Xuất khẩu hàng sang Nga ngừng trệ, đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn
Nhiều lô hàng xuất khẩu qua Nga phải chuyển hướng sang một số cảng khác hoặc buộc phải quay về vì chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thông tin trên tại Hội thảo "Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine", diễn ra tại TP.HCM, ngày 20/4.
Hàng xuất khẩu qua Nga chịu nhiều rủi ro
Theo ông Hòe, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra hồi tháng 2 đến nay, rất nhiều hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã bị ngừng trệ, đẩy các doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn.
Dù thương mại xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam không cao nhưng những doanh nghiệp đang làm ăn với Nga đang chịu nhiều rủi ro.
Chuyên gia tại Hội thảo "Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine" diễn ra tại TP.HCM, ngày 20/4. Ảnh: Hồng Phúc
Một trong những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải là vận chuyển, đưa hàng từ Việt Nam sang Nga.
Cụ thể, nhiều cảng ngừng hoạt động, không xếp dỡ hàng hóa. Giai đoạn đầu căng thẳng Nga - Ukraine, nhiều lô hàng bị kẹt tại cảng, việc giải quyết thanh toán cho các đơn hàng này rất gian nan.
Hàng hóa của doanh nghiệp Việt sang Nga phải chuyển hướng sang một số cảng khác hoặc buộc phải quay về.
"Vận chuyển bế tắc, đối tác đề nghị chuyển sang cảng khác như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó họ tìm cách đưa về Nga nhưng rất rủi ro", ông Hòe nói và cho rằng các khó khăn còn lan sang các thị trường xuất khẩu lân cận của Việt Nam.
Xung đột Nga - Ukraine cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam không thể ký kết các hợp đồng mới do các vấn đề về tỷ giá, bảo đảm thanh toán, vận chuyển hàng hóa.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì?
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, với tình hình Nga - Ukraine đang diễn ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, đồng tiền thanh toán; rà soát lại các hợp đồng và hồ sơ pháp lý; chủ động đàm phán để hạn chế rủi ro trong thanh toán khi ký kết và thực hiện hợp đồng; tìm hiểu kỹ về cấm vận của các nước với Nga.
Đặc biệt, theo ông, để tranh thủ cơ hội, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các dòng hàng được hưởng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do để tận dụng, mở rộng thị trường.
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp nên mở rộng thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do. Ảnh: H.Phúc
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, xung đột giữa Nga và Ukraine được xem là một trong những điểm nóng của toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp nền kinh tế của nhiều quốc gia. Cuộc chiến dẫn đến các lệnh cấm vận trừng phạt nên việc giao nhận hàng hóa bị trì hoãn, đứt đoạn, chi phí vận chuyển tăng, trở ngại trong thanh toán.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, đối diện với những khó khăn này, doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn để ứng phó với bối cảnh biến động của thị trường. Song song đó, doanh nghiệp cũng cần được trang bị và được hướng dẫn các giải pháp về quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, xử lý tranh chấp để bình tĩnh hơn, có khả năng chống chịu cao hơn và phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng giai đoạn tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận