Xuất khẩu nông sản mùa dịch nCoV, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trước tình hình 362 xe nông sản đang tồn đọng ở Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương họp bàn giải pháp tổng thể.
Đến trưa ngày 5/2, số nông sản trên đã được thông quan và thực hiện tuân thủ đúng quy định người sang Trung Quốc về cách ly 14 ngày.
Về giải pháp, ông Phùng Đức Tiến cho rằng trước mắt thống nhất chủ trương không chuyển hàng lên biên giới, tập trung vào tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh.
“Trong tình thế chúng ta còn khó khăn lâu dài, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với các thị trường, trao đổi thông tin thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, để những nghị định đang chuẩn bị dở dang thì phải triển khai ngay; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để thông tin tuyên truyền cho các doanh nghiệp, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị cho việc cơ cấu lại sản phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Nói về tình hình tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi thị trường này có biến động là tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta. Ngay trong ngày 5/2, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo cho phép vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định, bảo đảm công tác phòng, chống dịch và không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần có giải pháp căn cơ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa, không quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt đây là thị trường Trung Quốc.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, hệ thống siêu thị kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống và sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của người dân.
Với nhiều mặt hàng khác, không phải hàng nông sản, đã yêu cầu hệ thống thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan, hiệp hội ngành hàng mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận