Ireland nêu trên, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Anh cho biết: “Cảnh báo đó không phải là một quyết định hành pháp, mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2. Trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Ireland sẽ dừng bán, thông báo tại các điểm bán hàng về việc thu hồi sản phẩm. Người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm đã mua và được hoàn lại tiền theo hóa đơn”.
Điều đó có nghĩa, không phải tất cả sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good bị cấm bán hay buộc phải tiêu hủy tại Ireland; nhà phân phối cũng không bị phạt hay bị buộc phải đóng cửa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vụ việc này cũng là lời “cảnh tỉnh” đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm muốn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Để hàng xuất sang EU an toàn, theo ông Cường, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn EU không chỉ đối với quy trình sản xuất, kinh doanh nội bộ, mà còn phải có giải pháp hữu hiệu đảm bảo mọi nguồn nguyên liệu từ bên ngoài không chứa các chất tồn dư bị cấm.
Hiện, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã liên hệ với FSAI để được thông tin rõ về vụ việc, nhưng trong khi chờ trả lời chính thức, cơ quan này cho rằng, Acecook Việt Nam nên tuyên bố nhận trách nhiệm đối với số sản phẩm bị khuyến nghị thu hồi tại Ireland, tạm thời dừng sản xuất mỳ Hảo Hảo và miến Good cho đến khi tìm ra xuất xứ chất EO trong quy trình sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý, các nước EU có quy định rất chặt chẽ và có hệ thống cảnh báo nhanh. Sau khi đã phát hiện có vi phạm, các nước càng tăng cường kiểm tra, do đó, các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sang EU cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của thị trường, bởi nếu vi phạm, sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của riêng doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của hàng hóa Việt Nam.
Kiểm soát chặt dư lượng EO
Trước sự việc hàng xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo và thu hồi tại EU, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) đã cung cấp thông tin liên quan đến quy định về sử dụng EO trong thực phẩm.
“Hiện nay, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định, nhưng với sự chênh lệch rất lớn”, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ thông tin.
Do đó, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Cùng với việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng, doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công/sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro. Doanh nghiệp nên làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu, bao bì không phát sinh mối nguy.
Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép/cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại hoặc chính sách xuất nhập khẩu của mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…
Vì vậy, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này, nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Theo đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận