Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tháng 9 giảm 11%
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 9 là 607 triệu USD, giảm 11% so với tháng 8 nhưng cao hơn 73% so với cùng kỳ 2021.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 9 là 607 triệu USD, giảm 11% so với tháng 8 nhưng tăng 73,4% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đề cập áp lực lạm phát gia tăng tại Mỹ đang tác động tiêu cực tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, bởi đây là thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của ngành gỗ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ đã tăng trong những tháng đầu năm, nhưng từ tháng 7 tới nay, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang sụt giảm đơn hàng và thậm chí không có đơn hàng cho mùa vụ mới. Sức ép lạm phát buộc người tiêu dùng Mỹ phải thắt chặt chi tiêu, trong khi đó gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu.
8 tháng đầu năm, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Mỹ là 5,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Mỹ, có 2 mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao là ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn có kim ngạch giảm trong 8 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ và mặt hàng đồ nội thất nhà bếp tới Mỹ tăng trưởng tốt. Theo yếu tố thời vụ, triển vọng xuất khẩu những mặt hàng nội thất bằng sẽ khá hơn vào những tháng cuối năm.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong tháng 7 là 2,1 tỷ USD, giảm 5% so với tháng 7/2021. Đây là tháng thứ hai liên tiếp nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ là 15,8 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, đạt 5,7 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam giảm 3,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường EU, trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhận định kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ có thể sẽ khả quan hơn vào những tháng cuối năm do yếu tố chu kỳ, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu tới Mỹ. Cụ thể, lạm phát gia tăng tại Mỹ, cùng với xung đột giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu chấm dứt, khiến giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh. Bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch cũng là các yếu tố bất lợi. Ngoài tác động từ tình hình kinh tế, lạm phát, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành rào cản cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam.
Ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Tần suất của các vụ cảnh báo, khởi xướng điều tra gia tăng và những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu ngày càng lớn hơn. Ngành gỗ Việt Nam phải đối diện với các biện pháp tự vệ, nhiều nhất là tại Mỹ. Hiện nay, nước này đang tiếp tục gia hạn thời gian công bố kết luận cuối cùng về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với mặt hàng gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam đến ngày 31/1/2023. Sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ bếp, tủ nhà tắm đối với Trung Quốc thì nhà mua hàng đã chuyển sang Việt Nam để đặt hàng, các nhà máy của Trung Quốc cũng chuyển dịch sang Việt Nam để đầu tư. Do đó, Việt Nam đang là thị trường cung cấp chính các sản phẩm tủ gỗ cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cơ hội tăng thị phần luôn đi kèm với rủi ro phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế nếu kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến và không tương xứng với năng lực sản xuất thực tế.
Do đó, trung tâm thuộc Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành gỗ cần đảm bảo tuân thủ các quy định của thị trường Mỹ, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu. Việc thực thi các quy định nghiêm ngặt sẽ thúc đẩy ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; các kỹ năng để phòng vệ, tự vệ nhằm ứng phó khi có sự cố. Các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài có thể cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị để các doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận