Xuất khẩu sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm, nhập khẩu chững lại
Nhiều dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ mạnh mẽ hơn vào cuối năm khi nền kinh tế mở cửa trở lại trong khi đó, nhập siêu sẽ chững lại...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9/2021 đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2021 đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ tương ứng 94,8 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập khẩu đạt 242,65 tỷ USD tăng 30,5%.
XUẤT KHẨU SẼ TĂNG MẠNH NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Điểm sáng của bức tranh xuất nhập khẩu là từ cuối tháng 8 cán cân thương mại của Việt Nam đã thặng dư trở lại sau nhiều tháng thâm hụt. Số liệu từ Tổng Cục Hải Quan cũng cho thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 9 vừa rồi, Việt Nam có mức thặng dư thương mại đạt 0,5 tỷ USD.
Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, giá trị nhập siêu suy giảm trong tháng 9 vừa qua do các doanh nghiệp hoạt động trở lại khi chính phủ cắt dần các biện pháp giãn cách; Nhóm điện thoại linh kiện điện duy trì xu hướng tăng trưởng tốt khi Samsung bán mạnh các mẫu điện thoại mới tại thị trường quốc tế.
Đánh giá tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm 2021, BSC ước tính tăng trưởng xuất nhập khẩu cho năm 2021 ở mức 19,4% trong khi nhập khẩu duy trì ở mức tăng 30,2% vào năm 2021 do các lệnh giãn cách xã hội sẽ suy giảm dần và có thể chấm dứt vào tháng 10.
Mirae Asset cũng tin rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ dần lấy lại được đà tăng trưởng, nhờ vào hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp sẽ dần hồi phục khi các khu công nghiệp/ thành phố kinh tế trọng điểm đang được chú trọng trong công tác phòng chống dịch và tốc độ tiêm vắc xin được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu bên ngoài đã dần được cải thiện, nhờ việc triển khai vắc xin Covid-19 toàn cầu và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ số PMI của các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin cao vẫn đang duy trì mức phục hồi trên 50 điểm.
Các hiệp định thương mại chủ chốt chính thức có hiệu lực, trong đó, kỳ vọng hai thị trường chính - Mỹ và Trung Quốc - cũng như động lực mới từ thị trường EU, sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong khi đó, KBSV cho rằng giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông lâm thuỷ sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
XUẤT KHẨU NHIỀU MẶT HÀNG CHỦ LỰC TĂNG MẠNH
Chứng khoán Agriseco cũng kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số trong các tháng cuối năm 2021 và 2022.
Cụ thể, đối với nhóm thuỷ sản, ngành thủy sản đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2019, 2020, và kéo dài tới hết quý 3 vừa rồi bởi làn song Covid. Với những tín hiệu tốt từ việc kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Nam sẽ giúp cho triển vọng xuất khẩu thủy sản quý 4/2021 phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022.
Đối với nhóm dệt may, da giày, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là một yếu tố tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi đón các đơn hàng rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu đầu vào như cotton tăng cao, quý 3/2021 đã tăng gần 50% so với cùng kỳ. Đây sẽ là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận các doanh nghiệp dệt may.
Dẫu vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, triển vọng vẫn tích cực cho ngành dệt may trong cuối năm 2021 và đầu 2022, đặc biệt là các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung, những khu vực không phải phong tỏa do làn sóng dịch bệnh.
Ở nhóm gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam hiện là lựa chọn hàng đầu cho sự thay thế đồ nội thất Trung Quốc với vị trí đứng thứ 2 trên thế giới về thị phần xuất khẩu gỗ nội thất. Mỹ áp thuế nhập khẩu lên gỗ nội thất ở Trung Quốc trong khi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn tại Mỹ do chiến tranh thương mại.
Nhu cầu xây dựng bất động sản và sửa chữa nội thất tăng cao sau khi nền kinh tế phục hồi cũng sẽ là một yếu tố thúc đẩy sản lượng tiêu thụ gỗ trên toàn cầu và đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ.
Còn nhóm thép, sự bùng phát của dịch bệnh trong quý 3/2021 cùng với đó là việc chuẩn bị bước vào mùa mưa sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa sụt giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sắt thép lại đang có xu hướng tăng rất mạnh mẽ trong năm 2021 để bù đắp cho sự sụt giảm về tiêu thụ nội địa. Giá thép năm 2021 đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ bởi nhu cầu tăng đột biến khi nền kinh tế mở cửa và chính sách cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc.
Trung Quốc đang thưc hiện các cam kết hạn chế ô nhiễm môi trường, quốc gia này đặt ra mục tiêu không có tăng trưởng sản lượng thép thô trong năm nay. Trong khi nhu cầu thép được dự báo vẫn sẽ tăng mạnh trong năm 2022 cùng đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, những thay đổi này đã và đang giúp những doanh nghiệp xuất khẩu thép tại Việt Nam được hưởng lợi.
Agriseco Research đánh giá tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thép trong quý 3/2021 sẽ có sự sụt giảm so với quý 1 và quý 2 bởi các tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu thép sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu khi nền kinh tế phục hồi cùng với việc giá thép tăng mạnh so với cùng kỳ và vẫn được kỳ vọng duy trì ở mức cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận