Xuất khẩu hồ tiêu quyết giành lại mốc tỷ USD
Nhờ giá bán tăng cao, xuất khẩu hạt tiêu trong 10 tháng đã đem về 783 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng. Ngành hồ tiêu đang tự tin sẽ giành lại mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm 2021…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay giá tiêu xuất khẩu tăng rất mạnh, tại thị trường nội địa, giá tiêu cũng liên tục tăng “nóng”.
Vào tháng 1/2021, giá tiêu thô chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, thì đến giữa tháng 10/2021 giá tiêu đã vượt mốc 90.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng trong 10/2021, giá tiêu trong nước tăng trung bình 8.000 – 9.000 đồng/kg.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG TRÊN 44%
Trên thị trường xuất khẩu, giá "vàng đen" của Việt Nam tăng đạt gần 4.500 USD/tấn trong tháng 10/2021 đối với tiêu đen loại 550g/l, trong khi đó tiêu trắng xuất khẩu đã lên tới ngưỡng 6.290 USD/tấn. Tính chung 10 tháng, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt hơn 3.300 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn lại năm 2020, do áp lực dư cung kéo dài nên giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào EU chỉ đạt 2.750 USD/tấn; vào Ấn Độ chỉ đạt 2.280 USD/tấn.
Tính từ đầu năm đến 31/10/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 232.000 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch đạt 783 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 3,2%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 44,2%.
Từ sau năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu nước ta liên tục tụt dốc một cách thảm hại, dù sản lượng liên tục tăng. Năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần so với năm 2021, đạt 288.000 tấn.
Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu năm 2021, là Công ty Trân Châu với lượng xuất khẩu đạt 19.749 tấn trong 3 quý, giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Tiếp theo là các doanh nghiệp: Olam xuất khẩu 18.511 tấn, tăng 7,4%; Nedspice: 14.170 tấn tăng 8,5%; Phúc Sinh: 13.455 tấn, giảm 19,9%; Haprosimex JSC: 10.137 tấn, giảm 8,5%; Liên Thành: 8.559 tấn, tăng 39,5%,…
Tuy khối lượng tiêu xuất khẩu giảm, nhưng giá trị kim ngạch được các doanh nghiệp thu về đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 30-70%.
Đã 18 năm nay, Việt Nam liên tục đứng vị trí số 1 toàn cầu về khối lượng hồ tiêu xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ diện tích gieo trồng loại cây này tăng mạnh, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước có diện tích và sản lượng thu hoạch tiêu lớn nhất thế giới.
Căn cứ lượng tiêu xuất khẩu các năm trước, thì trong 2 tháng cuối năm lượng tiêu xuất khẩu có thể đạt 40.000 - 45.000 tấn. Với đà tăng giá trên thị trường thế giới như hiện nay, mặt hàng hồ tiêu đang có khả năng sẽ giành lại được mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm 2021.
GIÁ TIÊU CÓ THỂ ĐẠT NGƯỠNG 100 NGHÌN ĐỒNG/KG
Giá tiêu liên tục xuống dốc suốt 4 năm, đến năm nay giá tiêu mới bắt đầu hồi phục trở lại. Điều đặc biệt là giá tiêu tăng rất nhanh, cho thấy ngành hồ tiêu đang trở lại thời kỳ hoàng kim.
Mặc dù thời gian qua các đại lý liên tục thu mua tiêu giá cao, tuy nhiên thực tế, lượng giao dịch không nhiều do đa phần nông dân đã bán hết tiêu ngay từ đầu vụ thu hoạch.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo giá tiêu sẽ tiếp đà tăng, do sản lượng hồ tiêu của Việt Nam và các nước giảm mạnh vì biến đổi khí hậu và nhu cầu lễ tết cuối năm. Hiện lượng hàng trong dân gần như đã hết, nếu đà tăng giá tiếp tục diễn ra, thì lượng hàng tồn từ 2-3 năm trước sẽ được tung ra thị trường và trong năm nay sẽ giải phóng hết được số lượng tiêu tồn kho.
Theo phân tích của các chuyên gia, giá tiêu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, nhưng sang đến quý 3 có dấu hiệu chững lại là bởi thị trường “vật lộn” do Covid-19. Khi các tỉnh thành mở cửa từ tháng 10, đã thúc đẩy hàng hóa luân chuyển, gỡ khó cho xuất khẩu đẩy giá tăng liên tiếp, dẫn đến giá tiêu tiếp tục “bùng nổ”.
Ngành hồ tiêu vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Điển hình như, giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, châu Âu, Mỹ… tăng gấp 6-10 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tái sản xuất như phân bón, giá xăng vẫn đang tăng cao làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và thu mua.
Tình trạng ách tắc container tại các cảng vẫn còn, khiến thu mua trong nước giảm. Tuy nhiên, nhu cầu cao các tháng cuối năm, nguồn cung khan hiếm do mất mùa tại các quốc gia khiến thị trường như chiếc "lò xo bị nén", đẩy giá tiêu tiếp tục tăng.
Một yếu tố được nhận định sẽ tiếp tục hỗ trợ giá tiêu đó là việc thế giới đang trong giai đoạn được đánh giá là chu kỳ "siêu kinh tế", sắp tới có thể Mỹ và các quốc gia khác tiếp tục bơm tiền vào thị trường.
Giá xăng dầu, giá gas, giá khí đốt tăng cao tiếp tục đẩy cước vận tải, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Để có thể tái lập ngành xuất khẩu tỷ USD trong năm nay, hồ tiêu 2 tháng cuối năm phải tăng cường xuất khẩu hơn nữa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như cao su tăng 46,5%; tiêu tăng 44,2%; hạt điều tăng 13,5%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 21,2%...
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 42,8% thị phần, châu Mỹ 30%, châu Âu 11,4%, châu Phi 1,9%, châu Đại Dương 1,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận