Xuất khẩu “tăng tốc” để về đích
Sau những tháng suy giảm vì ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ, những lô hàng xuất khẩu liên tiếp được tỏa đi khắp 5 châu.
Những đơn hàng mới
Container thịt ngao đóng hộp đầu tiên của Việt Nam vừa được Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, mở màn cho các lô hàng kế tiếp trong tổng đơn hàng 10 container (2 triệu hộp) mà doanh nghiệp này ký kết với đối tác tại Tây Ban Nha. Lượng hàng còn lại sẽ được giao trong năm 2022.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam chia sẻ, việc xuất được sản phẩm sang thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU) là kết quả của một quá trình nhiều năm xây dựng dây chuyền sản xuất và kiên trì tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường.
Thịt ngao đóng hộp của Công ty được sản xuất theo quy trình chế biến và tiêu chuẩn chất lượng hết sức nghiêm ngặt, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Sau nhiều lần thử nghiệm và hoàn chỉnh quy trình sản xuất, các lô hàng mẫu thịt ngao đóng hộp lần lượt được khách hàng châu Âu kiểm tra trước khi ký kết hợp đồng.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia (có trụ sở ở Singapore) nhận định, Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực.
Trong khu vực, Việt Nam được xếp hạng cao về hiệu quả kinh tế, được thúc đẩy nhờ lợi nhuận cao từ việc phát triển sản xuất và tiềm năng xuất khẩu. Việc Việt Nam hội nhập thành công trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là “chìa khóa” để hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy, trong thập niên qua, giá trị ngành sản xuất của Việt Nam tăng cao nhất, gấp đôi mức tăng của Ấn Độ. Nhóm nghiên cứu của AXA Investment Managers Asia cho biết: “Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong thập niên qua, vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực châu Á”.
Ở mảng xuất khẩu gạo, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng vừa thông báo trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm, doanh nghiệp này trúng thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc với tổng khối lượng trúng thầu gần 49.000 tấn gạo các loại, chiếm 83% tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu gạo Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết, phần nào chịu tác động của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách, doanh thu quý III/2021 của Công ty đạt 500 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 66%, nhờ tập trung xuất khẩu dòng gạo sạch cao cấp có giá xuất khẩu cao. Dự báo năm 2021, xuất khẩu của Công ty Trung An tăng khoảng 67% so với năm 2020.
Tính chung cả ngành gạo, trong 10 tháng của năm 2021, đã xuất khẩu trên 5,1 triệu tấn, thu về gần 2,7 tỷ USD, giảm 4,5% về lượng, nhưng tăng 2,2% về trị giá và đang dần cán đích mục tiêu 3,2 tỷ USD của năm 2021.
Ngoài nhóm hàng nông sản đã mang về gần 40 tỷ USD sau 11 tháng, năm 2021 có thể nói là năm thăng hoa về xuất khẩu của ngành thép. Lượng đơn hàng gia tăng kỷ lục, kết hợp với giá nguyên liệu tăng mạnh đã đẩy giá thép tăng. Tính đến ngày 15/11, sắt thép đã gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Xuất khẩu thuận lợi, nên 10 tháng của năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt tổng sản lượng bán hàng 7,3 triệu tấn thép, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng mặt hàng thép dự ứng lực đạt mức tiêu thụ gần 75.000 tấn, trong đó, xuất khẩu đóng góp 27% với hơn 20.000 tấn, gấp đôi cùng kỳ năm 2020. Ngoài Mỹ và Đài Loan, thép dự ứng lực của Hòa Phát đã xuất khẩu sang một số thị trường mới như Canada, Singapore, Malaysia, Campuchia...
Xuất khẩu năm 2021 dự báo đạt gần 330 tỷ USD
Tại buổi Tọa đàm Bứt phá doanh thu cuối năm - Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, các FTA sẽ là “cú hích” cho xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu, trung tâm sản xuất không chỉ của khu vực, mà của cả thế giới.
Có thể thấy, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với sự hồi phục nhanh chóng, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục, Bộ Công thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay sẽ đạt gần 330 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa có thể giữ ở mức xuất siêu nhẹ.
Cơ sở để đưa ra dự báo này là thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường tăng vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận