Xuất khẩu LNG của Australia sang Trung Quốc tăng trở lại
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia sang Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong bối cảnh bất đồng thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng.
Trong tháng 8/2021, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia sang Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại, sau khi có dấu hiệu giảm nhẹ vào tháng trước đó, trong bối cảnh bất đồng thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng.
Báo cáo của tổ chức EnergyQuest cho biết, so với tháng 7/2021, trong tháng Tám vừa qua, Australia đã có trên 9 chuyến tàu chở LNG xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt tổng khối lượng 7,18 triệu tấn, chỉ thấp hơn không đáng kể so với con số kỷ lục đã lập được trước đó.
Theo EnergyQuest, sự gia tăng số lô hàng LNG của Australia sang Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh giá khí đốt quốc tế đang tăng mạnh mẽ, không chỉ đối với LNG giao ngay tại châu Á mà còn đối với cả giá LNG chuẩn tại trung tâm Henry Hub của Mỹ và giá chuyển tiếp của châu Âu tại trung tâm TTF ở Hà Lan.
Hiện giá LNG giao ngay ở ngưỡng 20 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBTU), tăng gấp 10 lần so với giữa năm 2020, trong khi giá LNG tại Henry Hub đã tăng lên 5 USD/mmBTU và lần đầu tiên giữ ở mức cao trên cơ sở ổn định kể từ tháng 3/2014.
Năm ngoái, EnergyQuest đã kêu gọi giảm giá LNG để thúc đẩy nhu cầu của thế giới, sau khi đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ, gây ảnh hưởng tới thị trường năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, sang năm 2021, giá LNG đã chứng kiến sự gia tăng ấn tượng, do phục hồi kinh tế dẫn đến nhu cầu cao trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Nửa đầu năm nay, quốc gia tiêu thụ nhiều nhất châu Á đã tăng 24% lượng LNG nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tiêu thụ của các quốc gia châu Âu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tăng 13,5%.
Các công ty Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong danh mục khách hàng lớn của các dự án và nhà khai thác LNG tại Australia, bao gồm dự án Origin ở Thái Bình Dương và liên doanh QCLNG của tập đoàn Shell ở tỉnh Gladstone, bang Tây Australia.
EnergyQuest cho biết nhu cầu khí đốt của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu điện trong thời tiết nóng nực của mùa Hè, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo thấp hơn, kết hợp với các chính sách hạn chế sử dụng than đá.
Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện từ các nhà máy sử dụng khí đốt của Trung Quốc tăng 14% so với cùng thời điểm năm 2020, trong khi hoạt động sản xuất thủy điện ở khu vực phía tây Nam nước này đã bị hạn chế do lượng mưa giảm và sản lượng năng lượng Mặt Trời thấp hơn dự kiến.
Nguồn cung than đá của Trung Quốc cũng bị hạn chế, do nhiều mỏ than nội địa đã bị đóng cửa mỏ và các lệnh cấm nhập khẩu (không chính thức) than của Australia. Nửa đầu năm nay, nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng 8,7 triệu tấn, trong đó phần nhập khẩu từ Australia tăng thêm 1,5 triệu tấn và số còn lại bao gồm từ các nguồn cung LNG của Mỹ, Malaysia và Qatar.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trong những năm gần đây, bất đồng thương mại liên tục gia tăng giữa hai nước đã gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực của Australia, như thịt bò, lúa mạch, rượu vang, than đá…
Tuy nhiên, sự gia tăng thương mại LNG giữa hai nước đã phần nào giúp xoa dịu tình hình, bù đắp thiệt hại về tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Australia sang Trung Quốc./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận